Chính sách phát triển năng lượng sạch - Từ nhận thức đến thực tiễn

Được đánh giá là một nguồn năng lượng thay thế cho nguồn năng lượng hóa thạch, nhiều chuyên gia nhận định, năng lượng tái tạo là giải pháp tối ưu cho sự khủng hoảng biến đổi khí hậu và Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển.

Chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ

Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo những năm gần đây, cho thấy tiềm năng cao của việc sử dụng điện tái tạo để giải quyết nhu cầu năng lượng.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đc Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 quy định phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là một trong những chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”, hướng tới mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; phát triển các ngành sử dụng năng lượng hiệu quả và sử dụng năng lượng tiết kiệm, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch để góp phần chuyển dịch năng lượng, thực hiện các mục tiêu cam kết tạo COP26.

Mới đây, Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 2) với chủ đề “Hướng tới trung hòa carbon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí” được tổ chức là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng chia sẻ, trao đổi, phân tích các vấn đề bất cập, thách thức, cơ hội cho việc phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam. 


Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo những năm gần đây.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Phạm văn Tấn, Cục biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), mặc dù là một nước đang phát triển, với nguồn lực còn hạn chế trong khi phải chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn thể hiện quyết tâm cao nhất cam kết cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Việt Nam đã đưa ra cam kết mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí metan vào năm 2030 so với năm 2020, chuyển đổi điện than sang năng lượng tái tạo và nhiều sáng kiến toàn cầu khác.

Ngay sau COP26, Chính phủ Việt Nam đã chủ động và tích cực triển khai các kết quả cam kết, trong đó có việc thành lập ngay Ban Chỉ đạo do Thủ tướng đứng đầu để đề xuất cơ chế, chính sách pháp luật, quy hoạch, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo.

Đáng chú ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và đang hoàn thiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Trong đó, để đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, lĩnh vực năng lượng phải giảm ít nhất 32% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030, giảm đến 90% vào năm 2050 so với kịch bản phát triển trong điều kiện thông thường.

Để thực hiện mục tiêu này, nước ta cần chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện khí và các nguồn điện ít phát thải khác. Do đó, Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ hai) với chủ đề “Hướng tới trung hòa carbon: Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí” được tổ chức là rất đúng về thời điểm và rất trúng về ưu tiên của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Hoàn chỉnh cơ chế chính sách về đầu tư và phát triển hạ tầng

Chia sẻ thực tế quá trình đầu tư phát triển nguồn điện, ông Đỗ Văn Kiên, Phó Tổng giám đốc Trung Nam Group (TNG) cho rằng, với những kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo hiện vẫn còn nhiều thách thức về cơ chế. Đặc biệt khi hành lang chính sách phát triển dự án điện mới vẫn còn đang trong quá trình thiết lập mà thực tế là Quy hoạch điện VIII vẫn chưa được thông qua; kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi chưa rõ ràng nên chưa có dự án triển khai cụ thể.

“Hợp đồng mua bán điện vẫn đang do EVN độc quyền bao tiêu sản lượng và có quyền không khai thác, trong khi đó còn những thách thức về công nghệ khi triển khai các dự án điện mới bởi hệ thống lưới điện chưa đồng bộ giữa các khu vực, đặc biệt là đường truyền tải còn nhiều vấn đề. Ngoài ra còn thách thức lớn hơn nữa về tài chính khi nguồn vốn đầu tư chưa rõ ràng và giá mua điện vẫn chưa ổn định”, ông Kiên chỉ ra.


Phát triển năng lượng tái tạo góp phần đảm bảo nguồn cung cấp điện năng cho đất nước với chi phí hợp lý, tăng cường chuỗi cung ứng trong nước và thúc đẩy tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Vương Quốc Thắng - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội, khẳng định: Theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ngày 11/10/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chúng ta đang xem xét xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật để khuyến khích đầu tư xây dựng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Uỷ ban Khoa học, công nghệ và Môi trường đang rất quan tâm và lắng nghe các tâm tư, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà đầu tư, các nhà thực thi chính sách, cá nhân… để tham mưu cho Quốc hội về những chính sách phù hợp, ban hành các luật nhằm tạo điều kiện cho quá trình chuyển dịch ngành năng lượng thành công.

“Những đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống rất cần được nêu ở Nghị trường Quốc hội và luật hóa để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Thắng khẳng định.

Theo ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, công nghệ năng lượng nói chung và điện năng lượng tái tạo ngày càng phát triển, chi phí sản xuất điện từ nguồn công nghệ mới ngày càng cạnh tranh so với nguồn năng lượng truyền thống. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng các dự án điện sử dụng nguyên liệu hóa thạch như điện than, dầu, khí dự kiến sẽ có nhiều rủi ro về cung cấp nguyên liệu do Việt Nam không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, phụ thuộc vào biến động bất thường của nguồn nguyên liệu quốc tế.

Trong bối cảnh đó, điện năng lượng tái tạo được đánh giá sẽ giữ vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới, không chỉ góp phần đảm bảo nguồn cung cấp điện năng cho đất nước với chi phí hợp lý; mang lại hiệu quả cao cho ngành công nghiệp sản xuất thiết bị, dịch vụ, gia tăng việc làm; tăng cường chuỗi cung ứng trong nước và thúc đẩy tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để có thể huy động năng lượng tái tạo tối ưu, chất lượng, đảm bảo mục tiêu phát triển đặt ra, Bộ Công Thương đang nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp về chính sách và phát triển cơ sở hạ tầng.

Cụ thể, ông Hùng cho hay, tiến tới sửa đổi bổ sung Luật Điện lực để hoàn chỉnh cơ chế chính sách về đầu tư, đấu thầu phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối; trong đó, cơ chế phát triển năng lượng tái tạo chuyển dịch từ chính sách hỗ trợ ban đầu để thúc đẩy phát triển thị trường sang chính sách đấu thầu cạnh tranh khi quy mô, thị trường đã thay đổi, để thị trường quyết định giá công nghệ, giá điện nhằm phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi về công nghệ của thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Mạnh Cường – đại diện Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng với tốc độ cao: 8,5%/năm giai đoạn 2021-2030 và 4%/năm giai đoạn 2031-2045. Mức tiêu thụ điện thương phẩm có thể tăng từ 216 tỷ kWh (năm 2020) lên hơn 3.000 tỷ kWh vào năm 2030 và hơn 800 tỷ kWh vào năm 2045.

Vì vậy, với tốc độ này, để đạt được cam kết của Thủ tướng Chính phủ đề ra tại COP26, nguồn năng lượng tái tạo (bao gồm điện gió, điện mặt trời) sẽ đóng góp chính vào cơ cấu năng lượng điện là 32% vào năm 2030 và 58% vào năm 2045. “Hệ thống điện của Việt Nam không còn là hệ thống nhỏ, trong tương lai sẽ càng phát triển hơn” - ông Cường khẳng định.

Cùng với đó, trên cơ sở mục tiêu Net Zero vào năm 2050, cơ cấu nguồn điện sẽ có rất nhiều thay đổi. Nghĩa là, giá điện sẽ tăng khoảng 30% so với kịch bản cơ sở thông thường. Để đạt được mục tiêu phát thải bằng 0, Việt Nam không thể xây thêm nguồn điện than mới (trừ nhà máy đang xây dựng), ngay cả nhà máy điện khí cũng sẽ phải hạn chế đến mức tối thiểu. Vì vậy, nguồn năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời sẽ đóng góp chính trong cơ cấu năng lượng điện.


Lan Anh

https://kinhtemoitruong.vn/chinh-sach-phat-trien-nang-luong-sach-tu-nhan-thuc-den-thuc-tien-65926.html