“Điện than tăng đột biến, nhưng năng lượng tái tạo đã mang lại nhiều hy
vọng” - Đó là dự báo mới vừa được hãng tư vấn Mỹ Bloomberg NEF cập nhật
trong báo cáo mang tên: Power Transition Trends (Xu hướng chuyển đổi
năng lượng điện) vừa công bố. Tổng hợp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng
Việt Nam.
Điện than tăng đột biến:
Thế giới đã ghi nhận mức tăng đột biến chưa từng có trong sản xuất
than năm 2021 khi các quốc gia gia tăng nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng
nhu cầu điện đang tăng nhanh trong bối cảnh hạn hán và giá khí đốt tự
nhiên tăng cao. Tuy nhiên, các công nghệ tái tạo cũng có một năm thành
công rực rỡ cả về điện sản xuất lẫn công suất lắp đặt mới. Những gì xảy
ra trong cân đối năng lượng của thập kỷ này có ý nghĩa quyết định trong
việc xác định liệu thế giới có đạt được con đường phát thải ròng bằng
không (Net Zero) và các cơ chế, chính sách để giải quyết các thách thức
năng lượng ngày nay ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu nói trên.
Báo cáo nhằm mục đích hỗ trợ cho các nhà hoạch định chính sách, nhà
đầu tư và các bên liên quan để đưa ra những giải pháp thích hợp. Nó dựa
trên dữ liệu được Bloomberg NEF thu thập ở 6 châu lục, 136 quốc gia và
thị trường, cùng với dữ liệu tổng hợp từ phần còn lại của thế giới. Dưới
đây là những điểm nhấn trong báo cáo thường niên này.
Thứ nhất: Thế giới đã chứng kiến sự gia tăng đột biến chưa từng có
trong sản xuất than toàn cầu giai đoạn 2020 - 2021, với mức tăng 8,5% về
sản lượng điện từ công nghệ này. Sử dụng than nhiều hơn khiến ngành
điện năm 2021 phát thải CO2 tăng 7% so với năm 2020. Mười quốc gia chiếm
87% tổng lượng than điện được sản xuất trên toàn cầu vào năm 2021 trong
đó Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ xếp vị trí dẫn đầu về dùng than.
Thứ hai: Ba yếu tố góp phần làm tăng giá than: Nhu cầu điện phục hồi
khi kinh tế tăng trưởng trở lại, trong khi đó, thủy điện lại thấp hơn do
hạn hán ở nhiều nơi trên thế giới và giá khí đốt tự nhiên tăng nhanh.
Một nửa trong số các quốc gia cam kết tại cuộc đàm phán COP26 sẽ loại bỏ
than đá đã ghi nhận mức tăng trưởng trong sản xuất than năm 2021. Dẫn
đầu là châu Á, tổng sản lượng điện toàn cầu tăng 5,6% vào năm 2021 khi
các nền kinh tế phục hồi sau tác động của Covid-19. Sản lượng điện tăng
vọt lên 27.300 TWh từ 25.800 TWh, thiết lập mức cao mới sau 3 năm nhu
cầu điện ổn định.
Thứ ba: Năng lượng mặt trời đạt được một cột mốc mới vào năm 2021,
lần đầu tiên phát điện 1.000 TWh, trong khi điện gió đạt gần 2.000 TWh.
Cả hai lĩnh vực này chiếm 10,5% tổng lượng điện năng được sản xuất trên
toàn thế giới. Tổng cộng, sản lượng không carbon đạt tổng cộng hơn
10.000 TWh, đáp ứng gần 40% nhu cầu điện năng toàn cầu.
Thứ tư: Năng lượng mặt trời và gió chiếm 3/4 trong tổng số 364 GW
công suất lắp đặt mới vào năm 2021. Riêng năng lượng mặt trời đã chiếm
một nửa tổng công suất được bổ sung và năng lượng mặt trời xây dựng hàng
năm cao hơn 25% vào năm 2021 so với năm 2020. Trong khi đó, tăng trưởng
ròng về công suất than đã ở mức thấp nhất trong 15 năm.
Nhìn chung, nhiên liệu hóa thạch chỉ chiếm 14% tổng công suất tăng thêm trong năm.
Thứ năm: Nhiều quốc gia chọn xây dựng năng lượng tái tạo. Vào năm
2021, hơn ba phần tư các quốc gia trên thế giới được khảo sát đã triển
khai sản xuất các nguồn năng lượng sạch (bao gồm cả thủy điện) cao hơn
so với bất kỳ công nghệ nào khác. Năng lượng mặt trời đứng đầu là công
nghệ được lựa chọn ở gần một nửa số quốc gia trên thế giới, tiếp theo là
thủy điện với 15%, giảm so với 20% của thập kỷ trước.
Thứ sáu: 53 nền kinh tế đã bổ sung một số công suất điện gió vào năm
2021, tăng từ con số 44 vào năm 2020. Tuy nhiên, việc triển khai năng
lượng sạch vẫn trên các quy mô tập trung.
Thứ bảy: Tổng công suất phát điện toàn cầu đã tăng gần gấp đôi trong
vòng 15 năm và đạt mức cao mới 7,9 TW vào năm 2021. Khu vực châu Á -
Thái Bình Dương dẫn đầu sự bùng nổ công suất với mức tăng trưởng 191%
trong giai đoạn 2006 - 2021. Điện than tiếp tục chiếm hơn một phần tư
công suất lắp đặt toàn cầu.
Lần đầu tiên gió và mặt trời đáp ứng 10% nhu cầu điện toàn cầu:
Theo Bloomberg NEF: Thế giới đang trở nên xanh, sạch hơn theo nhiều
cách. Hơn 10% nhu cầu điện toàn cầu lần đầu tiên được đáp ứng bởi các dự
án năng lượng gió và năng lượng mặt trời vào năm 2021.
Sự kết hợp giữa gió và mặt trời tạo ra 10,5% trong tổng số gần 3.000
TWh điện được tạo ra vào năm 2021. Đóng góp của các dự án năng lượng mặt
trời vào tổng nhu cầu năng lượng tăng lên 3,7%, trong khi gió đặt mức
cao hơn lên 6,8%. So với một thập kỷ trước, đó là một sự gia tăng đáng
kinh ngạc, vì khi đó hai loại công nghệ kết hợp chỉ chiếm chưa đến 1%
tổng sản lượng điện.
Nhìn chung, 39% tổng lượng điện năng được sản xuất trên toàn thế giới
vào năm 2021 là không có carbon, trong khi thủy điện và hạt nhân chỉ
đáp ứng hơn một phần tư nhu cầu điện của thế giới. Kể từ năm 2017, phần
lớn công suất phát điện mới tham gia vào lưới điện toàn cầu là từ năng
lượng gió và năng lượng mặt trời mỗi năm. Vào năm 2021, cả hai công nghệ
đều đạt mức cao kỷ lục mọi thời đại với 3/4 công suất 364 GW mới được
tạo ra. Năng lượng không carbon, bao gồm thủy điện, hạt nhân và các loại
khác, chiếm 85% tổng công suất mới.
Luiza Demoro - người đứng đầu bộ phận chuyển đổi năng lượng tại
Bloomberg NEF cho hay: Năng lượng tái tạo hiện là lựa chọn mặc định cho
hầu hết các quốc gia muốn bổ sung, hoặc thậm chí thay thế công suất sản
xuất điện. “Tăng trưởng này không còn do nhiệm vụ hay trợ cấp, đơn giản,
những công nghệ này ngày càng có tính cạnh tranh cao nhất về chi phí” -
Luiza Demoro nhấn mạnh./.
KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
(THEO: ABI/ITC - 10/2022)
Nguồn:
https://nangluongvietnam.vn/chuyen-doi-nang-luong-dien-trong-thap-ky-nay-se-quyet-dinh-muc-tieu-net-zero-29679.html