Le Monde mở chuyên mục thảo luận cùng Phó Giáo sư Trường Kinh doanh ESSEC (Pháp) Alain Naef, chuyên gia về các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, tác giả của bài báo Những vụ sáp nhập lớn và một tương lai tươi sáng: các công ty dầu mỏ nhìn thấy tương lai như thế nào, để thảo luận về vai trò của các ông lớn dầu mỏ trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Hình minh hoạ
Le Monde: Giáo sư làm việc trong lĩnh vực dầu khí và vai trò của chúng trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Giáo sư cũng đã viết một số bài gần đây về chủ đề này. Theo giáo sư, chiến lược trung và dài hạn của các tập đoàn lớn này là gì?
Alain Naef: Chiến lược từ lâu đã là một chiến lược đấu tranh. Họ cố gắng phản bác khoa học khí hậu, đổ lỗi cho người tiêu dùng cuối (BP là người tạo ra khái niệm dấu chân carbon) hoặc gây ảnh hưởng đến các chính trị gia. Bây giờ chiến lược đã khác. Đó là một chiến lược hỗ trợ công cho quá trình chuyển đổi. Họ hiểu rằng dù họ có làm gì thì thế giới vẫn phụ thuộc vào dầu, khí đốt và than đá. Vì vậy, họ đã ngừng đấu tranh công khai, thay vào đó là nỗ lực âm thầm. Nhu cầu thực sự quá lớn và không thể thay đổi được. Các công ty hóa thạch hiểu điều này và công khai ủng hộ các mục tiêu về khí hậu toàn cầu. Chủ tịch ExxonMobil Darren Woods đã gửi thư cho ông Donald Trump để kêu gọi tái gia nhập Hiệp định Paris (điều mà sau đó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã làm).
Le Monde: Cuối năm 2023 đã diễn ra một số vụ sáp nhập lớn trong lĩnh vực này (ExxonMobil thu mua Pioneer với giá 60 tỷ USD; Chevron thu mua Hess với giá 53 tỷ USD). Giáo sư nghĩ gì về vấn đề này?
Alain Naef: Việc sáp nhập cho thấy các công ty dầu mỏ và các cổ đông nhận thấy một tương lai tươi sáng cho dầu khí. Họ không ngại đầu tư vào các doanh nghiệp khác và phát triển. Chevron và ExxonMobil cho rằng họ vẫn còn nhiều năm tươi sáng phía trước để khai thác.
Le Monde: Theo giáo sư, tại sao các tập đoàn dầu mỏ lớn thường ủng hộ việc đánh thuế carbon?
Alain Naef: Trong một bài báo đăng gần đây trên Tờ Ecological Economics, tôi đã phân tích chi tiết lý do họ ủng hộ. Các tập đoàn dầu mỏ cho rằng điều này có thể tiêu diệt sự cạnh tranh từ than đá, vốn tạo ra nhiều CO2 hơn và sẽ phải chịu nhiều thuế carbon hơn. Là những tập đoàn lớn, họ thích những quy tắc rõ ràng và ổn định hơn thay vì những quy tắc mơ hồ và tốn kém. Và họ tin rằng có rất ít khả năng các loại thuế này sẽ được áp dụng ở cấp độ quốc tế, vì sẽ cần sự phối hợp giữa các quốc gia lớn như Trung Quốc, Mỹ và Nga. Những quốc gia này lại rất ít khả năng sẽ đồng ý thông qua thuế toàn cầu. Nhưng nếu thuế chỉ áp dụng trong nước thì sẽ không đem lại tác động đáng kể.
Le Monde: Một số nhà phân tích cho rằng số lượng đại diện của các tập đoàn dầu mỏ lớn chưa bao giờ đông như thế tại COP được tổ chức vào mùa thu năm nay tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Giáo sư có đồng tình với quan điểm này không? Những nhà vận động hành lang này đóng vai trò gì, họ có thực sự thành công trong việc gây ảnh hưởng đến các quyết định được đưa ra không?
Alain Naef: COP đã công bố một tuyên bố khá tham vọng về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Điều này khá bất ngờ khi xét đến mục tiêu của các doanh nghiệp dầu mỏ và của chủ tịch COP. Trước đây chủ tịch COP Sultan Al Jaber đã nói rằng không có cơ sở khoa học nào cho việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, tiếng nói của COP vẫn không thể đe dọa đến việc khai thác dầu dưới bất kỳ hình thức nào. Nó không chứa bất kỳ mục tiêu hoặc cơ chế thực thi cụ thể nào. Do đó, các doanh nghiệp hóa thạch dễ dàng công khai ủng hộ thỏa thuận này và sẽ không làm thay đổi doanh số bán dầu, khí đốt và than đá của họ.
Le Monde: Theo giáo sư, những biện pháp quản lý nào có thể giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hậu hóa thạch của những người khổng lồ này?
Alain Naef: Điều mà các công ty nhiên liệu hóa thạch lo ngại (và do đó có thể có hiệu quả) là hệ thống giới hạn và mua bán khí thải. Một ví dụ điển hình là Hệ thống Thương mại Phát thải Khí nhà kính Châu Âu. Mô hình châu Âu ban đầu không có nhiều tác dụng khi trần phát thải vẫn còn quá cao. Nhưng dần dần, với mức trần giảm và lượng khí thải ngày càng tăng, cơ chế này bắt đầu phát huy tác dụng. Và thực tế là các công ty dầu mỏ đang phản đối thuế carbon, cho thấy rõ ràng giải pháp nào trong hai giải pháp khiến họ lo sợ rủi ro lớn hơn cho doanh số bán hàng của mình (và do đó có tác động tích cực đối với tất cả những người khác trong việc giảm lượng khí thải carbon và biến đổi khí hậu). Một giải pháp khác, cũng của châu Âu, là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Đây là thuế đánh vào các sản phẩm nhập khẩu chưa bị đánh thuế carbon ở một quốc gia khác. Về lâu dài, loại thuế này có thể thúc đẩy tất cả các nước áp dụng thuế carbon. Nhưng vẫn cần phải có sự chấp thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đây là điều chưa thể đảm bảo.
Ý Thiên
Nguồn:Các doanh nghiệp dầu khí và nhà đầu tư nói gì về tương lai của họ? (petrotimes.vn)