Tại các cuộc gặp gỡ song phương bên lề Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết để giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, kêu gọi công lý, công bằng trong cộng đồng quốc tế để chung tay giảm phát thải khí mê tan...
Nhằm theo đuổi chương trình nghị sự về tăng trưởng kinh tế và chỉ tiêu bền vững, Chính phủ Việt Nam đã tích cực nâng công suất phát điện với cam kết khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo. Đây là nỗ lực không hề nhỏ đối với quốc gia sử dụng than đá làm nguồn năng lượng phát điện chủ yếu và cơ bản đã khai thác hết nguồn thủy điện, trong khi nhu cầu năng lượng vẫn đang tăng gần 10% mỗi năm.
Hiện Việt Nam đã tiến bộ đáng kể trong việc tăng công suất sản xuất năng lượng tái tạo. Mặc dù vậy, than đá vẫn chiếm tỉ trọng chủ đạo trong cơ cấu năng lượng với hơn 50% công suất được bổ sung kể từ năm 2018. Và bất chấp nhiều nỗ lực, chất lượng không khí vẫn còn kém.
Đầu năm nay, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch đặt ra các mục tiêu cao hơn về công suất năng lượng tái tạo với mức trần 18,6 GW năng lượng mặt trời và 18 GW năng lượng gió vào năm 2030 cũng như tỉ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất năng lượng cả nước.
Đáng chú ý, Quy hoạch điện VIII đề xuất tăng đáng kể công suất điện gió, một tiềm năng Việt Nam chưa khai thác đúng mức. Bên cạnh tiềm năng tự nhiên cho điện gió, Chính phủ cũng thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc phát triển điện gió. Đơn cử, việc ban hành biểu giá bán điện năng (FiT) cho các dự án điện gió từ năm 2021 đến cuối năm 2023 cho thấy sự ủng hộ của Chính phủ, đồng thời góp phần giảm rủi ro tài chính cho các dự án điện gió để có thể nghiệm thu đưa vào vận hành trước thời hạn mới.
Thứ 2, sự thành công của đầu tư FDI và đầu tư tư nhân vào các dự án điện mặt trời cho đến nay đã chứng tỏ khả năng tài chính của các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Làn sóng đầu tư tiếp theo vào năng lượng tái tạo có thể sẽ thu hút các dự án với quy mô lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là dự án điện gió ngoài khơi, sẽ cung cấp công suất phát điện lớn hơn so với dự án năng lượng mặt trời hoặc điện gió trên đất liền.
Mặc dù có chi phí cao hơn và phức tạp hơn, các dự án điện gió ngoài khơi mang lại cơ hội gia tăng công suất đồng thời giảm áp lực cho lưới điện so với các nguồn năng lượng tái tạo khác.
Một số nhà phát triển tiên phong nhận thấy những lợi thế này lớn hơn các thách thức. Gần đây, Ørsted, công ty trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, đã mở văn phòng tại Việt Nam và ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn T&T để phát triển một số dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận và Ninh Thuận. Hai dự án lớn được công bố tại Bình Thuận cho thấy sự quan tâm đến các dự án điện gió ở cấp tỉnh: Enterprize Energy công bố dự án điện gió Thăng Long và Copenhagen Infrastructure Partners đã khởi động dự án điện gió La Gàn. Ngoài ra, Nexif Energy, một công ty điện có trụ sở tại Singapore, đã thiết lập quan hệ đối tác để bắt đầu một dự án tại Bến Tre.
Với những đặc điểm như dự án đòi hỏi quy mô lớn, không phát thải, có tiềm năng thu hút nhà đầu tư FDI và tương đối đơn giản để hòa lưới điện, các dự án điện gió phù hợp một cách tự nhiên với quy hoạch điện khu vực. Các nhà đầu tư và nhà phát triển khi tiếp cận các dự án điện gió tại Việt Nam nên cân nhắc một số bước đi ban đầu.
Trước tiên, cũng giống như những dự án hạ tầng ở thị trường mới nổi, các doanh nghiệp quốc tế sẽ phải nhìn nhận hồ sơ rủi ro theo cách khác với các dự án tại sân nhà. Điều này có nghĩa là chi phí sử dụng vốn bình quân (WACC) cao hơn, đòi hỏi phải có tỉ suất hoàn vốn nội bộ cao hơn để có lợi nhuận. Để doanh nghiệp hiện thực hóa lợi nhuận mong muốn, cần rút ngắn thời gian nghiệm thu đưa vào vận hành bằng việc áp dụng các thông lệ tốt nhất về triển khai dự án vốn, như lập kế hoạch xây dựng và vận hành tích hợp ngay từ đầu dự án.
Thứ 2, các nhà đầu tư và nhà phát triển nước ngoài chưa có kinh nghiệm tại Việt Nam sẽ phải thiết lập quan hệ đối tác đáng tin cậy với các doanh nghiệp trong nước có kinh nghiệm phù hợp. Đối tác địa phương có thể mang lại kiến thức chuyên môn có giá trị, bao gồm hiểu biết về thị trường năng lượng Việt Nam, dự báo vốn và môi trường pháp lý.
Thứ 3, các nhà phát triển có thể sẽ cần hợp tác với các cơ quan cấp tỉnh, gồm Cơ quan Xúc tiến Đầu tư tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Giai đoạn mở rộng năng lượng tiếp theo của Việt Nam sẽ đòi hỏi các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều vốn và kỹ thuật phức tạp hơn, đối với cả năng lượng mặt trời và điện gió trên bờ nhưng đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Một số doanh nghiệp đi trước đón đầu đã có các dự án đang triển khai, song vẫn còn dư địa cho các đơn vị khác tham gia nghiên cứu thị trường điện, tạo dựng quan hệ đối tác với địa phương để kịp thời khai thác giá trị trước khi cửa sổ cơ hội đóng lại.
(*) Marco Breu,
Antonio Castellano,
Jonathan Deffarges và An Nguyễn