Các nước châu Âu trên hành trình độc lập về năng lượng

Bộ trưởng Năng lượng lâm thời của Bulgaria mới đây đã có mặt tại Istanbul để tham gia các cuộc đàm phán mà ông hy vọng sẽ dẫn đến một thỏa thuận trong tháng này về việc tiếp cận lâu dài các kho cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và vận chuyển khí đốt đến biên giới của nước này.

Các nước châu Âu trên hành trình độc lập về năng lượng

Bulgaria và mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào Nga

Các giám đốc điều hành của công ty khí đốt nhà nước Bulgargaz của Bulgaria và nhà điều hành mạng lưới khí đốt Bulgartransgaz cũng tham gia các cuộc đàm phán khi Bulgaria tìm kiếm các nguồn khí đốt mới.

Nga, quốc gia đáp ứng hơn 95% nhu cầu khí đốt của quốc gia Balkan, đã ngừng giao hàng cho Bulgaria vào tháng 4 sau khi Sofia từ chối thanh toán bằng đồng rúp.

Người phát ngôn của Bộ Năng lượng Bulgaria cho biết, Bộ trưởng lâm thời Rossen Hristov và các giám đốc điều hành đã bay tới Istanbul vào cuối ngày 22/12.

Hristov nói với các phóng viên trước khi rời đi rằng các cuộc đàm phán giữa Bulgargaz của Bulgaria và Botas của Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến triển nhanh chóng và ông hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận trong năm nay.

Ông Hristov nói: "Chúng tôi đang đàm phán để dự trữ công suất 1 tỷ m3 (bcm) khí đốt mỗi năm tại các cảng LNG của Thổ Nhĩ Kỳ, để vận chuyển khí đốt qua mạng lưới Botas đến biên giới của chúng tôi".

Ông nói: "Điều này rất quan trọng, bởi vì chúng tôi có đủ đề nghị cho các lô hàng LNG. Những gì chúng tôi không có là một nơi nào đó để bốc dỡ chúng".

"Chúng tôi cam kết cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga", ông nói thêm.

Bulgaria muốn đặt công suất tại các nhà ga của Thổ Nhĩ Kỳ cho đến năm 2036 để nhập khẩu 1 bcm khí LNG mỗi năm. Công suất cho năm 2023 sẽ nhỏ hơn, vì Bulgargaz đã đặt chỗ trong vài tháng tại một nhà ga LNG của Hy Lạp.

Ông Hristov cho hay, một thỏa thuận về công suất và quá cảnh với Botas sẽ cho phép Bulgargaz ký hợp đồng nhập khẩu khí đốt với các nhà khai thác LNG của Mỹ hoặc châu Âu và cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Để cố gắng đạt được mức giá tốt hơn, Bulgargaz cũng có thể tham gia các cuộc đàm phán đã được tiến hành trước của Botas với các nhà khai thác LNG lớn của Mỹ và châu Âu.

Hiện tại, quốc gia thuộc Liên minh châu Âu nhập khẩu 1 bcm khí đốt mỗi năm từ Azerbaijan và đáp ứng phần còn lại cho nhu cầu của mình, khoảng 3 bcm mỗi năm, thông qua nhập khẩu LNG từ nước láng giềng Hy Lạp.

Theo kế hoạch của Bộ Năng lượng, Bulgaria sẽ đáp ứng 1/3 nhu cầu khí đốt của mình bằng khí LNG nhập khẩu qua Thổ Nhĩ Kỳ, 1/3 thông qua nhà ga LNG gần thành phố Alexandroupolis của Hy Lạp sẽ hoạt động vào năm 2024 và 1/3 với nguồn cung cấp của Azeri.

Đức giảm mạnh phụ thuộc vào khí đốt của Nga

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức, đã chứng kiến tỷ lệ khí đốt của Nga trong hỗn hợp khí đốt của nước này giảm xuống khoảng 20% trong năm nay từ mức 55% vào năm ngoái, theo dữ liệu từ nhóm vận động hành lang năng lượng BDEW.

Nga bắt đầu cắt giảm dần nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream tới Đức vào tháng 6 cho đến khi đóng cửa hoàn toàn đường ống này vào đầu tháng 9, tuyên bố không thể sửa chữa tuabin khí cho các trạm bơm do lệnh trừng phạt của phương Tây.

Về phần mình, Đức bắt đầu xem xét việc nhập khẩu LNG, cũng như khởi động xây dựng các cảng hóa khí để có thể tiếp nhận hàng hóa. Một nhà ga nhập khẩu LNG nổi đã chính thức khai trương vào tuần trước tại Wilhelmshaven trên bờ Biển Bắc của Đức.

Các kho cảng LNG khác cũng được lên kế hoạch xây dựng ở Đức. Sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, Đức, Hà Lan, Phần Lan và các quốc gia ở Nam Âu đã vội vàng đưa ra các kế hoạch xây dựng các bến cảng LNG nổi, nhằm thay thế lượng khí đốt từ đường ống của Nga.

Đức cũng đã ký một thỏa thuận với Qatar và ConocoPhillips vào tháng trước, theo đó Qatar sẽ cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho Đức trong ít nhất 15 năm kể từ năm 2026. Hai thỏa thuận mua bán giữa ConocoPhillips và QatarEnergy, lên tới 2 triệu tấn mỗi năm (MTPA), trong đó LNG từ Qatar sẽ được chuyển đến Đức bởi một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của ConocoPhillips. Công ty này sẽ mua và vận chuyển chúng đến kho cảng nhập khẩu LNG Brunsbüttel ở miền Bắc nước Đức.

Bất chấp việc xây dựng nhanh chóng các cơ sở nhập khẩu LNG, Cơ quan quản lý mạng lưới Bundesnetzagentur và các cơ quan chức năng khác đã cảnh báo trong nhiều tháng về việc Đức cần tiết kiệm khí đốt nếu muốn trải qua mùa đông này mà không cần sử dụng tới các biện pháp đặc biệt như phân phối.

Ba Lan - điển hình về "thoát khí đốt Nga" ở châu Âu

Ba Lan và Đan Mạch mới đây đã khánh thành đường ống dẫn khí đốt Baltic Pipe để vận chuyển khí đốt từ Na Uy qua Đan Mạch tới Ba Lan.

Việc khánh thành đường ống vận chuyển khí đốt từ Na Uy qua Đan Mạch tới Ba Lan là một sự kiện đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều nước châu Âu khác đang phải nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế khi Nga dừng cung cấp khí đốt.

Đường ống này, với công suất vận chuyển tối đa lên tới 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm là một nguồn cung vô cùng quan trọng cho không chỉ Ba Lan mà còn nhiều nước khác tại châu Âu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu vẫn đang diễn biến phức tạp cùng với cuộc xung đột Nga - Ukraine và tình thế đối đầu leo thang giữa châu Âu và Nga.

Chính thức đi vào hoạt động từ 1/10, dù chỉ với 75% công suất, đường ống dẫn khí đốt Baltic Pipe này đã phần nào giải tỏa được sức ép và lo ngại về việc thiếu hụt khí đốt từ các nước Liên minh châu Âu. Thực tế, trong số các nước EU, Ba Lan là nước đang có lượng dự trữ khí đốt ở mức cao nhất, khoảng 96% và nước này có đủ các điều kiện cần thiết để không phải quá lo ngại trong mùa Đông tới.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia láng giềng của Ba Lan lại không có lượng dự trữ dồi dào như thế và theo kế hoạch ứng phó năng lượng khẩn cấp mà Uỷ ban châu Âu đề ra cuối tháng 8/2022, châu Âu sẽ lập các nhóm phản ứng nhanh giữa các nước lân cận, theo đó một quốc gia thành viên EU sẽ có trách nhiệm phải giúp đỡ các nước láng giềng nếu các nước đó thiếu hụt nguồn năng lượng.

Bình An

Nguồn: Các nước châu Âu trên hành trình độc lập về năng lượng (petrotimes.vn)