Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu - BĐKH (COP26), lần đầu tiên Việt Nam cam kết thực hiện lộ trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và chấm dứt sử dụng than đá (chủ yếu là các nhà máy nhiệt điện than).
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, trong ngắn và trung hạn Việt Nam đối mặt bài toán khó về cân đối giữa đảm bảo an ninh năng lượng (ANNL) cho phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, khi điện than chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu năng lượng.
Nhu cầu tiêu thụ năng lượng rất lớn
Theo mục tiêu phát triển kinh tế Quốc hội đề ra, tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam trong 5 năm (2021-2025) dự kiến đạt khoảng 6,5-7%. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng này phải đảm bảo ANNL - yếu tố đầu vào cho nhiều ngành kinh tế. Thực tế, cùng với tốc độ tăng trưởng và mở rộng quy mô nền kinh tế, tiêu thụ năng lượng Việt Nam đang tăng nhanh qua các năm với tốc độ bình quân 6%/năm (trong đó riêng tiêu thụ điện tăng khoảng 10%/năm).
Đáng nói, trong khi nhu cầu về điện năng tăng cao, khả năng nguồn cung lại đang bị hạn chế. Kết quả mới nhất do Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) tính toán cho đề án Quy hoạch Điện VIII, cho thấy ở kịch bản cơ sở nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng 8% trong giai đoạn 2021-2030, năm 2025 dự kiến đạt 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến 478,1 tỷ kWh.
Dự báo chung trong ngắn hạn, giai đoạn 2021-2025 Việt Nam đối mặt nguy cơ thiếu hụt điện năng do một số nhà máy nguồn điện có công suất lớn bị chậm tiến độ, một số dự án truyền tải đang gặp khó khăn… Thị trường điện vận hành chậm chạp, thực tế giá điện không phản ánh đầy đủ chi phí theo thị trường, có thể xem là lý do khiến các đối tác tham gia không mặn mà, góp phần dẫn tới lỗ hổng về ANNL.
Trong dài hạn, dự báo đến năm 2030 dân số Việt Nam sẽ tăng khoảng 96,7 triệu người hiện nay lên khoảng 104 triệu người, quy mô nền kinh tế cũng sẽ tăng, do đó nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay, đạt khoảng 550-600 tỷ kWh điện. Thêm vào đó, tỷ lệ giữa nhu cầu tiêu thụ năng lượng so với tăng trưởng GDP của Việt Nam cao gấp 2 lần, trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này dưới 1 lần.
Nhiệt điện than vẫn là chủ yếu
Để bảo đảm ANNL, Việt Nam đã và đang phải đối mặt không ít thách thức, như tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng, nhiên liệu cho phát điện.
Số liệu báo cáo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, tính đến hết quý III-2021, lũy kế sản lượng điện toàn hệ thống đạt 192,55 tỷ kWh. Trong đó, thủy điện 54,68 tỷ kWh (chiếm 28,4%), tua bin khí 20,92 tỷ kWh (10,9%), điện nhập khẩu 1,01 tỷ kWh (0,5%), nhiệt điện dầu huy động không đáng kể (2 triệu kWh); đáng chú ý, trong khi năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) còn khiêm tốn khi chỉ đạt 22,68 tỷ kWh (11,8%), nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu 92,67 tỷ kWh, chiếm 48,1% tổng sản lượng toàn hệ thống.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021-2030 tầm nhìn 2045 (Quy hoạch Điện VIII), đến năm 2030 tổng công suất đặt nguồn điện ước đạt 137.200 MW, trong đó nhiệt điện than vẫn chiếm khoảng 27%, đến năm 2035 giảm xuống 23% và tiếp tục giảm xuống 21% vào năm 2040. Năm 2045, dự kiến tổng công suất đặt của nguồn điện đạt 276.700 MW, trong đó nhiệt điện than dù giảm song vẫn chiếm tỷ trọng 18% trong cơ cấu.
Như vậy, dù nhiệt điện than đang mang lại những lo ngại, song việc phát triển nguồn năng lượng này vẫn cần thiết trong bối cảnh nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ngày càng tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện với chi phí không quá cao, hệ thống điện quốc gia vẫn cần phải xây dựng các nhà máy nhiệt điện than. Trước mắt, nếu chọn năng lượng tái tạo sẽ có nhiều rủi ro, vì đây là nguồn năng lượng thiếu ổn định do phụ thuộc vào thời tiết, còn phát triển nhiệt điện khí hóa lỏng chi phí sẽ khá lớn và giá điện theo đó sẽ tăng cao.
Vẫn phải xây dựng nhà máy nhiệt điện than
Theo Quy hoạch Điện VIII, từ nay đến năm 2031 Việt Nam sẽ xây thêm 27 nhà máy nhiệt điện than, với tổng công suất 31.000MW. Theo Viện Năng lượng Việt Nam, đơn vị xây dựng Quy hoạch Điện VIII, quy mô các nhà máy nhiệt điện than đưa vào giai đoạn 2021-2035 đều là những dự án chắc chắn xây dựng, hiện đã thực hiện, công tác xúc tiến đầu tư tốt, không thể loại bỏ.
Trong bối cảnh việc phát triển ngành điện vừa phải đáp ứng nhu cầu điện, đảm bảo ANNL quốc gia, vừa phải giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Quy hoạch Điện VIII yêu cầu rất rõ, các nhà máy nhiệt điện than trong giai đoạn 2021-2025 chỉ xây dựng công nghệ nhiệt điện than siêu tới hạn trở lên.
Dẫu vậy, các dự án này hiện đang gặp khó khăn trong huy động nguồn vốn. Theo đó, nhiệt điện than của Việt Nam giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 358.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 hơn 425.000 tỷ đồng để đầu tư xây mới.
Trong khi đó, việc thu xếp vốn cho các dự án điện than giai đoạn tới rất khó do nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới đã hạn chế cho vay đối với các dự án nhiệt điện than. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra nguy cơ thiếu điện do chậm tiến độ nguồn.
Gần đây, có ý kiến đề xuất giải pháp các nhà máy điện than có thể chuyển đổi sang dùng khí hóa lỏng thay cho than đá. Tuy nhiên, giải pháp này khó khả thi khi khí hóa lỏng đắt gấp nhiều lần than đá, doanh nghiệp vận hành nhà máy nhiệt điện than sẽ thua lỗ nếu bán điện sản phẩm với giá như hiện nay.
Với cam kết tại COP26, Việt Nam sẽ hạn chế và tiến tới loại bỏ nhiệt điện than. Tuy nhiên, việc này sẽ làm mất cân đối về cơ cấu tỷ trọng loại hình trong chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam.
Hoàng Sơn
https://www.saigondautu.com.vn/kinh-te/khong-de-nang-luong-xanh-nang-luong-sach-99875.html