Đồng Nai: Gỡ vướng cho doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo

Là trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của cả nước, tỉnh Đồng Nai cần nhiều nguồn năng lượng nhất là các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) để bổ sung thêm nguồn năng lượng sạch, tăng cường năng lực quản lý môi trường và chuyển đổi xanh tại các khu công nghiệp (KCN).

Phát triển năng lượng tái tạo còn vướng chính sách

Theo ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc - Phòng Thương mại mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - NLTT có ưu điểm sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, chi phí điện năng thấp. Hiện nay có nhiều DN quan tâm đến việc sử dụng NLTT cho sản xuất công nghiệp.


Sử dụng năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất tại chỗ đang được nhiều doanh nghiệp ưu tiên

Đánh giá của Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho thấy nhu cầu năng lượng của các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn rất lớn nhưng ở Đồng Nai chưa có nhiều nguồn cung NLTT. Hiện chỉ có các KCN như An Phước, Nhơn Trạch 3, Hố Nai, Ông Kèo đủ điều kiện thu hút dự án đầu tư điện mặt trời.

Các DN hoạt động trong các KCN hiện nay cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển nguồn năng lượng phục vụ cho sản xuất, nhất là nguồn năng lượng mặt trời từ mái nhà xưởng. Tại Công ty TNHH Ansell Vina (KCN Long Thành) hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, phát triển và sản xuất các sản phẩm găng tay. Công ty có hệ thống mái nhà xưởng rộng 5.000 m2. Mới đây, công ty có văn bản kiến nghị Ban Quản lý các KCN Đồng Nai hướng dẫn thủ tục triển khai dự án điện mặt trời mái nhà để sử dụng nội bộ cho nhà máy.

Tương tự, tại Công ty TNHH Saitex Internationnal Đồng Nai, theo bà Nguyễn Ngọc Kim Oanh - Trưởng phòng An toàn vệ sinh lao động và phát triển bền vững, DN đã ký hợp đồng với đối tác thi công lắp đặt điện mặt trời nhưng chưa thể tiến hành vì theo Công văn số 162 tháng 1/2021 từ Ban Quản lý các KCN Đồng Nai thì việc đầu tư dự án điện mặt trời áp mái chỉ được triển khai tại các KCN đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt thu hút ngành nghề sản xuất điện, nhiệt điện, phân phối điện trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của KCN. Nhà máy của công ty trong KCN Amata, không thuộc KCN được thu hút dự án điện mặt trời nên chưa thể triển khai.

Ngoài ra, nhiều DN trong các KCN rất muốn đầu tư sử dụng nguồn NLTT dùng trong nội bộ chứ không mua bán điện nhưng thủ tục chưa khuyến khích được nhà đầu tư, vấn đề truyền thông và chính sách hỗ trợ chuyển đổi năng lượng xanh tại các DN, KCN còn hạn chế.

Theo ông Lê Xuân Thịnh - Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam, để các DN, KCN hưởng ứng chiến lược quốc gia về chuyển đổi xanh, giảm phát thải nhà kính, tiết kiệm năng lượng thông qua lắp đặt điện mặt trời cần có các chính sách phù hợp, khuyến khích lắp đặt, sử dụng tại chỗ, thúc đẩy DN phát triển năng lượng bằng việc mua lại với giá hợp lý...

Gỡ vướng, khuyến khích DN phát triển năng lượng tái tạo

Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng vô tận, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị sản phẩm trên thương trường mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ đặt ra tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Cần có chính sách hợp lý, đơn giản, ổn định cho NLTT.

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, để lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng, các dự án phải đáp ứng điều kiện thủ tục về môi trường (theo Văn bản số 6872/BTNMT- TCMT ngày 7/12/2020 của Bộ TN&MT về việc hướng dẫn thủ tục đánh giá tác động môi trường đối với ngành nghề sản xuất điện mặt trời mái nhà trong KCN; Hướng dẫn số 2526/TCMT- TD ngày 31/8/2021 của Tổng cục Môi trường về thủ tục đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư năng lượng điện mặt trời) và xây dựng (theo Luật Xây dựng và các thông tư hướng dẫn).

Mới đây, Tổng cục Môi trường có hướng dẫn DN làm dự án tạo nguồn điện mái nhà phục vụ nội bộ, không thực hiện mua bán điện thì không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (bổ sung ngành nghề) của KCN. DN tự xem xét, quyết định, chịu trách nhiệm trước pháp luật và thể hiện trong hồ sơ đề nghị kiểm tra, hoàn thành công trình bảo vệ môi trường gửi Ban Quản lý các KCN. Trước đó, Luật Xây dựng cũng có thông tư hướng dẫn trường hợp được miễn giấy phép xây dựng: công trình sửa chữa, cải tạo bên trong hoặc hoặc bên ngoài mà không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng kết cấu an toàn chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; an toàn về phòng, chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.

Ngành điện đang trải qua quá trình chuyển đổi mạnh mẽ khi Chính phủ cố gắng cân bằng các lợi ích giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Theo Đề án Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương chính thức trình Thủ tướng Chính phủ, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất điện dự kiến tăng từ 27% trong năm 2021 lên 29% trong năm 2025 và 40% trong năm 2045. Tỷ trọng công suất điện khí mục tiêu tăng từ 9,5% trong 2021 lên 13% vào 2025; 21% trong năm 2030 và 24% vào năm 2045.

Thanh Thanh

https://congthuong.vn/dong-nai-go-vuong-cho-doanh-nghiep-phat-trien-nang-luong-tai-tao-169434.html