Giá điện ở châu Âu dao động ở mức 260 euro mỗi megawatt giờ vào cuối tuần, gần gấp ba mức trung bình hàng ngày của năm qua, do nguồn cung gió giảm mạnh.
Giá điện tăng, giảm đột ngột
Vào ngày 28/4, giá điện theo giờ ở Đức - thị trường điện tiêu chuẩn của châu Âu giảm đến mức thấp nhất là -65,06 euro mỗi megawatt giờ lúc 2 giờ chiều. Tuy nhiên, vào ngày 29/4, giá điện tăng lên mức cao nhất là 204,57 euro lúc 8 giờ tối, cao nhất kể từ tháng 12 năm 2023 khi sản lượng gió sụt giảm.
Sự chênh lệch lớn giữa giá điện cao nhất và thấp nhất mỗi ngày trung bình là 92 euro trong năm 2023 cho thấy biến động lớn trong thị trường năng lượng tại Đức. Điều này thúc đẩy sự quan tâm đến việc phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cùng các biện pháp lưu trữ để ổn định thị trường năng lượng.
Sự biến động nhanh chóng về giá điện xuất hiện khi châu Âu mở rộng công suất của các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió để đáp ứng các mục tiêu nghiêm ngặt về khí hậu.
Khi các nguồn năng lượng không liên tục (bao gồm năng lượng mặt trời và gió) chiếm phần lớn hơn trong hỗn hợp năng lượng, các nhà máy khí tự nhiên phải được kích hoạt nhanh chóng để đảm bảo cung cấp đủ điện.
Bên cạnh đó, hệ thống pin quy mô lớn để lưu trữ lượng điện dư thừa cũng sẽ tăng lên. Điều này đặc biệt quan trọng vào lúc cao điểm hoặc khi có biến động đột ngột trong sản lượng năng lượng tái tạo. Hiện tại, Đức đều không có đủ cả hai.
Một trang trại điện gió tại Ketzin, Brandenburg, Đức. Ảnh: P. Pleul
Nguyên nhân tăng giá từ đâu?
Sabrina Kernbichler, nhà phân tích năng lượng hàng đầu tại Energy Aspects Ltd, cho biết: “Nhu cầu linh hoạt ngày càng tăng của Đức đang góp phần làm gia tăng chênh lệch giá theo giờ trong ngày”.
Khi sản lượng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời đạt đỉnh vào cuối tuần và trong những tháng mùa xuân, mùa hè, nhưng nhu cầu tiêu thụ điện lại ở mức thấp. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng nguồn cung điện vượt quá nhu cầu thực tế của thị trường.
Trong tình huống này, nhà cung cấp điện có thể chọn việc trả tiền cho các nhà tiêu dùng để tiêu thừa năng lượng nhằm giảm bớt sự cạnh tranh và duy trì ổn định trong hệ thống điện.
Dự báo từ các nhà phân tích tại BloombergNEF, sản lượng năng lượng mặt trời vào tháng 5 và tháng 6 tăng cao tại các khu vực có mùa xuân và đầu mùa hè, ánh sáng mặt trời kéo dài tạo điều kiện lý tưởng cho sản xuất năng lượng mặt trời.
Tình trạng năng lượng tăng giảm bất thường cũng đã xảy ra trên khắp châu Âu, khiến các quốc gia gặp khó khăn hơn trong việc cân bằng lưới điện.
Các chuyên gia dự đoán, nhu cầu sử dụng điện vào ngày 1/5 sẽ thấp hơn các ngày bình thường trong tuần bởi đây là ngày nghỉ lễ trên khắp châu Âu. Trong những ngày nghỉ lễ như vậy, hoạt động sản xuất và thương mại giảm và mọi người thường dành nhiều thời gian cho các hoạt động giải trí và nghỉ ngơi.
Dự báo cho thấy, sản lượng năng lượng mặt trời có thể đạt đỉnh lên đến 40.695 megawatt, chỉ kém mức kỷ lục 40.919 megawatt vào tháng 5 năm trước. Điều này cho thấy sự gia tăng liên tục trong việc sử dụng năng lượng mặt trời ở Đức, với mức độ đáng kể so với các năm trước đó.
Bên cạnh đó, sản lượng năng lượng gió ở Đức cũng tăng đáng kể khi dự kiến sẽ tăng lên hơn 32.000 megawatt so với khoảng 4.000 megawatt vào trưa ngày 29/4. Sự tăng cường đã phản ánh cả điều kiện thời tiết thuận lợi và sự mở rộng của hạ tầng năng lượng gió.
Cuộc đấu giá giao hàng (day-ahead auction là một quy trình trong ngành công nghiệp điện lực) trong ngày 30/4 tại Đức đã đạt được mức giá 69,38 euro mỗi megawatt giờ. Tại Pháp, hợp đồng tương đương được thanh toán ở mức 58,89 euro mỗi megawatt giờ.
Sự chênh lệch đã phản ánh các yếu tố như nguồn cung và nhu cầu năng lượng, cấu trúc hệ thống điện, chi phí sản xuất năng lượng, các chính sách và quy định về năng lượng khác nhau ở mỗi quốc gia.
Linh Chi
Nguồn:Giá điện châu Âu bất ngờ tăng vọt gấp ba mức trung bình hàng ngày (congthuong.vn)