EIA đưa ra dự đoán chi tiết về ngành năng lượng Mỹ sau cuộc họp OPEC+

Trong Triển vọng năng lượng ngắn hạn năm 2023, EIA đã dự đoán về sản lượng dầu, nhu cầu sử dụng dầu diesel và mức tiêu thụ điện năng của Mỹ.

Sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng nhiều hơn dự kiến trước đó

EIA: Nhu cầu dầu diesel của Mỹ đang giảm bất chấp tăng trưởng kinh tế

Ảnh minh họa

Trong năm nay, sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng nhanh hơn và mức tăng nhu cầu sẽ giảm so với kỳ vọng trước đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết hôm thứ Ba 6/6.

EIA đã đưa ra triển vọng mới sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh gia hạn cắt giảm sản lượng đến năm 2024. Ả Rập Xê Út sẽ cắt giảm 1 triệu thùng/ngày (bpd) từ tháng 7 để ổn định thị trường dầu mỏ.

Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ làm giảm nhẹ tồn kho dầu toàn cầu trong mỗi quý của 5 quý tới và tăng giá dầu toàn cầu vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, cơ quan này dự đoán trong Triển vọng năng lượng ngắn hạn.

Giá dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình 79,54 USD/thùng vào năm 2023, cao hơn khoảng 1% so với dự báo trước đó và giá dầu thô WTI của Mỹ sẽ ở mức trung bình 74,60 USD/thùng, tăng 1,3% so với ước tính trước đó của EIA.

Tổng mức tiêu thụ xăng dầu của Mỹ sẽ chỉ tăng 100.000 thùng/ngày lên 20,4 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm so với mức tăng ước tính 200.000 thùng/ngày trong dự báo tháng 5.

Cơ quan này cho biết, trong khi ngành dịch vụ và du lịch sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu xăng và nhiên liệu máy bay trong năm nay, thì mức tiêu thụ nhiên liệu diesel sẽ giảm do sản xuất trở thành một yếu tố không còn quan trọng trong nền kinh tế.

EIA dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng 720.000 thùng/ngày lên 12,61 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn dự báo trước đó là tăng 640.000 thùng/ngày.

Mức tăng sản lượng dầu của Mỹ đã chậm lại. Nhưng sản lượng của Mỹ vẫn sẽ đạt kỷ lục hằng năm vào năm 2023 và 2024, EIA cho biết.

Nhu cầu dầu diesel của Mỹ đang giảm bất chấp tăng trưởng kinh tế

EIA đưa ra dự đoán chi tiết về ngành năng lượng Mỹ sau cuộc họp OPEC+

Ảnh minh họa

Trong lịch sử, GDP tăng trưởng song song với hoạt động sản xuất và tiêu thụ dầu diesel do nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng - động lực chính của nhu cầu dầu diesel.

Tuy nhiên, sau thời kỳ đại dịch, ngành dịch vụ đã trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng GDP, nhưng ngành này lại yêu cầu mức tiêu thụ dầu diesel ít hơn, EIA cho biết.

Tiêu thụ dầu diesel giảm trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái, cơ quan thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ lưu ý.

Ngoài ra, EIA cho biết xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục, với nhu cầu dầu diesel trong nửa cuối năm nay thấp hơn mức trung bình 2015-2019 và sau đó giảm hơn nữa vào năm 2024.

EIA cho biết từ quý đầu tiên của năm 2021 đến năm 2023, chi tiêu cho dịch vụ tăng 10% trong khi chi tiêu cho hàng hóa chỉ tăng 2%.

Viện Quản lý cung ứng cho biết chỉ số quản lý sức mua (PMI) đối với ngành sản xuất của họ đã giảm xuống 46,9 vào tháng trước từ 47,1 vào tháng Tư. Đây là tháng thứ bảy liên tiếp PMI ở dưới ngưỡng 50, điều này cho thấy mức thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất và đây là khoảng thời gian dài nhất kể từ cuộc đại suy thoái.

Trong khi lĩnh vực dịch vụ cũng chậm lại, chỉ số PMI phi sản xuất vẫn đang tăng và đạt mức 50,2 trong tháng trước.

"Trong tương lai, chúng tôi dự đoán xu hướng này (chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ) sẽ tiếp tục và GDP sẽ tăng 1,3% vào năm 2023, trong khi chỉ số sản xuất sản phẩm giảm 1,1%", EIA cho biết.

Mức tiêu thụ điện năng sẽ giảm

EIA: Nhu cầu dầu diesel của Mỹ đang giảm bất chấp tăng trưởng kinh tế

Ảnh minh họa

Mức tiêu thụ điện năng của Mỹ sẽ giảm vào năm 2023 so với mức cao kỷ lục của năm ngoái do tăng trưởng kinh tế chậm lại và thời tiết ôn hòa hơn.

EIA dự báo nhu cầu điện sẽ giảm từ mức kỷ lục 4,048 tỷ kWh vào năm 2022 xuống còn 4,010 tỷ kWh vào năm 2023, trước khi tăng lên 4,067 tỷ kWh vào năm 2024 khi tăng trưởng kinh tế tăng lên.

EIA dự kiến doanh số bán điện năm 2023 sẽ giảm xuống còn 1.496 tỷ kWh đối với người tiêu dùng dân cư và 990 tỷ kWh đối với khu vực công nghiệp, nhưng tăng lên 1.374 tỷ kWh đối với khách hàng thương mại.

Con số sự kiến trên giảm nhiều so với mức cao nhất từ trước đến nay: 1.522 tỷ kWh đối với người tiêu dùng dân cư vào năm 2022, 1.382 tỷ kWh vào năm 2018 đối với khách hàng thương mại và 1.064 tỷ kWh vào năm 2000 đối với khách hàng công nghiệp.

EIA cho biết tỷ trọng khí tự nhiên trong sản xuất điện sẽ tăng từ 39% vào năm 2022 lên 41% vào năm 2023 trước khi giảm xuống 39% vào năm 2024. Tỷ trọng của than sẽ giảm từ 20% vào năm 2022 xuống còn 16% vào năm 2023 và 2024 khi sản lượng khí đốt và năng lượng tái tạo tăng.

Tỷ lệ năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 22% vào năm 2022 lên 23% vào năm 2023 và 25% vào năm 2024, trong khi tỷ trọng điện hạt nhân sẽ duy trì ở mức 19% vào năm 2023 và 2024, giống như năm 2022.

EIA dự kiến doanh số bán khí đốt năm 2023 sẽ giảm xuống còn 12,96 tỷ feet khối/ngày (bcfd) đối với người tiêu dùng dân cư, 9,57 bcfd đối với khách hàng thương mại và 22,71 bcfd đối với khách hàng công nghiệp, nhưng tăng lên 34,32 bcfd đối với lĩnh vực sản xuất điện.

Con số này giảm so với mức cao nhất từ trước đến nay: 14,32 bcfd vào năm 1996 đối với người tiêu dùng dân cư, 9,66 bcfd vào năm 2022 đối với khách hàng thương mại, 23,80 bcfd vào năm 1973 đối với khách hàng công nghiệp và 33,20 bcfd vào năm 2022 đối với lĩnh vực sản xuất điện.

Yến Anh

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/eia-dua-ra-du-doan-chi-tiet-ve-nganh-nang-luong-my-sau-cuoc-hop-opec-686662.html