Doanh nghiệp Việt Nam trước áp lực giảm phát khí thải

Bên cạnh những thách thức, việc thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.

aji.jpg

Cuối tuần này, Hội nghị COP27 từ ngày 6 – 18.11.2022 sẽ khai mạc tại Ai Cập. COP27 sẽ tập trung vào ba lĩnh vực: Giảm phát thải; Giúp các nước chuẩn bị và đối phó với biến đổi khí hậu; Đảm bảo hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí cho các nước tham gia vào các hoạt động này

Tháng 12.2021, tại COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu 30% vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Để thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định hướng hới mục tiêu trên, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả xã hội và đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.

Tại Hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia của Doanh nghiệp trong lộ trình thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng 0” hồi tháng 6, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT) Nguyễn Tuấn Quang cho biết: Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phần lớn các doanh nghiệp sử dụng năng lượng cũng như nguyên vật liệu tạo ra các sản phẩm dịch vụ. Đây cũng chính là nguồn gây phát thải khí nhà kính chiếm tỷ trọng lớn trong phát thải của nền kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp là một trong các đối tượng thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì Sự Phát triển Bền vững (VCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trong việc giúp Việt Nam đạt các mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Vì vậy, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần có những động thái mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tiến trình cắt giảm phát thải như cung cấp và đưa vào sử dụng những nguồn năng lượng bền vững, không carbon với giá cả phải chăng hơn.

Ngoài việc cắt giảm carbon để cùng hướng tới các mục tiêu cắt giảm khí thải thì các doanh nghiệp cũng sớm chủ động theo đuổi các giải pháp môi trường để phù hợp với tiêu chí các thị trường khó tính. Được biết, hiện nay, EU đã đưa ra một cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới. Cơ chế này, ban đầu sẽ áp dụng đối với một số mặt hàng xuất khẩu sang Châu Âu. Quy định cơ bản rằng các mặt hàng đó trong quá trình sản xuất, kinh doanh đã được thực hiện với việc giảm phát thải nhà kính. Đây cũng là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Tại hội thảo “Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp”, diễn ra ngày 11.10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhìn nhận: Bên cạnh những thách thức, việc thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.

Chia sẻ với PV Một Thế Giới, ông Hoàng Văn Quốc Chương - Giám đốc Khối sản xuất Ajinomoto cho biết, từ 2018 để theo đuổi mục tiêu cắt giảm khí thải ít nhất 50% vào 2030 thì công ty đã phải áp dụng nhiều biện pháp từ việc lắp đặt hệ thống pin mặt trời, dùng công nghệ đốt vỏ trấu… Điều đó cho thấy người Nhật đã nhìn ra vấn đề môi trường từ rất sớm nên chủ động trong các giải pháp công nghệ để theo kịp cuộc chơi.

Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 06/2022/ND-CP về “Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn” đã đề ra những quy định về việc các doanh nghiệp phát thải lớn sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và tiến hành các biện pháp giảm phát thải. Đây được coi là những bước đặt nền móng xây dựng thị trường carbon trong nước, định giá carbon. Điều này góp phần thúc đẩy doanh nghiệp chú trọng đầu tư chuyển đổi công nghệ để giảm thải khí carbon trong quá trình sản xuất. Từ đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào EU sẽ chịu mức thuế biên giới carbon thấp hơn hoặc không bị áp dụng thuế biên giới carbon khi các tiêu chuẩn về xả thải carbon trong quá trình sản xuất tuân theo tiêu chuẩn của EU.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 sang Mỹ là 96,29 tỉ USD; sang EU là 45,8 tỉ USD. Đây là hai thị trường trọng điểm với giá trị lớn mà Việt Nam đang nỗ lực mở rộng các thị phần. Bởi vậy, các chuyên gia nhận định, CBAM (hàng rào thuế carbon) sẽ trở thành rào cản khó khăn với các doanh nghiệp trong thời gian tới.

EU sẽ thí điểm CBAM trong giai đoạn 2023-2025 với 5 loại mặt hàng: sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, năng lượng điện. Thời gian thí điểm, các nhà nhập khẩu chưa cần trả phí mà phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu của họ. Vào năm 2025, Ủy ban Châu Âu sẽ đánh giá CBAM đang hoạt động như thế nào và có thể mở rộng phạm vi điều chỉnh sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn – bao gồm cả chuỗi giá trị và có thể bao gồm “phát thải gián tiếp” (ví dụ như khí thải carbon từ việc sử dụng điện để sản xuất hàng hóa) – khi áp dụng chính thức vào năm 2026. Còn tại Mỹ, CBAM nếu được thông qua thì thời gian áp dụng của Đạo luật cạnh tranh Sạch sẽ là vào năm 2024, không có thời gian thí điểm. 

Do vậy, thay đổi công nghệ để giảm phát khí thải là nhiệm vụ bắt buộc của doanh nghiệp Việt Nam. Càng thay đổi sớm thì cơ hội càng nhiều.

Giang Đông/1thegioi.vn

Nguồn:  https://1thegioi.vn/doanh-nghiep-viet-nam-truoc-ap-luc-giam-phat-khi-thai-189160.html