Mỹ ‘kéo’ ngân hàng đa phương vào phát triển năng lượng sạch

Trong thời gian tới, Mỹ sẽ hướng đầu tư của các ngân hàng phát triển đa phương vào năng lượng sạch, chỉ đầu tư nhiên liệu hóa thạch nếu không có phương án khác khả thi.

Bộ Tài chính Mỹ mới đây đã ban hành Hướng dẫn về năng lượng nhiên liệu hóa thạch cho các ngân hàng phát triển đa phương (MDB), theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden về giải quyết khủng hoảng khí hậu trong và ngoài nước.

Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ - cổ đông lớn nhất trong toàn hệ thống MDB cho biết ủng hộ các lựa chọn về năng lượng sạch, đổi mới và hiệu quả năng lượng. Cơ quan này sẽ chỉ xem xét đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch nếu các dự án có mật độ các-bon thấp hơn khác không khả thi.

Cùng với đó, cơ quan này ủng hộ các dự án năng lượng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch do MDB tài trợ, đồng thời duy trì một số tính linh hoạt cho các nước đang phát triển để hỗ trợ một số lượng hạn chế các dự án nhiên liệu hóa thạch mang tính quan trọng đối với các mục tiêu phát triển, nếu đáp ứng một số tiêu chí nhất định.

Trước đó tại cuộc họp vào tháng 7 với những người đứng đầu MDB, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã yêu cầu các MDB nhanh chóng điều chỉnh danh mục với Thỏa thuận Paris, ưu tiên đổi mới và tạo tác động để phù hợp với quy mô của cuộc khủng hoảng khí hậu, phát triển tỷ lệ huy động vốn đầy tham vọng phù hợp với các mục tiêu khí hậu rộng lớn hơn.

Cùng với đó, yêu cầu phát triển các mục tiêu về trái phiếu xanh, “xanh hóa” quan hệ đối tác với các trung gian tài chính, tăng gấp đôi cam kết 40 tỷ USD hiện tại cho khu vực tư nhân tài trợ tập trung vào thích ứng với khí hậu và điều chỉnh các hoạt động dựa trên chính sách với các mục tiêu khí hậu.

Bằng cách chấm dứt hỗ trợ đầu tư trực tiếp vào các dự án than đá và dầu mỏ, cũng như khuyến khích các lựa chọn năng lượng sạch hơn, hướng dẫn của Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ hỗ trợ các nước nghèo và dễ bị tổn thương, các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột và các quốc đảo nhỏ đang phát triển trong việc đáp ứng các mục tiêu phát triển của họ.

Đồng thời, áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe để giảm lượng khí thải tổng thể và đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.


Một nhà máy điện gió và điện mặt trời của Trung Nam Group ở Việt Nam

Báo cáo “Biến đổi khí hậu 2021: Cơ sở khoa học vật lý” của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) giữa tháng này chỉ ra rằng hơn bao giờ hết, cả giới hạn 1,5 độ C và 2 độ C của Thỏa thuận Paris đều sẽ bị vượt quá trong thế kỷ XXI, trừ khi con người giảm mạnh phát thải khí CO2 cùng với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác, đưa phát thải ròng về 0 vào khoảng năm 2050 hoặc sau năm 2050.

Trong tất cả các kịch bản, sự nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C sẽ bị vượt qua trong tương lai gần (từ năm 2021 đến năm 2040) và sẽ duy trì trên 1,5 độ C cho đến cuối thế kỷ này.

Báo cáo lưu ý và nhấn mạnh rằng việc xử lý khí nhà kính không chỉ bao gồm khí CO2 khi nồng độ khí mê-tan và nitơ ôxi hiện đang cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong 800.000 năm qua. Do đó, các hạn chế nghiêm ngặt về mê-tan là rất quan trọng để hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Con người đang là nguyên nhân góp phần làm tăng cả khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của nắng nóng khắc nghiệt, lượng mưa, hạn hán và bão nhiệt đới.

Báo cáo nhấn mạnh những hậu quả của biến đổi khí hậu đang diễn ra không thể đảo ngược trong thời gian trăm năm hay thiên niên kỷ, đặc biệt là đối với những thay đổi của đại dương, các tảng băng và mực nước biển toàn cầu.

https://theleader.vn/my-keo-ngan-hang-da-phuong-vao-phat-trien-nang-luong-sach-1629452877880.htm