LHQ kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp để các nước đang phát triển chuyển đổi năng lượng

Vào hôm 6/7, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã kêu gọi khẩn cấp hỗ trợ cho các nước đang phát triển để họ thu hút được "đầu tư lớn" vào quá trình chuyển dịch xanh của họ. Đây là một điều kiện quan trọng để thế giới đạt được các mục tiêu khí hậu vào năm 2030.

LHQ kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp để các nước đang phát triển chuyển đổi năng lượng

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres

Theo báo cáo hàng năm về đầu tư toàn cầu của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), những nước đang phát triển cần đầu tư khoảng 1,7 nghìn tỷ USD/năm vào năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, trong năm 2022, những nước này chỉ thu hút được 544 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài vào mảng này.

"Tiến độ chống lại sự nóng lên toàn cầu của chúng ta đã chậm đi ít nhất một thập kỷ. Do đó, đầu tư vào năng lượng tái tạo tại những nước đang phát triển là rất cần thiết", trích nhận xét của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, trong bài báo cáo.

Số lượng khoản đầu tư quốc tế vào năng lượng tái tạo đã tăng gần gấp 3 lần kể từ khi thông qua Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Tuy nhiên, phần lớn các khoản đầu tư tập trung tại những nền kinh tế phát triển.

Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho biết: “Sự gia tăng đầu tư đáng kể vào hệ thống năng lượng bền vững ở các nước đang phát triển là rất quan trọng, nhằm giúp thế giới đạt được các mục tiêu về khí hậu vào năm 2030”.

Báo cáo cũng đề xuất một phác thảo từ cơ chế tài chính cho đến chính sách đầu tư, để giúp những quốc gia này thu hút đầu tư xanh.

Theo UNCTAD, giảm nợ là điều cấp thiết để những quốc gia này có thêm "phần trích ngân sách", tạo điều kiện thực hiện những khoản đầu tư cần thiết cho quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch. Đồng thời, giảm nợ sẽ giúp hạ thấp xếp hạng rủi ro của họ và thu hút thêm đầu tư.

Nhìn chung, tăng trưởng đầu tư vào năng lượng tái tạo toàn cầu đã trở nên chậm lại vào năm 2022. Mặt khác, tổng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu lên đến 1 nghìn tỷ USD - một mức cao chưa từng thấy và gấp 8 lần so với trợ cấp nhiên liệu tái tạo trên toàn cầu.

Cũng trong năm 2022, đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu chỉ là đạt 1,3 nghìn tỷ USD (giảm 12%), sau khi trải qua đợt phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở các nước phát triển giảm xuống còn 378 tỷ USD (-37%). Nhưng ở các nước đang phát triển, đầu tư tăng thêm 4%, đạt 916 tỷ USD.

Dự kiến kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục suy thoái trong năm nay, do ảnh hưởng từ những cuộc khủng hoảng chồng chéo: Chiến tranh ở Ukraine, giá năng lượng, giá lương thực cao, áp lực nợ nần.

Vào năm 2022, Mỹ thu hút được lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất, vượt qua cả Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông, Brazil, Úc, Canada, Ấn Độ, Thụy Điển và Pháp.

Ngọc Duyên

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/lhq-keu-goi-ho-tro-khan-cap-de-cac-nuoc-dang-phat-trien-chuyen-doi-nang-luong-688902.html