Khí thải phát ra từ một nhà máy thép ở North Braddock, bang Pennsylvania (Mỹ) ngày 21/1/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo một báo cáo của Liên hợp quốc công bố ngày 27/10, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ - quốc gia có lượng khí thải bình quân đầu người cao nhất thế giới - sẽ giảm trong vài năm tới do nước này đã thông qua luật hỗ trợ năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, tốc độ giảm khí thải của các nước khác trên thế giới vẫn còn quá hạn chế để có thể làm chậm quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.
Báo cáo trên nêu rõ với mức cắt giảm khí thải mà 166 quốc gia đã cam kết, trong đó có Mỹ, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng khoảng 2,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Trong khi đó, để ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất mà biến đổi khí hậu gây ra, thế giới cần phải giữ mức tăng nhiệt độ không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và tất cả các nước phải cắt giảm khoảng 45-50% năng lượng hóa thạch từ nay đến năm 2030.
Liên hợp quốc cho rằng các quốc gia hoàn toàn có thể giảm sử dụng năng lượng hóa thạch trong các ngành như điện, công nghiệp, vận tải và xây dựng, thậm chí trong ngành sản xuất nông nghiệp và lương thực, hiện là nguyên nhân gây ra tới khoảng 33% lượng khí thải.
Một tín hiệu tích cực có thể thấy là cam kết hiện nay của các nước sẽ khiến lượng khí thải toàn cầu tăng 11% vào năm 2030 so với năm 2010, tức là cải thiện hơn so với mức 14% mà các nước đã đặt ra cho giai đoạn này.
Tuy nhiên, theo Viện Tài nguyên thế giới, cơ quan tham gia nghiên cứu giúp Liên hợp quốc đưa ra các dữ liệu trên, việc cam kết cắt giảm khí thải của các nước không mang tính ràng buộc, do đó tiến độ nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào các nước.
Đối với Mỹ, các chính sách giảm khí thải mới đây sẽ giúp quốc gia này đạt được khoảng 80% mục tiêu đã cam kết theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Trong năm nay, Quốc hội Mỹ đã nhất trí chi 374 tỷ USD hỗ trợ phát triển năng lượng sạch, sản xuất xe chạy điện và nâng cấp các hệ thống giúp cho các doanh nghiệp và các hộ gia đình xả thải ít hơn.
Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới, trong khi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) chiếm tới 75% lượng khí thải toàn cầu.
Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập vào đầu tháng 11 tới sẽ là cơ hội để các nước này cam kết tăng tốc cắt giảm khí thải, cũng như tích cực hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai như lũ lụt, hạn hán, hay siêu bão do biến đổi khí hậu gây ra./.
Hải Vân-Quang Huy (TTXVN/Vietnam+)
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/khi-thai-cua-my-giam-nhung-the-gioi-van-cach-xa-muc-tieu-khi-hau/826019.vnp