Cuộc trao đổi giữa các lãnh đạo quốc gia đã nhường chỗ cho các cuộc gặp gỡ kinh doanh vào ngày thứ Tư 5/6, ngày thứ hai trong phiên đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh Hàn Quốc - Châu Phi. Hàn Quốc đã tận dụng sự tham gia của 48 phái đoàn từ các nước châu Phi để có thể ký kết gần 50 thỏa thuận.
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Hàn Quốc và Châu Phi. Ảnh AFP
Đúng như cam kết, Hàn Quốc đã mở ra một chương mới trong quan hệ với châu Phi, trong đó có thương mại. Tại Hội nghị thượng đỉnh, các thành viên của 48 phái đoàn đã cùng thảo luận về các lĩnh vực nông nghiệp, khoáng sản, sản xuất công nghiệp và cả năng lượng.
47 thỏa thuận đã được ký kết với 23 quốc gia châu Phi. Chúng phản ánh tham vọng của Seoul, nhiều trong số đó liên quan đến việc cung cấp các khoáng sản thiết yếu. Các thỏa thuận liên quan đến lĩnh vực này với Tanzania và Madagascar đã được ký kết vào ngày 5/6, những thỏa thuận này rất quan trọng đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Nếu không có những nguồn tài nguyên này, Hàn Quốc không thể vận hành ngành công nghiệp pin điện với mức lợi nhuận cao.
Một hợp đồng trị giá 30 triệu USD
Các quan hệ đối tác khác cũng đã xuất hiện trong lĩnh vực năng lượng, chẳng hạn như hợp đồng trị giá 30 triệu USD được ký kết bởi Hyosung Corp, một trong những tập đoàn lớn của Hàn Quốc, để cung cấp máy biến áp điện cho Mozambique. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã ký một thỏa thuận khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại với 8 quốc gia châu Phi, trong đó có Ghana và Malawi.
Tại lễ khai mạc ngày thứ hai của Hội nghị, Tổng thống Hàn Quốc đã nhấn mạnh hạn ngạch thương mại giữa hai bên, trong bối cảnh Hàn Quốc muốn hướng tới thị trường xuất khẩu. Thương mại với lục địa này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 14 tỷ USD, do đó Hàn Quốc khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào châu Phi.
Kết quả nào cho Hội nghị thượng đỉnh này?
Hàn Quốc tuyên bố sẽ tăng gấp đôi viện trợ phát triển cho Châu Phi. Seoul muốn đảm bảo một chuỗi cung ứng mới cho các khoáng sản thiết yếu để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ tỷ lệ trao đổi sẽ diễn ra như thế nào.
Đối với các nước châu Phi, họ cũng có thể hoan nghênh những ưu đãi đầu tư đáng kể được Chính phủ Hàn Quốc công bố. Một trong những hậu quả của hình thức Hội nghị thượng đỉnh là mỗi quốc gia đều đóng một vai trò nhất định và phải bảo vệ lợi ích của mình. Có 25 quốc gia châu Phi không ký kết thỏa thuận trong dịp này, trong khi Tanzania nổi lên như một đối tác đặc quyền của Seoul.
Anh Thư
Nguồn:Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội năng lượng ở châu Phi (petrotimes.vn)