Ngay sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, Jeffrey Sonnenfeld, giáo sư tại Trường Quản lý thuộc Đại học Yale, Mỹ đã lập ra một danh sách toàn cầu các công ty nước ngoài kinh doanh ở Nga.
Bản danh sách của ông đã trở thành đòn bẩy chống lại các công ty bám trụ tại Nga và khiến Sonnenfeld trở thành nhân vật không được hoan nghênh ở Nga cùng với 24 nhà hoạch định chính sách Mỹ khác bao gồm Jill Biden và Mitch McConnell.
Sonnenfeld đã nói với Bloomberg rằng ông nhận thấy một mô hình bất thường khi các doanh nghiệp Mỹ bắt đầu rút khỏi Nga, với những công ty đầu tiên rời Nga là những công ty dầu mỏ có mối quan hệ địa phương phức tạp và chi phí chìm lớn.
Trên thực tế, 200 công ty nước ngoài đã rời khỏi Nga chưa đầy một tuần sau khi Sonnenfeld đăng danh sách lên mạng hồi đầu tháng 3/2022. Cho đến nay, chỉ có 6,1% công ty Mỹ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường tại Nga trong khi 28,7% đã ngừng hoạt động hoàn toàn.
BP đã bị chỉ trích vì một số người cho là không trung thực, song truyền thông vẫn còn rất ít thông tin về mối quan hệ của ông lớn này với Rosneft.
Tháng trước, Oleg Usenko, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã gọi cổ phần của BP trong tập đoàn dầu khí khổng lồ do nhà nước Nga điều hành Rosneft là "đồng tiền máu". Ông thậm chí còn viết một lá thư cho Giám đốc điều hành BP, Bernard Looney, cáo buộc công ty đã kiếm hàng trăm triệu USD thông qua cổ phần của mình tại Rosneft.
Chuyện gì đã xảy ra?
Chỉ vài ngày sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, BP tuyên bố sẽ thoái 19,75% cổ phần tại Rosneft. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa hoàn thành sau 10 tháng. Hồi quý IV/2022, khi Rosneft thông báo sẽ trả cổ tức 9 tháng với số tiền khoảng 3,6 tỷ USD, một số nguồn tin cho rằng BP sẽ thu về hơn 706 triệu USD.
Một báo cáo mới của Cơ quan xếp hạng đạo đức (MRA), cáo buộc BP (cùng với HSBC Holdings và Unilever) đã không rời khỏi Nga, lợi dụng "sơ hở" trong lệnh trừng phạt quốc tế để tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, phía BP nói rằng, mặc dù công ty biết về việc trả cổ tức của Rosneft, song BP đã không nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào kể từ quyết định ngày 27/2.
Và trong khi BP vẫn chưa thể hoàn tất việc rút khỏi Rosneft, Công ty lưu ý rằng họ vẫn đang "tiếp tục theo đuổi việc chuyển nhượng cổ phần của mình".
Quá trình này rất phức tạp do các lệnh trừng phạt quốc tế và các quy định của Nga. BP đang tích cực tìm cách chuyển nhượng tài sản, nhưng khả năng chuyển nhượng bị hạn chế bởi luật pháp Nga và Chính phủ Nga, những người có quyền phê duyệt đối với bất kỳ người mua nào, cũng như bởi những hạn chế do lệnh trừng phạt quốc tế.
"Đây sẽ là một quá trình kéo dài", BP lưu ý trong một tuyên bố trên trang web của mình.
Chủ tịch BP Helge Lund cho biết Hội đồng quản trị BP đã kết luận rằng, sau một quá trình xem xét kỹ lưỡng quan hệ đối tác với Rosneft, BP không thể tiếp tục dự án với Rosneft, một doanh nghiệp nhà nước Nga.
Giám đốc điều hành của Shell, Ben van Beurden cũng tuyên bố không thể và sẽ không đứng ngoài cuộc, bày tỏ sự phản đối cuộc chiến ở Ucraine.
Lời khuyên từ Rosneft
Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga Rosneft ngày 1/11 vừa qua đã khuyên BP nên suy nghĩ lại về quyết định rời Nga và quay trở lại hoạt động tại nước này, hứa hẹn sẽ trả cổ tức nhiều hơn.
Giám đốc điều hành Rosneft, Igor Sechin, thông báo BP được hưởng 700 triệu USD tiền cổ tức nửa cuối năm 2021, mà Rosneft đã chuyển vào các tài khoản "C" đặc biệt ở Nga.
Người đại diện Rosneft cho hay: "Chúng tôi chỉ có thể chân thành khuyên các đồng nghiệp của chúng tôi từ BP xem xét lại quyết định rời Nga".
Tuy nhiên, ông lớn dầu khí Vương quốc Anh đã nhấn mạnh rằng, quan điểm của họ đối với Nga vẫn không thay đổi.
Về phía Rosneft, ông lớn này cũng cho rằng không gì có thể ngăn cản BP sử dụng cổ tức cho các khoản đầu tư vào việc phát triển các dự án chung ở Nga.
Bình An
Nguồn: Đằng sau những chỉ trích BP chưa chịu rời khỏi Nga là gì? (petrotimes.vn)