Ông Leonid Mikhelson - Giám đốc điều hành Novatek của Liên bang Nga -
nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai (sau Gazprom) đang xem xét
cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đến Việt Nam cho các nhà máy
điện hiện tại và trong tương lai tới. Hiện Novatek đang sở hữu mỏ khí
lớn ở Yamal, Siberia và chiếm cổ phần lớn tại nhà máy sản xuất LNG ở
Nga.
Ông Mikhelson nói với các phóng viên rằng: “Không biết khi nào một dự
án mà công ty dự định thực hiện tại Việt Nam với sự hợp tác của Siemens
và TotalEnergies sẽ bắt đầu” - hãng thông tấn Nga Interfax đưa tin ngày
28/10 từ Baku, Azerbaijan. Nhưng “có một dự án khác ở đó” - Leonid
Mikhelson nhận định.
“Trên thực tế, một dự án điện khí đang được xây dựng và sẽ được vận
hành vào năm 2024. Tôi vừa nói chuyện với Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt
Nam rằng: Một nhà máy điện như vậy sẽ sử dụng khoảng 1 tỷ mét khối
khí/năm, trong khi sản lượng khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)
đang giảm và chúng tôi có thể bổ sung nguồn thiếu hụt này. Vấn đề còn
lại là giá khí sẽ thỏa thuận thế nào” - Mikhelson nói.
Novatek là công ty lớn thứ hai (sau Gazprom) trong ngành công nghiệp
khí đốt của Nga cũng đang xem xét xây dựng một trạm tái hóa khí tại Việt
Nam - Interfax đưa tin.
Tái hóa khí là quá trình chuyển đổi LNG ở nhiệt độ - 162°C trở lại thành khí tự nhiên ở nhiệt độ khí quyển.
Tháng 12 năm ngoái, Novatek đã ký một thỏa thuận hợp tác với PVN về
việc phát triển các dự án điện và LNG tiềm năng tại Việt Nam, nhằm tiến
tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Trước đó, vào tháng 12 năm 2017, Novatek đã ký một biên bản ghi nhớ
với TotalEnergies (của Pháp) và Siemens (của Đức). Theo thỏa thuận này, 3
bên sẽ theo đuổi các cơ hội hợp tác kinh doanh LNG và phát triển các
nhà máy phát điện chạy bằng LNG tại Việt Nam - một thị trường đang khát
nhiên liệu.
Hiện tại, Việt Nam không có nhà máy sản xuất điện từ LNG nào đang
hoạt động. Trong khi đó, quốc gia này đang cố gắng giảm dần nguồn điện
sử dụng nhiên liệu than (hiện nhiệt điện than của Việt Nam đạt khoảng 48
tỷ kWh, chiếm 44% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống).
Các nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 của PVN với tổng công suất khoảng
1.600 MW, là dự án sử dụng LNG đầu tiên của Việt Nam đang được xây dựng
tại tỉnh Đồng Nai (gần Thành phố Hồ Chí Minh).
Cạnh đó, vào tháng 9/2022, Bộ Công Thương Việt Nam đã phê duyệt chủ
trương đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ 2 theo hình thức hợp đồng
xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và AES là chủ đầu tư dự án
này. Nhà máy phát điện LNG Sơn Mỹ 2 có quy mô công suất khoảng 2.250 MW,
với 3 tổ máy, công suất mỗi tổ máy khoảng 750 MW, tổng mức đầu tư gần
50 tỷ VND (tương đương khoảng 2 tỷ USD). Địa điểm xây dựng trong Trung
tâm Điện lực Sơn Mỹ, tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Dự
kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2028.
Dự án này sẽ sử dụng LNG nhập khẩu từ kho LNG Sơn Mỹ. Tập đoàn AES và
PV GAS của Việt Nam đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự
án trạm đầu mối LNG vào tháng 5/2022.
Còn ở phía Bắc Việt Nam, trong tháng 9/2022, Tập đoàn Tokyo Gas và
Kyuden của Nhật Bản đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty CP Trường Thành
Việt Nam về việc cùng phát triển dự án nhà máy điện sử dụng LNG với công
suất giai đoạn một là 1.500 MW tại tỉnh Thái Bình.
Cùng tháng, công ty con của PVN là PV Power đã đồng ý góp 30% vốn vào
một liên danh xây dựng khu liên hợp phát điện LNG trị giá 2 tỷ USD tại
tỉnh Quảng Ninh. Ba công ty khác cũng đã lập liên danh phát triển điện
khí LNG (gồm công ty Colavi của Việt Nam và hai công ty Nhật Bản là
Tokyo Gas Co. và Marubeni Corp). Hiện chưa rõ phần vốn góp của các công
ty này./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Nguồn: https://nangluongvietnam.vn/doi-tac-nga-muon-xuat-khau-khi-lng-sang-viet-nam-29723.html