Châu Âu đã và đang làm gì để giảm giá năng lượng?

Vào hôm 19/10, Ủy ban châu Âu (EC) trình bày các đề xuất mới về việc kiểm soát tình trạng bùng nổ giá năng lượng, lấy ý tưởng từ những biện pháp mà các quốc gia thành viên đã thông qua và những ý kiến trái chiều về chính sách áp trần giá năng lượng.

Châu Âu đã và đang làm gì để giảm giá năng lượng?

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen

Xây dựng lại biểu giá TTF trên thị trường khí đốt

EC muốn điều chỉnh biểu giá khí đốt trên sàn giao dịch thị trường TTF của Hà Lan – giá tham khảo chuẩn cho thị trường khí đốt ở châu Âu. Theo Brussels, giá khí đốt tăng cao “quá đà” bởi ảnh hưởng từ các tin đồn và mối quan ngại của các nhà đầu tư. Do đó, trong vòng 6 tháng tới, Brussels muốn xây dựng lại biểu giá TTF dựa trên cơ sở tình hình nguồn cung hiện tại và trữ lượng khí đốt cần lưu trữ để vượt qua mùa đông sắp tới.

Trước đó, EC khuyến nghị sử dụng “một chính sách tạm thời” để điều chỉnh giá. Cụ thể, châu Âu có thể sẽ đề ra một ngưỡng giá “linh hoạt” lấy từ một biên độ dao động giá khí đốt bất kỳ từ sàn giao dịch TTF. Bằng cách này, tính biến động của giá khí đốt sẽ được kiềm chế phần nào. Theo AFP, chính sách “ngưỡng giá linh hoạt” này đã nhận được ý kiến trao đổi từ Ý, Ba Lan, Hy Lạp, Bỉ, Hà Lan và nhiều quốc gia khác. Theo đó, các quốc gia này đã đưa ra “những quan điểm khác nhau về tính khả thi, về độ hiệu quả kinh tế và rủi ro gián đoạn nguồn cung của chính sách”.

Cùng chung tay mua khí đốt

Hội đồng châu Âu muốn hoàn thiện biện pháp mua khí đốt ở quy mô toàn EU. Với biện pháp này, EU sẽ tận dụng được lợi thế của một khối kinh tế chung để gây áp lực cho người bán và mua được khí với giá rẻ. Như vậy, kho dự trữ sẽ được hoàn thiện trước mùa đông năm 2023. Đồng thời, biện pháp này cũng sẽ ngăn ngừa tình trạng đẩy giá tăng cao hơn nữa do có sự cạnh tranh mua hàng giữa các Quốc gia Thành viên.

Tuy Hai mươi bảy thành viên đã gật đầu đồng ý với chính sách này từ cuối tháng 3, EU vẫn chưa đạt được một thỏa thuận mua khí đốt chung nào. Vì vậy, nhiều Quốc gia đã tiếp tục tự mình đàm phán mua.

Hiện nay, EC đang cố gắng đạt được thỏa thuận với những nhà sản xuất khí đốt “đáng tin cậy” (Na Uy, Mỹ, v.v.). Ngoài ra, EC cũng kêu gọi giới tư nhân tham gia thị trường nhiều hơn, bằng cách thành lập liên đoàn hoặc liên doanh để mua khí đốt.

Theo Bỉ, chính sách mua chung sẽ giúp giảm nhu cầu mua toàn lục địa châu Âu và củng cố tình đoàn kết giữa các Quốc gia Thành viên - vốn không có chung một bối cảnh năng lượng. Hơn nữa, chính sách này cũng sẽ bảo vệ nhiều quốc gia khỏi nguy cơ bị thiếu hụt hoặc chưa đạt được thỏa thuận nào để bảo đảm nguồn cung.

Châu Âu đã và đang làm gì để giảm giá năng lượng?
Mức tăng của giá năng lượng, lạm phát và giá thực phẩm tại châu Âu trong một năm qua

Áp trần giá khí đốt trong sản xuất điện

Pháp đang thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với đề xuất trên. Nhưng theo nguồn tin của châu Âu, biện pháp này sẽ không được đưa vào danh sách các đề xuất của EC.

Theo đó, chính sách này sẽ áp trần giá khí đốt được sử dụng trong khâu sản xuất và phân phối điện nhằm trực tiếp hạ giá điện. Do có sự chênh lệch lớn giữa mức giá áp trần với giá thị trường, Chính phủ sẽ dùng ngân sách nhà nước để trợ cấp phần chênh lệch giá này. Hiện nay, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang áp dụng chính sách trên.

Tuy vậy, ý tưởng này đã làm dấy lên tâm lý e ngại của những quốc gia hiện không muốn can thiệp vào thị trường, như Đức và Hà Lan – hai quốc gia đang trải qua bất ổn về nguồn tài chính và nguy cơ sụt giảm nhu cầu trong bối cảnh thắt chặt nguồn cung. Hơn nữa, vào đầu tháng 9, EC nhận định rằng EU cần tăng nhu cầu về khí đốt lên 45 tỷ m3/năm. Nếu tính theo dữ liệu của năm 2021, sản lượng trên có thể đáp ứng được thêm 10% nhu cầu tiêu thụ khí trên toàn châu Âu.

Thế nhưng, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có chỉ số tiếp cận lưới điện châu Âu khá thấp. Do đó, chính sách của họ có thể sẽ không có hiệu quả đối với các quốc gia khác. Thậm chí, chính sách còn gây rủi ro cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu điện ở quy mô toàn châu Âu, ví dụ như Bỉ có thể sẽ cắt giảm xuất khẩu điện sang Vương quốc Anh.

Dù vậy, các nguyên thủ quốc gia có thể vẫn sẽ bật đèn xanh cho đề xuất này vào ngày 20 – 21/8, với điều kiện EC tiếp tục thực hiện nghiên cứu cải thiện chính sách, nhằm đảm bảo rằng mức giá trần đặt ra “sẽ không thúc đẩy giá khí đốt toàn cầu cao lên nữa”.

Mặt khác, EU cho biết vào đầu tháng 11, để ngăn ngừa nguy cơ thị trường LNG rời bỏ lục địa già và gây gián đoạn nguồn cung, EC sẽ không áp trần giá khí đốt nhập khẩu vào châu Âu.

 

Ngọc Duyên

Petrotimes

Nguồn: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/chau-au-da-va-dang-lam-gi-de-giam-gia-nang-luong-669110.html