Khủng hoảng đẩy Nhật Bản vào tình trạng nguy hiểm về an ninh năng lượng

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng đã làm Nhật Bản, nhà nhập khẩu lớn LNG và dầu thô Nga, đứng trước những lựa chọn khó khăn.

Khủng hoảng đẩy Nhật Bản vào tình trạng nguy hiểm về an ninh năng lượng

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida mặc dù đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn so với những người tiền nhiệm của ông đối với Nga - nước láng giềng phía bắc của Nhật Bản và là nhà cung cấp năng lượng chính - nhưng đã dừng ngay việc áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu thô của Nga.

Nhật Bản vốn nghèo tài nguyên thiên nhiên, do đó an ninh năng lượng luôn là ưu tiên hàng đầu của quốc gia này. Nhật Bản là thị trường LNG lớn nhất thế giới và là một trong những nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới. Đất nước này cũng bị những hạn chế trong việc mở rộng quy mô năng lượng tái tạo do địa hình đồi núi, nước sâu và mật độ dân số cao.

Theo nhà phân tích của EnergyIntel, cuộc khủng hoảng đã làm đảo lộn các kế hoạch của Nhật Bản trong định vị Nga như nhà cung cấp năng lượng chiến lược, giảm sự phụ thuộc nặng nề vào Trung Đông. Cựu Thủ tướng Abe Shinzo tin rằng một quan hệ kinh tế mạnh mẽ song phương sẽ giúp giải quyết vấn đề lãnh thổ phương Bắc và sự can dự của Nga sẽ cản liên kết Trung - Nga chống lại Nhật.

Năm 2023, với tư cách là Chủ tịch G7, Nhật Bản không thể quay lưng lại với các đồng minh của mình trong các hành động trừng phạt Nga, nhưng điều đó sẽ đi ngược lại địa vị chính trị của Nhật, trong đó có vấn đề Đài Loan. Nhật Bản lo ngại rằng khủng hoảng Ukraine hôm nay có thể là khủng hoảng Đài Loan ngày mai.

Nhật Bản cũng không muốn xa lánh Nga vì lý do an ninh, khoảng cách địa lý gần gũi của Nhật Bản với Nga và mối lo ngại lâu dài của Tokyo về việc Nga xích lại gần Trung Quốc.

Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi các công ty Nhật giữ lại các cổ phần trong các dự án Sakhalin 1 và 2, trong đó Sakhalin 2 là nguồn cung cấp LNG quan trọng. Dữ liệu của Kpler cho thấy nhập khẩu LNG từ Nga đã tăng lên 2% vào 2022.

Tổ hợp Sakhalin-2, thuộc sở hữu một phần của Gazprom và các công ty Nhật Bản, có ý nghĩa sống còn đối với an ninh năng lượng của Nhật Bản vì nó chiếm 9% lượng khí tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu của nước này, Trong số 10 triệu tấn LNG/năm được sản xuất từ dự án, 60% sẽ được đưa đến Nhật.

Nhật Bản đã thực hiện trần giá đối với dầu thô của Nga từ 5/12/2022, nhưng dầu thô nhập khẩu từ nhà máy Sakhalin-2 sẽ được loại trừ. Chính phủ Nhật Bản cho biết việc loại trừ dầu thô từ dự án Sakhalin-2 đã được quyết định vì an ninh năng lượng của Nhật Bản.

Nga cũng đã cho phép hai công ty Nhật là Mitsui & Co và Mitsubishi tiếp tục duy trì cổ phần trong dự án Sakhalin-2. Điều này cho thấy Sakhalin-2 có tầm quan trọng như thế nào đối với Nhật Bản.

Chuyển đổi năng lượng và chia rẽ với EU

Mặc dù địa chính trị đã đưa Nhật Bản và EU xích lại gần nhau hơn nhưng họ lại rất khác nhau về nhiều vấn đề như cách tiếp cận quá trình chuyển đổi năng lượng, dự định Nhật Bản sẽ thúc đẩy phiên bản chuyển đổi năng lượng thực tế cho châu Á tại cuộc họp về khí hậu, năng lượng và môi trường của G7 tại Sapporo vào tháng 4 tới. Điều này cho thấy vai trò tiếp tục của LNG và than sạch ở các nước đang phát triển châu Á, được cho là chìa khóa để phát triển kinh tế, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo khả năng chi trả. Nhật Bản dự kiến sẽ thúc giục EU thể hiện sự ủng hộ nhiều hơn đối với các khoản đầu tư các dự án LNG và hạt nhân mới để đảm bảo sự ổn định trên thị trường năng lượng .

Nhật Bản cho rằng chính sách năng lượng của EU là phi thực tế, việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân nhằm thay thế bằng năng lượng tái tạo gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, trong đó Nhật Bản chịu gánh nặng về giá cả LNG cao.

Tuy nhiên, theo kế hoạch năng lượng chiến lược lần thứ 6 của Nhật Bản, năng lượng tái tạo đã nhảy vọt lên mục tiêu 36 - 38% cho sản xuất điện, so với mức 22 - 24% trước đó. Nhưng không giống như EU muốn loại bỏ dần than đá và ủng hộ hydro xanh, Nhật Bản khuyến khích đồng đốt amoniac trong các nhà máy điện đốt than và ưu tiên thương mại hóa hydro/amoniac xanh trước tiên, vì họ tin rằng hydro xanh phải chậm hơn vì mục đích thương mại hóa và dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn của năng lượng tái tạo làm nguyên liệu.

Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay và mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 đã khuyến khích Nhật Bản thực hiện một thay đổi lớn trong chính sách năng lượng bằng cách cam kết khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân đang ngừng hoạt động và cho phép kéo dài tuổi thọ và thậm chí là xây dựng mới. Hạt nhân được nhắm mục tiêu chiếm 20 - 22% sản lượng điện vào năm 2030, nhiên liệu hóa thạch 41% (phần lớn được phân chia giữa LNG và than đá) và hydro/amoniac 1%. Giá LNG cao và nguồn cung khan hiếm cũng đã tạo động lực để Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy và hỗ trợ tài chính cho các khoản đầu tư LNG mới, với Mỹ dự kiến sẽ là điểm đến chính.

Hồng Thanh

 

Nguồn:Khủng hoảng đẩy Nhật Bản vào tình trạng nguy hiểm về an ninh năng lượng (petrotimes.vn)