Trong đó, GELEX có chủ trương
cơ cấu lại danh mục các dự án điện đã vận hành trong hệ thống thông qua
việc thoái tối đa hoặc toàn bộ cổ phần/phần vốn góp tại các công ty dự
án điện này cho các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng. Hiện tại, GELEX
đang trong quá trình làm việc, thương thảo để đi đến thống nhất và hoàn
tất giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài.
GELEX
có 5 dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị với tổng mức
đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, bao gồm: Dự án nhà máy điện gió Hướng Phùng 2,
Hướng Phùng 3 (gồm 12 turbine với tổng công suất lắp đặt 50MW); và các
Dự án nhà máy điện gió GELEX 1, 2, 3 đã được công nhận vận hành thương
mại, đủ điều kiện để được hưởng giá điện ưu đãi (8,5 cents/kWh trong
vòng 20 năm, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) - theo Quyết định số
39/2018/QĐ-TTg, ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ
phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
Các dự án điện gió của
GEX được tài trợ bởi BIDV, VietinBank, và đồng tài trợ bởi Ngân hàng
Landesbank Baden-Württemberg (LBBW) Cộng hòa Liên bang Đức theo hình
thức tín dụng xuất khẩu (ECA) với tổ chức bảo hiểm là Euler Hermes.Với
hình thức tín dụng này, các dự án được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp
với thời gian cho vay dài. Cùng với các dự án trước đó, GEX đã có tổng
cộng 260 MW điện đi vào vận hành với tổng sản lượng điện của các nhà máy
ước đạt khoảng 700 triệu kWh/năm, dự kiến nâng tổng công suất năng
lượng tái tạo sở hữu đến năm 2025 lên 800 MW.
GEX đang đẩy nhanh
tiến trình tái cấu trúc, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.
Ghi nhận tại 31/3/2023, tổng tài sản của GELEX đạt 52.619 tỷ đồng, tăng
0,4% so với thời điểm đầu năm. Cơ cấu tài sản, nguồn vốn ổn định.
Để
thích ứng với giai đoạn mới, GELEX đã có những chủ trương mới như đẩy
mạnh hợp tác với các tập đoàn toàn cầu để mở rộng thị trường, sản phẩm
trong chuỗi giá trị các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn; tiếp
tục công tác nghiên cứu đầu tư các dự án điện gió tiềm năng; trao đổi cơ
hội hợp tác với một số đối tác và xem xét các dự án mới.