Nửa đầu năm 2021, các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mang lại lợi nhuận lớn cho chủ đầu tư, giúp cổ phiếu nhóm ngành này bật tăng.
Tổng công suất điện mặt trời hiện chiếm khoảng 25% công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống.
Nguồn thu ổn định, lợi nhuận cao
Báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG) cho thấy, trong quý II/2021, Công ty đạt 814 tỷ đồng doanh thu, tăng 56%; lợi nhuận sau thuế 315 tỷ đồng, gấp 16,8 lần cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu đạt 1.447 tỷ đồng, tăng 60%; lợi nhuận sau thuế đạt 478,3 tỷ đồng, gấp 17,6 lần cùng kỳ.
Theo ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Năng lượng BCG (BCG Energy), công ty con 100% vốn của BCG, trong năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành và kết nối thành công hơn 100.000 hệ thống điện mặt trời áp mái vào lưới điện quốc gia. Phân khúc điện mặt trời áp mái có tiềm năng lớn trong thời gian tới do nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng.
BCG Energy sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án năng lượng tái tạo để đạt mục tiêu 2,0 GW vào năm 2023, đồng thời đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng các dự án điện mặt trời nổi, điện gió và điện từ khí tự nhiên hóa lỏng trong tương lai.
Đầu tháng 8/2021, BCG Energy đã liên doanh với SP Group (Singapore Power Group) đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời áp mái tại Việt Nam, với mục tiêu đạt công suất 500 MW điện mặt trời áp mái năm 2025. Liên doanh cũng công bố dự án điện mặt trời áp mái đầu tiên trên các nhà xưởng của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam.
Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (ASM) chia sẻ, hai nhà máy điện mặt trời đang là “gà đẻ trứng vàng”, mang đến nguồn thu ổn định và lợi nhuận ở mức cao.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, điều này càng thể hiện rõ ràng hơn khi nhiều ngành đầu tư gặp khó khăn thì điện mặt trời trở thành “ngôi sao” về doanh thu, lợi nhuận, không có rủi ro về thanh toán, quá trình quản lý vận hành đơn giản.
Hiệu quả hoạt động với tỷ suất lợi nhuận ròng luôn ở mức cao, không thấp hơn 40% doanh thu. Lĩnh vực điện mặt trời mỗi năm đóng góp cho ASM gần 1.000 tỷ đồng doanh thu và gần 400 tỷ đồng lợi nhuận.
Đó là chưa kể những lợi ích kinh tế thu về khi dự án du lịch dã ngoại khám phá điện mặt trời trong khuôn viên nhà máy của doanh nghiệp tại An Giang và dự án nông nghiệp dưới tấm pin sẽ được triển khai trong tương lai gần.
Nửa đầu năm 2021, ASM ghi nhận doanh thu hợp nhất hơn 6.311 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 293 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 252 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ASM vừa nhận được khoản tiền gần 167 tỷ đồng do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua việc Nhà máy điện mặt trời Sao Mai - An Giang (giai đoạn 3-4, công suất 106 MWp) tham gia vào chương trình JCM do Bộ Môi trường Nhật Bản quản lý, góp phần giảm phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong 17 năm.
Đây là nhà máy điện mặt trời mặt đất đầu tiên của Việt Nam nhận được khoản tài trợ theo chương trình JCM.
Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2021, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (TTA) đạt doanh thu 331 tỷ đồng, tăng 95,8%; lợi nhuận sau thuế 76,7 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc TTA cho biết, nguyên nhân là do doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh của hai nhà máy mới đi vào hoạt động là Thuỷ điện Pá Hu (bắt đầu hoạt động từ quý IV/2020) và Điện mặt trời Hồ Núi Một (tháng 1/2021). Đồng thời, tình hình thời tiết cũng như hệ thống truyền tải thuận lợi hơn so với cùng kỳ.
Nhà máy phong điện Phương Mai do TTA liên kết đầu tư đã đi vào hoạt động trong quý II/2021.
Công ty xác định sẽ đẩy mạnh phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió. Đại hội đồng cổ đông năm 2021 đã thông qua chủ trương triển khai khảo sát, chuẩn bị đầu tư 3 dự án điện mặt trời, 3 dự án điện gió và 1 dự án thủy điện tích năng, tất cả đều triển khai tại tỉnh Ninh Thuận. Trong đó, TTA đặc biệt quan tâm đến dự án Thủy điện tích năng Phước Hòa, công suất 1.200 MW.
Năm 2021, TTA đặt kế hoạch đạt doanh thu 680 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Create Capital Việt Nam (CRC) cho hay, sẽ chuyển dần hoạt động sang lĩnh vực năng lượng tái tạo. Công ty sẽ sử dụng 136 tỷ đồng góp vốn vào Công ty cổ phần Công nghệ CRC (CRC Tech) để mua cổ phần của 10 doanh nghiệp đang thực hiện các dự án điện mặt trời áp mái ở các tỉnh Nam Trung Bộ.
Cổ phiếu rộng đường tăng trưởng
Trong vòng 1 tháng qua, nhóm cổ phiếu năng lượng tái tạo đều tăng giá. Cụ thể, mã BCG tăng từ 11.200 đồng/cổ phiếu ngày 12/7 lên 16.750 đồng/cổ phiếu ngày 16/8, tương đương mức tăng 49,5%. Tương tự, cổ phiếu ASM tăng 35%, từ 11.400 đồng/cổ phiếu lên 15.400 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu HID của Công ty cổ phần Halcom Việt Nam có mức tăng 82%. HID vừa có Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Điện mặt trời VKT - Hoà An.
Cổ phiếu LIG của Công ty cổ phần Licogi 13 có mức tăng 20%. Công ty này vừa thông qua việc chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty TNHH MTV Điện mặt trời Quảng Trị cho VN Green Holdings, một đơn vị đến từ Singapore, giá trị chuyển nhượng hơn 456 tỷ đồng
Ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc đầu tư mảng năng lượng sạch của Dragon Capital cho biết, đầu tư vào doanh nghiệp điện tái tạo, tỷ lệ cổ tức có thể nhận từ 9 - 10%/năm. Lĩnh vực điện tái tạo ở Việt Nam đang thu hút dòng vốn lớn từ nước ngoài.
Hiện nay, một dự án thuỷ điện có thời gian đầu tư 3 - 5 năm, dự án nhiệt điện mất gần chục năm, thì với điện mặt trời chỉ mất chưa tới 1 năm để đưa một nhà máy công suất 50 - 10 MW đi vào hoạt động.
Theo ông Quang, năng lượng tái tạo là lĩnh vực gần như không có rủi ro về biến động thị trường, nhu cầu cũng như tỷ giá. Nhu cầu tiêu thụ điện tại Việt Nam liên tục tăng. Các nhà máy điện tái tạo được ký hợp đồng mua bán điện với giá cố định theo USD trong vòng 20 năm.
Phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu của thế giới. Cổ phiếu nhóm ngành này được đánh giá sẽ rộng đường tăng trưởng trong dài hạn.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo được Nhà nước khuyến khích phát triển bằng các chính sách ưu đãi nên trong giai đoạn 2019 - 2020 chứng kiến sự bùng nổ các dự án, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Tổng công suất điện mặt trời hiện chiếm khoảng 25% công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống.
Bộ Công thương nhận định, năng lượng tái tạo của Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm trong 10 năm tới, gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân ngành điện (khoảng 9%/năm).
https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-dien-mat-troi-lai-dot-bien-post277829.html