Muốn thành "nguồn cung cấp năng lượng của quốc gia", Quảng Ninh đề nghị bổ sung 5.000 MW điện gió

Chuyển dự án điện than chưa đầu tư sang điện khí và bổ sung thêm nhiều điện gió là đề nghị được tỉnh Quảng Ninh gửi tới Bộ Công thương liên quan đến Quy hoạch điện VIII.

Tỉnh Quảng Ninh nhận định mình là địa phương có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh về phát triển điện lực quốc gia, là một trong những trọng điểm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với sự phong phú và đa dạng về loại hình, đặc biệt là năng lượng tái tạo.

Tại Quy hoạch điện VII trước đây, Quảng Ninh được quy hoạch phát triển 11 nhà máy điện với tổng công suất là 10.800 MW, gồm 9.380 MW điện than và 1.500 MW điện khí.


Nhà máy điện BOT Mông Dương II tại Quảng Ninh

Tới thời điểm hiện nay, Quảng Ninh đã có 7 nhà máy điện than đang vận hành với tổng công suất là 5.640 MW, hàng năm phát lên lưới điện quốc gia 35-38 tỷ kWh, đóng góp ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng.

Tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Quảng Ninh còn có 3 nhà máy chưa đầu tư gồm Nhiệt điện đồng phát Hải Hà (2.100 MW), Nhiệt điện Quảng Ninh III (1.200 MW) và Nhiệt điện Cẩm Phả III (400 MW).

Hiện Quảng Ninh cũng được Chính phủ đồng ý bổ sung Dự án nhiệt điện khí LNG Quảng Ninh công suất 1.500 MW và đã vừa khởi động dự án này với cam kết từ nhà đầu tư là đưa vào vận hành giai đoạn 2026-2027.

Để tối ưu hiệu quả đầu tư, tỉnh Quảng Ninh cũng đã đề nghị Bộ Công Thương bổ sung giai đoạn 2 của Dự án nhiệt điện khí LNG Quảng Ninh vào dự thảo Quy hoạch điện VIII với quy mô 1.500 MW.

Theo Quảng Ninh, việc phát triển đồng bộ 2 nhà máy sẽ giảm đáng kể chi phí, thời gian đầu tư, đặc biệt đáp ứng nhanh một phần nhu cầu sử dụng điện của khu vực miền Bắc.

Quảng Ninh cũng được Viện Năng lượng khảo sát và đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn trên đất liền và ngoài khơi với đánh giá là khoảng 13.000 MW dọc bờ biển và khoảng 2.300 MW trên bờ, tập trung nhiều nhất ở đảo Cô Tô.

Hiện đã có hàng loạt nhà đầu tư tới Quảng Ninh để khảo sát, đề nghị được nghiên cứu các dự án điện gió ngoài khơi cũng như trên bờ.

Trong số này có Tập đoàn Cường Thịnh Thi và Tập đoàn Xuân Thiện đề nghị nghiên cứu lập dự án điện gió ngoài khơi với công suất 3.000 MW và 2.000 MW điện gió trên bờ.

Các doanh nghiệp khác quan tâm tới điện gió tại Quảng Ninh còn có Công ty cổ phần năng lượng Sóc Trăng, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành, Công ty cổ phần tư vấn xây lắp đầu tư An Phú Quảng Ninh, Công ty cổ phần năng lượng An Xuân.

Với ý chí, khát vọng đổi mới, vươn lên, đóng góp cho hưng thịnh quốc gia, phấn đầu mục tiêu “xây dựng Quảng Ninh là cực tăng trưởng, là cửa ngõ hợp tác kinh tế quốc tế, là nguồn cung cấp nguyên liệu và năng lượng của quốc gia” theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ninh, trong bối cảnh tài nguyên than cho nhiệt điện ngày càng khan hiếm và xu thế phát triển xanh, Quảng Ninh cũng đã đề xuất với Bộ Công thương việc bổ sung nhiều MW điện vào dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Cụ thể, điều chỉnh tiến độ đầu tư giai đoạn 2 Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh công suất 1.500 MW vào vận hành thời gian 2026-2027.

Trên cơ sở công suất các nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh III (1.200 MW) và Nhiệt điện Cẩm Phả III (400 MW) chưa đầu tư, Quảng Ninh cũng đề nghị cho chuyển các dự án này sang thành điện khí.

Đồng thời bổ sung quy hoạch các dự án điện khí tại khu vực có tiềm năng tại Hải hà và Quảng Yên trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Đặc biệt, Quảng Ninh đề nghị bổ sung phát triển 5.000 MW điện gió trong giai đoạn 2021-2040, trong đó có 3.000 MW là điện gió ngoài khơi và 2.000 MW là điện gió trên bờ. còn trong giai đoạn 2021-2030 là 2.500 MW (ngoài khơi là 500 MW và trên bờ là 2.000 MW).