Kiến nghị thu xếp vốn cho các dự án điện trong Quy hoạch điện VIII

 Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa đưa ra một loạt đề xuất các giải pháp nhằm bảo đảm phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam, trong đó kiến nghị cần thu xếp vốn cho các dự án điện trong Quy hoạch điện VIII.

Cần duy trì tỷ lệ điện than thích hợp

Theo văn bản của VEA gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các bộ liên quan, nhiệt điện than hiện nay chiếm khoảng 30% công suất nguồn và trên 40% sản lượng điện toàn hệ thống. Trong phiên bản dự thảo Quy hoạch điện VIII trình Chính phủ tháng 11/2020, tuy tỷ trọng sản lượng điện than trong cơ cấu nguồn có xu thế giảm, nhưng về con số tuyệt đối của công suất điện than vẫn tăng lên, từ 24.000 MW hiện nay lên tới 43.000 MW vào năm 2035.

VEA cho rằng, để bảo đảm an ninh năng lượng, trong thời gian tới năm 2030 Việt Nam vẫn cần duy trì một tỷ lệ điện than thích hợp trong cơ cấu nguồn điện. Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính và đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố tại Glasgow - Hội nghị quốc tế về chống Biến đổi khí hậu - COP26 vừa qua.

VEA đề xuất các giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam.

Với phân tích này, VEA kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ cho đầu tư các nguồn điện than mới khi sử dụng công nghệ giảm thiểu phát thải khí CO2; cho dừng các nhà máy điện than cũ, đã lâu năm. Sau năm 2030, cần có phương án không những không tăng thêm, mà sẽ giảm dần các nhà máy điện than, nhất là nhà máy dùng than nhập khẩu. Định hướng tới năm 2045 - 2050 sẽ chuyển một số các nhà máy điện dùng LNG nhập khẩu sang sử dụng Hydrogen “xanh”, có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo. Như vậy, Việt Nam mới có cơ hội tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo Quy hoạch điện VIII, giá điện thực hiện từ 11,4 Uscents/kWh tới năm 2030 sẽ tác động tới đầu vào của các ngành sản xuất và ảnh hưởng tới gánh nặng chi trả của người dân. Cần sớm hoàn thành thị trường điện cạnh tranh hiệu quả để giá điện phản ánh đúng quy luật thị trường, đồng thời giá điện để khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia thị trường điện Việt Nam.

Nên hạn chế điện mặt trời áp mái

VEA cho rằng, Việt Nam là nước ở vùng nhiệt đới, quanh năm nắng gió liên tục thuận lợi cho việc phát triển năng lượng tái tạo. Với bờ biển dài trên 3.200 km, lưu vực biển rộng lớn, có cảng biển, bãi ngang thuận lợi cho phát triển điện gió ngoài khơi và điện gió trên bờ. Đây là ưu việt để phát triển năng lượng điện gió.

Dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, VEA cho biết, trên thế giới nhiều nước lấy điện gió ngoài khơi là mục tiêu chính để phát triển năng lượng tái tạo, vì chỉ có điện gió ngoài khơi mới tạo ra nguồn điện lớn có thể thay thế được cho năng lượng hóa thạch.

Các loại nguồn điện khác như điện gió trên bờ, điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời áp mái đến nay đã đạt trên 20.300 MW, vượt xa Quy hoạch điện VII đề ra. Do đó, VEA kiến nghị trong Quy hoạch điện VIII nên hạn chế, chỉ cho phát triển điện mặt trời áp mái phục vụ cho gia đình và các cơ sở dịch vụ. Trong giá điện cũng nên quan tâm ưu tiên giá FIT cho điện mặt trời áp mái. Còn lại điện mặt trời, mặt đất, điện sinh khối và các loại năng lượng tái tạo khác cần tổ chức đấu thầu để chọn nhà thầu thích hợp, đảm bảo phát triển các dự án này một cách hiệu quả và bền vững.

Thu xếp vốn cho các dự án điện trong Quy hoạch điện VIII

Nhu cầu vốn cần thiết để đầu tư các dự án nguồn và lưới điện giai đoạn 2021 -2030 lên đến 99,3 - 116 tỷ USD, mỗi năm cần 10 tỷ - 11,6 tỷ USD cho phương án cơ sở và còn cao hơn trong phương án phụ tải cao. Việc thu xếp khoản tiền này cho mỗi năm vào các dự án điện cực kỳ khó, cần được Chính phủ, Đảng, Nhà nước có cơ chế đặc biệt để hỗ trợ cho các chủ đầu tư.

Đảm bảo đủ vốn cho các dự án năng lượng là vấn đề vô cùng quan trọng. Các dự án thiếu vốn cần được tháo gỡ. Cần có các cơ chế đặc thù cho các dự án năng lượng trọng điểm, như: Bảo lãnh Chính phủ, vay vốn nước ngoài, mở rộng thị trường, bỏ các rào cản, cần có tầm nhìn xa… để triệt để khắc phục tình trạng thiếu vốn.

VEA cũng kiến nghị Chính phủ nên mạnh dạn cấp phép đầu tư đối với các dự án đã thấy rõ hiệu quả; quy hoạch các dự án LNG phù hợp với các phụ tải tập trung, ở khu vực gần cảng biển để thuận lợi cho nhập khẩu LNG, tránh phát sinh đầu tư thêm các đường dây truyền tải.

Khuyến khích thăm dò dầu khí

Theo đánh giá của VEA, than là nguồn tài nguyên lớn của đất nước nhưng ngày càng cạn kiệt, lại tập trung ở khu vực Quảng Ninh. Do vướng mắc ở khâu cấp phép thăm dò để tìm kiếm mỏ mới, nên vẫn giữ trữ lượng trên dưới 2 tỷ tấn. Hiện nay đã khai thác ở độ sâu dưới 500 m, chất lượng than ngày càng thấp, không đủ cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ mới, phải nhập khẩu với số lượng ngày càng tăng.

Trong khi các mỏ khí đang khai thác, ngày càng cạn kiệt thì các mỏ khí mới chưa tìm kiếm được. Khí đốt có vai trò quan trọng, bổ sung cho các nguồn năng lượng khác như thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và than để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Từ phân tích này, VEA đề xuất Việt Nam cần có các chính sách khuyến khích trong việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí để đảm bảo, cung cấp năng lượng ổn định cho đất nước trong tương lai.

Ngoài ra, VEA cho biết, vai trò của các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo ngành điện và ngành năng lượng, cần phải sát sao để tham mưu cho Chính phủ và Trung ương tìm giải pháp tích cực giải quyết khó khăn cho các dự án điện và năng lượng.

Về trách nhiệm quản lý chỉ đạo từ cấp trên đến cấp dưới, từng tổ chức cá nhân, từ các ban quản lý, nhà thầu, chủ đầu tư thực hiện các dự án điện, năng lượng từ nay tới năm 2030 và sau năm 2030 cập nhật tiến độ triển khai dứt điểm vướng mắc ở đâu về cái gì, việc gì, báo cáo lên các cấp có thẩm quyền để khắc phục nhanh chóng không để ùn ứ gây chậm tiến độ, giải quyết dứt điểm để dự án đầu tư hoàn thành đúng kế hoạch.

Minh Thu

https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/kien-nghi-thu-xep-von-cho-cac-du-an-dien-trong-quy-hoach-dien-viii/20211202085051322