Đã có một cuộc cách mạng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong 10 năm qua

Theo báo cáo Biến đổi khí hậu 2022 của Nhóm công tác 3, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), đã có một cuộc cách mạng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và lưu trữ trong 10 năm qua, trong đó giá cả giảm nhanh và mạnh hơn bất kỳ dự đoán nào.

Theo đó, chi phí đã giảm liên tục trong giai đoạn 2010 - 2019 bao gồm chi phí theo đơn vị năng lượng mặt trời (giảm 85%), năng lượng gió (giảm 55%) và pin lithium-ion (giảm 85%). Đồng thời có sự gia tăng mạnh trong việc triển khai các loại hình năng lượng đó, ví dụ năng lượng mặt trời tăng trên 10 lần và xe điện tăng trên 100 lần (EV). Việc giảm chi phí theo đơn vị trong các công nghệ chính, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và lưu trữ đã làm tăng sức hấp dẫn kinh tế của quá trình chuyển dịch ngành năng lượng carbon thấp đến năm 2030.

Hiện nay quang điện (PV), điện mặt trời tập trung (CSP), điện gió trên bờ và ngoài khơi đều cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch tính theo chi phí điện quy dẫn ở nhiều nơi. 


Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, đã có một cuộc cách mạng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và lưu trữ trong 10 năm qua

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo là cần thiết và không cần đầu tư nhiều hơn nữa vào nhiên liệu hóa thạch.

Để hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5°C, cần giảm phát thải khí nhà kính sâu và nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực. Giảm đáng kể việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch tổng thể trong toàn ngành năng lượng, triển khai các nguồn năng lượng ít phát thải, chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế và tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là trọng tâm để đạt được điều này. 

Báo cáo chỉ ra rằng, thời gian qua đã có một số chính sách có lợi được ban hành nhanh chóng. Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, điện khí hóa hệ thống đô thị, phủ xanh thành phố, sử dụng năng lượng hiệu quả, quản lý bên cầu, cải thiện quản lý rừng và cây trồng/đồng cỏ, giảm lãng phí và thất thoát thực phẩm, tất cả đều được công chúng ủng hộ, khả thi về mặt kỹ thuật và hiệu quả về mặt chi phí.

Một số quốc gia đã sử dụng năng lượng tái tạo là chủ yếu. Trong một thế giới mà mức tăng nhiệt được giới hạn ở 1,5°C trong tương lai, hầu như tất cả điện năng sẽ được cung cấp bởi các nguồn có phát thải carbon bằng 0 hoặc carbon thấp vào năm 2050. Điện khí hóa đặc biệt quan trọng để cho phép khử cacbon trong vận tải đường bộ, công nghiệp, khai thác và sản xuất. Nó cũng có thể giúp đảm bảo an ninh năng lượng. Xe điện chạy bằng nguồn điện có phát thải khí nhà kính thấp có tiềm năng khử cacbon lớn nhất trong lĩnh vực vận tải đường bộ. 

Tiết kiệm và hiệu quả năng lượng cũng sẽ là một phần quan trọng của quá trình đưa phát thải ròng về 0, cùng với sự tích hợp thực tế, thể chế và hoạt động tốt hơn trên toàn hệ thống năng lượng...

Giám đốc điều hành Tổ chức Khí hậu châu Âu Laurence Tubiana nhận định: “Báo cáo mới nhất của IPCC nêu rõ rằng cách nhanh nhất mà các chính phủ có thể đảm bảo an ninh năng lượng và cắt giảm chi phí là đầu tư vào năng lượng sạch và dịch chuyển khỏi các tài sản nhiên liệu hóa thạch. Cơ sở hạ tầng khí đốt, dầu mỏ và than mới sẽ không chỉ làm tăng thêm thiệt hại khắc nghiệt về khí hậu mà chúng ta đã phải đối mặt mà còn tạo ra vòng xoáy địa chính trị đáng sợ của nhiên liệu hóa thạch, vốn thường có liên quan đến căng thẳng, xung đột và biến động kinh tế vĩ mô”.

Lan Anh 

https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Da-co-mot-cuoc-cach-mang-trong-linh-vuc-nang-luong-tai-tao-trong-10-nam-qua-6-8-15908