Cơ sở hạ tầng biển đóng góp cho sự phát triển của cả năng lượng xanh lẫn nền kinh tế số của Việt Nam
Đó là nhận định về tiềm năng sử dụng cơ sở hạ tầng biển của PGS-TS Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao, với Báo Người Lao Động.
Mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0
Bên lề Hội thảo Khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 15 diễn ra vào tháng 10 năm ngoái, bà Lan Anh cho biết cơ sở hạ tầng biển hiện nay được xem là thiết yếu vì có tầm quan trọng không chỉ đối với phát triển kinh tế của một quốc gia mà còn với an ninh biển, an ninh quốc phòng.
Các lĩnh vực sử dụng cáp biển hoặc những công trình hạ tầng trên biển rất đa dạng như hệ thống năng lượng tái tạo, tuyến cáp quang truyền tải tín hiệu và công trình thu hồi và lưu trữ carbon - lĩnh vực rất mới có thể giúp Việt Nam bán tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế.
PGS-TS Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Ảnh: Xuân Mai
Theo bà, dù là lĩnh vực nào thì cơ sở hạ tầng biển đều đóng góp cho nền kinh tế xanh - chuyển đổi từ năng lượng cũ, năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo - và nền kinh tế số. Cơ sở hạ tầng biển giúp đáp ứng những cam kết của Việt Nam về việc đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0.
Bà Lan Anh lý giải kinh tế số thường phụ thuộc vào các hạ tầng internet, cáp quang vì hiện nay cáp quang truyền tải đến 99% dung lượng internet của thế giới. Việc duy trì những tuyến kết nối cáp quang với cả thế giới và khu vực sẽ giúp Việt Nam thiết lập băng thông truyền tải tín hiệu lớn và đó là cơ sở quan trọng nhất để thiết lập kinh tế số.
Trong tiến trình phát triển hạ tầng biển, theo bà Lan Anh, Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng cũng có một số thuận lợi.
Khó khăn có thể kể đến là hạ tầng biển hiện nay không chỉ là mục tiêu của các công ty truyền tải dữ liệu toàn cầu (chẳng hạn Amazon, Meta...) mà còn là cuộc cạnh tranh chiến lược thế giới. Các quốc gia đều nỗ lực đưa hạ tầng biển vào luật của mình và gắn nó với lợi ích an ninh. Trên cơ sở đó, các nước có xu hướng kiểm soát việc xây dựng và vận hành cũng như sửa chữa hay lắp đặt mới những tuyến hạ tầng biển.
Chính vì vậy, Việt Nam một mặt có thuận lợi là nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các quốc gia khi đầu tư vào hạ tầng biển nhưng mặt khác cũng gặp áp lực từ việc cạnh tranh chiến lược, dẫn đến là các bên sẽ có những yêu cầu riêng.
Việc duy trì một môi trường hợp tác mở hay môi trường trung lập cho việc truyền tải các tín hiệu quan trọng nhất hiện nay - gọi là Big Data - cũng là thách thức với cả Việt Nam lẫn nước khác.
Một trong những phương thức giúp vượt qua những thách thức đó cũng như tận dụng được cơ hội là tăng cường hợp tác quốc tế, bao gồm chia sẻ thông tin, hài hòa các quy định thủ tục của mình với quy định của khu vực, đồng thời hợp tác ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực này.
Các tua bin gió phát điện ở tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Reuters
Lợi thế về năng lượng gió
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… rất tốt.
Cũng tại hội thảo trên, PGS-TS Nguyễn Xuân Huy - hiện giảng dạy tại Khoa Kỹ thuật địa chất và dầu khí của Trường ĐH Bách khoa TP HCM, chuyên gia về mảng năng lượng, dầu khí, năng lượng tái tạo, khoáng sản, địa chất - cho biết trong các nước thuộc ASEAN, hiện Indonesia có trữ lượng dầu khí nhiều nhất, đứng thứ hai là Việt Nam.
Đặc biệt, Việt Nam nằm ngay bên bờ biển Đông có tốc độ gió rất cao, thuận lợi phát triển năng lượng sạch hơn so với các nước trong khu vực.
Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore có tốc độ gió hầu như rất thấp nhưng có nắng nên thuận lợi phát triển năng lượng mặt trời. Theo ông Huy, phát triển điện gió thì chắc chắn không có nước nào trong khu vực vượt trội hơn Việt Nam.
PGS-TS Nguyễn Xuân Huy, hiện giảng dạy tại Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí của Trường ĐH Bách khoa. Ảnh: Xuân Mai
Đề cập đến việc Việt Nam hợp tác với các nước trong khu vực để phát triển năng lượng xanh, ông Huy cho hay Thái Lan đang đầu tư năng lượng tái tạo ở Việt Nam khá nhiều trong khoảng 3 năm nay, gồm dự án điện gió trên bờ, điện mặt trời trên bờ.
Bên cạnh đó, công ty ở Singapore cũng phát triển các dự án năng lượng mặt trời ở Việt Nam. Singapore hiện phụ thuộc nhiều vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhưng với mong muốn chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, bắt buộc họ phải phát triển điện gió.
Ông Huy nhận định Việt Nam có diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km2 vô cùng thuận lợi phát triển điện gió ngoài khơi và xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á khác.
Theo ông, các nước Đông Nam Á gần khu vực xích đạo phần lớn chỉ có năng lượng mặt trời chứ không có điện gió, mà điện gió không mạnh thì không thể nào tạo ra điện xanh được; trong khi đó lại là lợi thế của Việt Nam.
Xuân Mai
Nguồn:Cơ hội năng lượng xanh cho Việt Nam (nld.com.vn)