Chuyển dịch năng lượng xanh: Góp phần hiện thực hóa cam kết COP26

Trong các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 26 (COP26), nội dung về giảm phát thải khí metan rất được chú trọng.

Đã có không ít chương trình, kế hoạch được các bộ, ngành xây dựng, tuy nhiên để hiện thực hóa cam kết, vẫn cần thêm sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Khả thi nhưng nhiều thách thức

Tại hội thảo “Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh” do Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 17/8, nhiều đơn vị, chuyên gia trong nước và quốc về ở lĩnh vực năng lượng cũng đã bàn thảo chuyên sâu về lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 một cách hiệu quả.


Tuabin hệ thống điện gió tại tỉnh Phú Yên. Ảnh: Phạm Hùng

Trước yêu cầu về chuyển đổi năng lượng trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, các bước đi thực sự để đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, với từng lĩnh vực, ngành nghề bởi đây là xu thế tất yếu và lựa chọn tối ưu trong phát triển kinh tế - xã hội, môi trường. Đây là hướng đi đúng đắn, khả thi nhưng cũng rất nhiều thách thức, đòi hỏi phải có chuyển đổi tương xứng về mọi mặt như thể chế, nguồn lực, trong đó có cả tài chính, nhân lực, đặc biệt là nhận thức để hiện thực hóa mục tiêu đề ra.

Dưới góc độ quản lý về phát thải khí metan từ hoạt động giao thông, Vụ trưởng vụ Môi trường (Bộ GTVT) Vũ Hải Lưu cho biết, Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh giảm phát thải carbon và metan của Bộ GTVT cũng đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Bộ GTVT sẽ được chia làm 2 giai đoạn.

Từ nay đến năm 2030, ngành GTVT đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh để đạt mục tiêu giảm rác thải khí metan. Giai đoạn đến 2050, phát triển hợp lý các phương tiện vận tải; thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

“Bộ đã có lộ trình cho từng ngành đường sắt, hàng hải, hàng không, giao thông đô thị. Để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì ngay lúc này chúng ta cần những bước khởi động chứ không thể chần chừ” - Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) Vũ Hải Lưu nói.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân phát thải khí metan vào môi trường sống ở nước ta có thể kể đến các hoạt động bãi chôn lấp chất thải rắn, xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học, đốt chất thải, xử lý và xả thải nước thải, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, phát tán từ nhiên liệu, khí thải từ lượng phương tiện giao thông khổng lồ. Chính vì những nguy cơ liên quan đến đời sống, sức khỏe của người dân, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt chú trọng đến mục tiêu giảm 30% khí metan vào năm 2030.

Các chuyên gia cho rằng, thói quen sử dụng năng lượng thiếu thân thiện với môi trường vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiên liệu phục vụ cho các phương tiện giao thông được xem là vấn đề cần sớm có giải pháp. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam vừa có cam kết quốc tế về phòng, chống biến đổi khí hậu. Do đó, sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, bộ, ngành là rất cần thiết.

Cần sự hỗ trợ từ quốc tế

Tại hội thảo, ông Rahul Kitchlu - Quản lý Chương trình cơ sở hạ tầng (Ngân hàng Thế giới) cho rằng, Việt Nam những năm qua đã chuyển mình, dần trở thành một nền kinh tế năng động mới nổi. Lĩnh vực năng lượng đóng vai trò quan trọng cho quá trình chuyển đổi kinh tế này.

Tuy nhiên, quá trình phát triển về kinh tế và năng lượng vẫn đang cho thấy sự phụ thuộc lớn vào than, từ đó đưa đến nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên đầu người tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Chính vì vậy, cần thiết phải có những bước chuyển dịch sang năng lượng xanh với giá thành phù hợp và an toàn.

Chính bởi nhu cầu cấp bách trong chuyển đổi năng lượng, từng bước cải thiện tỷ lệ khí thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của người dân, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, quá trình chuyển đổi cần có sự đồng hành của các tổ chức quốc tế, DN, tập đoàn. Ngoài ra, để lộ trình đi đúng hướng, cũng cần đặt ra vai trò của cả Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. “Muốn thành công thì phải có quyết tâm chính trị lớn, cộng đồng liên quan”- Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định.

Trao đổi xoay quanh vấn đề này, ông Vũ Hải Lưu cho biết, việc chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành GTVT nói riêng và các ngành nói chung vẫn cần phải có sự hỗ trợ đầu tư, hợp tác của quốc tế về tài chính, công nghệ, kỹ thuật. Ý kiến này cũng nhận được nhiều sự đồng tình từ các chuyên gia.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Rahul Kitchlu cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về phát triển năng lượng tái tạo khi đã huy động 17 tỷ đô la đầu tư tư nhân trong vòng 2 năm qua. Đây là một nỗ lực vô cùng đáng ghi nhận và là những bước đi nghiêm túc hướng tới đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng sạch và loại bỏ carbon khỏi nền kinh tế. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn rất nhiều thách thức, làm sao để cân bằng giữa chuyển dịch năng lượng và đảm bảo an sinh xã hội.

Được biết, về khả năng mở rộng năng lượng tái tạo trong thập kỷ tới, Việt Nam đã triển khai tăng lượng điện từ năng lượng mặt trời từ mức gần bằng 0 vào năm 2017 lên đến 18.000MW vào cuối năm 2021. Những khó khăn, thách thức chủ yếu liên quan đến vấn đề kỹ thuật như lưu trữ, truyền tải năng lượng và mức độ an toàn của lưới điện.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lại nằm ở quy chế. Cho đến nay, thành công của Việt Nam trong việc mở rộng năng lượng mặt trời và gió được thúc đẩy bởi nguồn tài chính trong nước và khu vực. Nhưng để bổ sung 18.000MW, thậm chí cao hơn con số này đòi hỏi Việt Nam phải huy động nguồn tài chính quốc tế, vốn đang bị loại khỏi thị trường bởi các điều khoản của thỏa thuận mua bán điện (PPA) trong đó có mức độ rủi ro cao về giá cả và làm e dè các nhà đầu tư phát triển. Các quỹ quốc tế chỉ đầu tư khi thỏa thuận mua bán điện PPA có thể bảo đảm từ ngân hàng.

"Các kịch bản giảm phát thải tham vọng tới 2050 trong các ngành và tiểu ngành sẽ dựa trên công nghệ giảm phát thải khả thi hiện nay. Vẫn còn khoảng 238 triệu tấn giảm phát thải cần đạt được để đạt mục tiêu Net Zero, kể cả với các kịch bản tham vọng trong các ngành phát thải khí nhà kính. Trong tương lai, cần sự đột phá về công nghệ sản xuất điện năng và lưu trữ điện năng quy mô lớn để bảo đảm tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm 90% sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống." - Đồng sáng lập & Giám đốc điều hành VNEEC Đặng Hồng Hạnh

https://kinhtedothi.vn/chuyen-dich-nang-luong-xanh-gop-phan-hien-thuc-hoa-cam-ket-cop26.html