Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo tiến độ các dự án truyền tải phục vụ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam trong thời gian tới.
Nhằm đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng liên quan đến nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ ngày 9 - 11/8/2022, ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã dẫn đầu đoàn công tác của EVNNPT làm việc với một số chủ đầu tư nguồn điện tại Lào.
Cụ thể, ngày 9/8, tại Thủ đô Viêng Chăn, đoàn có buổi làm việc với Công ty Impact Energy Asia Development Limited (IEAD) - chủ đầu tư Nhà máy điện gió Monsoon (600 MW) liên quan đến việc phối hợp đầu tư xây dựng dự án mở rộng TBA 500kV Thạnh Mỹ (phục vụ giải tỏa công suất Nhà máy điện gió Monsoon).
Buổi làm việc giữa EVNNPT và IEAD
Phát biểu tại cuộc họp, ông Itthipol Kanjanaphan, Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật IEAD đã giới thiệu về dự án IEAD Monsoon và Công ty IEAD. Theo đó, dự án có tổng công suất 600 MW được xây dựng ở phía Đông Nam Lào, nằm cách biên giới Lào - Việt Nam khoảng 22 km, nhằm mục đích xuất khẩu điện từ Lào về Việt Nam. Đây là dự án trang trại điện gió đầu tiên ở Lào và là một trong những dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á đến thời điểm hiện nay.
Dự án đang được đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu vận hành thương mại (COD) vào quý II năm 2025. Tổng mức đầu tư của dự án ước tính là 930 triệu đô la Mỹ.
Chủ đầu tư dự án là Công ty IEAD - là một công ty liên danh được thành lập tại Hồng Kông có cơ cấu sở hữu gồm: 55% vốn điều lệ thuộc một chi nhánh của Công ty Impact Electrons Siam Co Ltd (IES) và một công ty con thuộc sở hữu của Tập đoàn Mitsubishi; 45% vốn của BCPG - một công ty năng lượng tái tạo đăng ký kinh doanh tại Thái Lan.
Dự án được triển khai theo biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào nhằm mục tiêu nhập khẩu nguồn điện năng lượng tái tạo từ Lào về Việt Nam. Vào tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ dự án và chỉ đạo EVN xây dựng các công trình truyền tải điện cần thiết tại Việt Nam. Vào tháng 7/2021, hợp đồng mua bán điện được ký kết giữa IEAD với EVN và hợp đồng điều chỉnh, sửa đổi được ký kết vào tháng 1/2022. Toàn bộ sản lượng điện từ dự án sẽ được bán cho Việt Nam theo hợp đồng mua bán điện 25 năm với EVN.
Việc nhập khẩu điện từ dự án về Việt Nam được thực hiện thông qua đường dây 500kV mạch kép TBA 500kV Monsoon - TBA 500kV Thạnh Mỹ. Trong đó, chiều dài đường dây trên địa phận Lào là 22 km (do IEAD làm chủ đầu tư, thực hiện thông qua hợp đồng EPC), phần trên lãnh thổ Việt Nam là 44 km (do EVN làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án Điện 2 thực hiện quản lý dự án).
Bên cạnh đó, đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ không chỉ truyền tải công suất của Nhà máy điện gió Monsoon mà còn truyền tải công suất của các cụm Nhà máy thủy điện Xekong (3A, 3B, 5), Xekaman (2A, 2B) do Tập đoàn Phongsubthavy (Lào) làm chủ đầu tư đấu nối vào TBA 500kV Monsoon với tổng công suất khoảng 870 MW.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tuấn Tùng cho biết: Đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ là đường dây 500kV đầu tiên liên kết lưới truyền tải điện của Việt Nam với quốc gia khác. Để đường dây có thể đấu nối vào TBA 500kV Thạnh Mỹ (do EVNNPT/PTC2 đang quản lý vận hành) cần phải thực hiện dự án mở rộng ngăn lộ và cải tạo TBA 500kV Thạnh Mỹ (do EVNNPT làm chủ đầu tư). Dự án này EVNNPT đã giao Ban quản lý dự án truyền tải điện (NPTPMB) thực hiện quản lý dự án từ tháng 9/2021. Hiện nay, NPTPMB đang rất khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng của dự án để đáp ứng tiến độ hoàn thành vào tháng 12/2024.
Tổng quan về dự án Nhà máy điện gió Monsoon
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Tuấn Tùng mong muốn Công ty IEAD thường xuyên trao đổi thông tin với EVNNPT, thông qua đầu mối là NPTPMB về tiến độ triển khai các dự án Nhà máy điện gió Monsoon, đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ (phần trên địa phận Lào) và TBA 500kV Monsoon. Ông Nguyễn Tuấn Tùng giao các Ban liên quan của Tổng công ty hỗ trợ tối đa cho NPTPMB trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng của dự án và yêu cầu NPTPMB tập trung nguồn lực, khẩn trương triển khai thủ tục để hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Tiếp theo chương trình công tác, tại Thủ đô Viêng Chăn, đoàn đã có buổi làm việc với Tập đoàn Phongsubthavy (Lào) - chủ đầu tư của cụm Nhà máy thủy điện Nậm Sum và rất nhiều nhà máy thủy điện khác tại Lào.
Ông Bounnam Khamphilavanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phongsubthavy cho biết: Tập đoàn Phongsubthavy (viết tắt là PGC) là một tập đoàn tư nhân, đăng ký hoạt động từ năm 2001 và có trụ sở tại Lào. Lĩnh vực kinh doanh chính của PGC là đầu tư các nhà máy thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện than, ngoài ra còn có: xây dựng hạ tầng dân dụng, xây dựng đường giao thông, kinh doanh nông sản, xuất nhập khẩu xăng dầu, kinh doanh bất động sản.
Đến nay PGC đã ký 7 biên bản ghi nhớ với EVN về việc nhập khẩu điện từ 26 dự án nhà máy thủy điện từ Lào về Việt Nam, trong đó đã ký 14 hợp đồng PPA với tổng công suất là 471 MW và đang trình Chính phủ 2 nước chủ trương nhập khẩu điện với tổng công suất khoảng 1.000 MW.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tuấn Tùng cho biết: Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần nguồn điện nhập khẩu trong giai đoạn 2022 - 2025 khoảng 3.853 MW - 4.728 MW, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 3.936 - 5.742 MW và đến năm 2045 lên đến 11.042 MW để bổ sung cho nguồn điện thiếu hụt trong nước.
Tuy nhiên hiện nay, việc nhập khẩu nguồn điện từ các nước lân cận vào Việt Nam mới ở mức dưới 1.500 MW (700 - 800 MW từ Trung Quốc và khoảng 572 MW từ cụm Nhà máy thủy điện Xekaman thuộc Nam Lào, qua 2 tuyến đường dây 220kV Xekaman 3 - TBA 500kV Thạnh Mỹ và Xekaman 1 - Pleiku 2). Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tăng cường nhập khẩu điện từ Lào.
Khu vực Bắc Lào có tổng công suất tiềm năng nhập khẩu về Việt Nam có thể lên đến gần 4.000 MW. Để nhập khẩu hết lượng công suất này thì cần xây dựng 4 đường dây truyền tải bao gồm:
Đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống (mạch kép, 2xACSR 330/43) đang được xây dựng và dự kiến vận hành năm 2023 (phần trên lãnh thổ Việt Nam do EVNNPT làm chủ đầu tư, NPMB thực hiện quản lý dự án).
Đường dây 220kV Nậm Mô - Tương Dương (mạch kép, 2xACSR 330/43) đang được xây dựng và dự kiến vận hành 2022 (phần trên lãnh thổ Việt Nam do EVN làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án Điện 1 thực hiện quản lý dự án).
Đường dây 220kV Nậm Ou 5 - Điện Biên đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự kiến vận hành giai đoạn 2023 - 2024 (phần trên lãnh thổ Việt Nam do EVNNPT làm chủ đầu tư, NPMB thực hiện quản lý dự án).
Đường dây 500kV Sam Neau - Ninh Bình, dự kiến vận hành giai đoạn 2026 - 2030.
Buổi làm việc giữa EVNNPT và PGC
Khu vực phía Trung Lào có tiềm năng điện gió, nhiệt điện và thủy điện nên các nhà máy điện gió, nhiệt điện khu vực này được đề xuất bán điện cho Việt Nam với công suất khá lớn (trong đó có Nhiệt điện Boualapha 2.000 MW dự kiến đấu nối bằng đường dây 500kV về trạm 500kV Hà Tĩnh).
Khu vực Nam Lào có tiềm năng phát triển nguồn điện rất lớn, đặc biệt nguồn thủy điện. Các nguồn điện khu vực Nam Lào được đề xuất nhập khẩu về Việt Nam với tổng công suất 3.329 MW, trong đó các nguồn điện đã được nghiên cứu phương án liên kết nhập khẩu với tổng công suất là 1.711 MW (gồm các nhà máy thủy điện với tổng công suất 1.111 MW và dự án Nhà máy điện gió Monsoon 600 MW).
Về tình hình thi công các dự án phục vụ nhập khẩu điện từ cụm Nhà máy thủy điện Nậm Sum về Việt Nam, ông Bounnam Khamphilavanh cho biết: PGC sẽ khởi công dự án trạm cắt 220kV Nậm Sum vào tháng 11/2022, dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống (phần trên địa phận Lào, dài khoảng 2,4 km) vào tháng 1/2023, dự kiến hoàn thành 2 dự án này trong quý II/2023. Tổng công suất các nhà máy thủy điện đấu nối về trạm cắt 220kV Nậm Sum là 523 MW.
Về dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống (phần trên địa phận Việt Nam), ông Hoàng Văn Tuyên, Giám đốc NPMB cho biết: Đường dây có quy mô 02 mạch, dài khoảng 130 km, từ điểm đấu nối G1 (tại biên giới Việt Nam - Lào) đến TBA 220kV Nông Cống gồm 299 vị trí (VT) móng cột (trong đó 80% số VT móng liên quan đến đất rừng), đi trên địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Châu thuộc tỉnh Nghệ An và các huyện Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống thuộc tỉnh Thanh Hóa. Tổng mức đầu tư của dự án là: 1.149 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 12/2021 và dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2023. Hiện nay, NPMB đang khẩn trương triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) và thi công xây dựng dự án. Đến nay, đã bàn giao được 136/299 VT móng, hoàn thành thi công đúc móng được 69 VT. Khó khăn, vướng mắc lớn nhất làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án là công tác BTGPMB và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống, đảm bảo đồng bộ với tiến độ phát điện của cụm Nhà máy thủy điện Nậm Sum, Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng đề nghị Tập đoàn Phongsubthavy tích cực trao đổi thông tin, phối hợp và hỗ trợ NPMB làm việc với UBND các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác BTGPMB và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên địa bàn các tỉnh này.
PV
https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Dam-bao-tien-do-cac-du-an-truyen-tai-phuc-vu-nhap-khau-dien-tu-Lao-6-166-17633