Chuyển đổi số trong quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ thúc đẩy lộ trình phát triển ngành năng lượng bền vững ở Việt Nam.
Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa cam
kết mạnh mẽ về giảm mức phát thải thông qua chuyển dịch năng lượng. Hiện
Bộ Công Thương đang tập trung nhiều giải pháp chuyển đổi số trong ngành
năng lượng để thúc đẩy lộ trình phát triển năng lượng bền vững. Bà Ngô
Thúy Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) đã có
cuộc trao đổi với Báo Công Thương về nội dung này.
Xin bà giới thiệu tổng quan về hệ thống năng lượng Việt Nam cho đến thời điểm này ở 3 lĩnh vực chính là dầu khí, than và điện?
Hiện nay, tham gia trong ngành năng lượng
Việt Nam gồm có ba phân ngành chính là: Dầu khí, than, điện; ngoài ra
còn có các năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Trong đó, ngành dầu khí
được phân thành 3 khâu chính: Thượng nguồn (thăm dò khai thác dầu khí),
trung nguồn (vận chuyển), hạ nguồn (chế biến, phân phối dầu khí).
Bà Ngô Thúy Quỳnh – Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương)
Trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí có sự tham gia
của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các doanh nghiệp nước ngoài và
doanh nghiệp tư nhân trong nước; trong đó, thị trường khí tự nhiên vẫn
được nhà nước định hướng PVN/PVGas đóng vai trò điều tiết, phân phối thị
trường khí tự nhiên. Trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối sản phẩm
xăng dầu có sự tham gia của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), PVN
và nhiều doanh nghiệp đầu mối khác.
Đối với phân ngành than:
Trong lĩnh vực khai thác, chế biến và xuất nhập khẩu than có sự tham gia
của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công
ty Đông Bắc và các doanh nghiệp khác. Tại Việt Nam, phổ biến nhất
là than antraxit (than anthracite), tập trung ở Quảng Ninh với trữ
lượng hơn 3 tỉ tấn, chiếm khoảng 90% trữ lượng than cả nước. Ngoài
than antraxit, ở nước ta còn có than nâu phân bố ở Đồng bằng sông
Hồng và than bùn tập trung nhiều ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hàng năm, sản lượng khai thác than trong nước đạt khoảng trên 42-45
triệu tấn; sản lượng than nhập khẩu khoảng 46-63 triệu tấn (Úc,
Indonesia, Nam Phi…) và chủ yếu cung cấp cho các nhà máy điện.
Đối
với phân ngành điện lực: Trong lĩnh vực sản xuất điện có sự tham gia
của các tập đoàn kinh tế nhà nước như EVN, PVN, TKV, các doanh nghiệp tư
nhân, các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức BOT (Xây dựng – kinh
doanh – chuyển giao); IPP (dự án điện độc lập), PPP (theo hình thức đối
tác công-tư)…
Về điều độ, truyền tải và phân phối hiện nay
đang do EVN (các công ty trực thuộc) thực hiện; Về cơ cấu nguồn điện:
Việt Nam có nhiều nguồn cung cấp điện (nhiệt điện, thủy điện, điện gió,
điện mặt trời, điện sinh khối…) trong đó thủy điện (30%), nhiệt điện
than (29%), điện mặt trời (24%), điện khí (13%) là các nguồn cung cấp
điện chính. Hiện nay, sản lượng điện thương phẩm hàng năm gần đạt đạt
khoảng 220 tỷ kWh.
Tham gia trong ngành năng lượng Việt Nam gồm có ba phân ngành chính là: Dầu khí, than, điện; ngoài ra còn có các năng lượng mới và năng lượng tái tạo
Thực
hiện chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng theo Quyết
định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương
đã triển khai những nội dung gì và kết quả ra sao, thưa bà?
Theo
Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến
năm 2030, Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì triển
khai một số nhiệm vụ, giải pháp về Chuyển đổi số trong lĩnh vực năng
lượng (khoản 6 mục VIII Điều 1).
Thực hiện nhiệm vụ được giao
tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, ngày
29 tháng 4 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số
823/QĐ-BCT về Chương trình chuyển đổi số tại Bộ Công Thương giai đoạn
2022-2025 trong đó giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo là đơn vị đầu
mối thực hiện nhiệm vụ “xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi số
trong lĩnh vực năng lượng, trong đó ưu tiên tập trung cho ngành điện lực
hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng
điện một cách hiệu quả” trong năm 2022. Tuy nhiên sau khi đánh giá, Bộ Công Thương
nhận thấy nhiệm vụ này tương đối phức tạp cần thêm thời gian để nghiên
cứu do đó chưa đưa nhiệm vụ này vào Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Công
Thương năm 2022 (ban hành kèm Quyết định số 1582/QĐ-BCT ngày 8/8/2022).
Hiện
nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang xây dựng dự thảo Kế
hoạch chuyển đổi số của Bộ Công Thương năm 2023 (Văn bản 478/TMĐT-CPS
ngày 21/5/2023 xin ý kiến các đơn vị thuộc Bộ) để trình lãnh đạo Bộ xem
xét, phê duyệt, trong đó đề xuất giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo
thực hiện nhiệm vụ “xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi số trong
lĩnh vực năng lượng, trong đó ưu tiên tập trung cho ngành điện lực hướng
đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một
cách hiệu quả” trong năm 2023.
Trên cơ sở Kế hoạch chuyển đổi
số của Bộ Công Thương năm 2023 được lãnh đạo Bộ phê duyệt, Cục Điện lực
và Năng lượng tái tạo sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng,
trình lãnh đạo Bộ ra Quyết định ban hành kế hoạch chuyển đổi số trong
lĩnh vực năng lượng.
Ngoài ra, hiện nay các Tập đoàn/doanh nghiệp
trong lĩnh vực năng lượng như EVN, PVN, TKV, PVGAS… đang triển khai xây
dựng, hoàn thiện Đề án chuyển đổi số của từng doanh nghiệp. Các Đề án
này sẽ là cơ sở để Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tham khảo, xây
dựng kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng trình lãnh đạo Bộ
xem xét, phê duyệt.
Bên cạnh đó, cũng xuất phát từ Nghị quyết
số 50/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết
số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ
trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, Bộ Công Thương được
Chính phủ giao triển khai xây dựng “Đề án nâng cấp, đảm bảo an ninh năng
lượng các ngành, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ
tư” đưa ra định hướng, lộ trình,… áp dụng thành tựu CMCN 4.0 vào thực
tế các phân ngành điện, than, dầu khí.
Đề án này đã được Bộ
Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, các tập đoàn năng lượng xây dựng
và trình Thủ tướng Chính phủ vào ngày 29/11/2022; trên cơ sở chỉ đạo
của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Đề án vào ngày 10/3/2023,
Bộ Công Thương đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét,
phê duyệt. Theo đó, mục tiêu tổng quát được nêu ra đối với công tác
chuyển đổi số là: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin
chuyên ngành năng lượng được tổ chức khoa học thống nhất trong ngành
năng lượng, với một bộ cơ sở dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế, đầy đủ,
kịp thời, nhất quán, được cập nhật thường xuyên, được quản lý và vận
hành bởi đội ngũ nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp, dựa trên cơ sở hạ
tầng công nghệ thông tin hiện đại, nhằm đảm bảo đầu ra của hệ thống đủ
chất lượng để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu của các hoạt động quản lý nhà
nước của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đối với ngành năng lượng.
Trong
đó, mục tiêu đến năm 2025: Hoàn thiện đầu tư xây dựng hệ thống thông
tin chuyên ngành năng lượng gồm đầy đủ phân ngành năng lượng dầu khí,
than, điện và năng lượng tái tạo; các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong
lĩnh vực năng lượng thực hiện ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực quản lý
điều hành; số hóa đạt 70% dữ liệu và các quy trình nghiệp vụ và quy
trình sản xuất kinh doanh. Cơ bản hình thành hệ sinh thái số theo đặc
thù của ngành.
Mục tiêu đến năm 2030 là: Tiếp tục vận hành và
hoàn thiện hệ thống thông tin chuyên ngành năng lượng; các Tập đoàn,
doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực năng lượng hoàn thành 100% số hóa toàn
bộ dữ liệu và các quy trình nghiệp vụ trong điều hành sản xuất kinh
doanh. Ứng dụng công nghệ số nhằm tự động hóa quy trình sản xuất, quản
lý điều hành, bảo đảm nhanh chóng minh bạch, chính xác, an toàn. Hoàn
thiện mô hình kết nối trao đổi thông tin số với Chính phủ số và các
doanh nghiệp đơn vị có liên quan.
Việc thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp dầu khí và than hầu hết đều gặp khó khăn về nguồn lực tài chính và công nghệ…
Với
vai trò là cơ quan quản lý 2 ngành quan trọng là dầu khí và than, bà có
thể cho biết trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có chương trình, kế
hoạch gì để hỗ trợ cho 2 ngành này chuyển đổi số hiệu quả?
Đầu
tiên chúng ta phải xác định, việc thực hiện chuyển đổi số sẽ mang lại
lợi ích trực tiếp cho các cơ quan, doanh nghiệp trong việc quản lý, vận
hành và sản xuất kinh doanh… và chính các doanh nghiệp là người có vai
trò quan trọng nhất để thực hiện chuyển đổi số. Hiện nay, một số doanh
nghiệp trong lĩnh vực dầu khí và và than (PVN, PVGas, BSR, TKV….) đang
xây dựng Đề án chuyển đổi số của từng doanh nghiệp trên cơ sở đánh giá
nhu cầu và nguồn lực thực hiện. Theo đánh giá, việc thực hiện chuyển đổi
số tại các doanh nghiệp dầu khí và than hầu hết đều gặp khó khăn về
nguồn lực tài chính và công nghệ…
Với vai trò là cơ quan quản
lý chuyên ngành, Bộ Công Thương sẽ xem xét thực hiện các chương trình,
kế hoạch hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện chương trình, kế
hoạch nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí và than
thực hiện chuyển đổi số hiệu quả. Theo đó, một số chương trình, kế
hoạch mà Bộ Công Thương có thể thực hiện trong thời gian tới để khuyến
khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí và than thực hiện chuyển
đổi số như sau: Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại
Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020: Xây dựng và ban hành kế hoạch
chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng, trong đó ưu tiên tập trung cho
ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho
việc cung ứng điện một cách hiệu quả.
Hoàn thành và triển khai Đề án đảm bảo an ninh năng lượng
trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sau khi được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt; đồng bộ với các định hướng về khoa học công nghệ,
chuyển đổi số trong các Đề án Chiến lược phát triển, Quy hoạch ngành
quốc gia. Rà soát/sửa đổi/bổ sung các quy định pháp luật có liên quan;
phối hợp với các cơ quan chủ trì thực hiện công tác chuyển đổi số như Bộ
Thông tin và truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ để đề xuất các
chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy trong việc thực hiện các đề án
về chuyển đổi số, đồng bộ với chiến lược triển khai của chính phủ, các
cơ quan nhà nước. Xem xét xây dựng/đề xuất xuất dựng các cơ chế/chính
sách hỗ trợ các doanh nghiệp ngành năng lượng đẩy mạnh chuyển đổi số
(tài chính, vốn vay ưu đãi).
Cùng với đó, thúc đẩy hợp tác
quốc tế: tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn
về chuyển đổi số/khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ; Xây dựng kế
hoạch truyền thông về chuyển đổi số trong ngành dầu khí và than; Chương
trình hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo, tư vấn chuyển giao công nghệ
chuyển đổi số.
Ngoài ra, theo Nghị quyết số 50/NQ-CP về Chương
trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27
tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ
động tham gia cuộc CMCN 4.0, Bộ Thông tin và Truyền thông được phân công
xây dựng,
trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt “Đề án hỗ trợ các doanh
nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số phục vụ cho chuyển đổi số và
kinh tế số”. Trong quá trình xây dựng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ
Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ
trợ cụ thể.
Xin cảm ơn bà!
Lan Anh - Nguyễn Hòa
Nguồn:https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-tap-trung-cac-giai-phap-chuyen-doi-so-trong-nganh-nang-luong-256856.html