Bình Thuận: Nhiều dự án điện gió gặp khó vì vướng mỏ titan

Nhiều dự án điện gió ở tỉnh Bình Thuận nằm trên khu vực mỏ titan nên chưa được giao và cho thuê đất.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong vừa chủ trì buổi làm việc với một số Sở, ngành và đại diện Hiệp hội Điện gió và Mặt trời tỉnh tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai các dự án điện gió trong khu vực dự trữ khoáng sản titan.
Theo kiến nghị của Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận, hiện nay một số chủ đầu tư các dự án điện gió (đã được UBND tỉnh Bình Thuận cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư) đang hoàn thành các thủ tục đầu tư, hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành các dự án trước ngày 1/11/2021, nhằm hưởng chính sách giá điện theo quy định tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg.
Tuy nhiên, việc hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đất đai của một số dự án đang gặp vướng mắc do khu đất các dự án diện gió nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản titan nên chưa được xem xét, chấp thuận giao đất, cho thuê đất. 


Nhiều dự án điện gió tại tỉnh Bình Thuận nằm trên mỏ khoáng sản titan khiến chủ đầu tư không thể triển khai theo tiến độ. (Ảnh minh họa)

Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc để các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện hoàn thành thủ tục đầu tư, hoàn thành dự án. 
Trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư vận hành dự án, Chủ dầu tư cam kết thực hiện đúng quy định tại Nghị định 51 của Chính phủ, tuân thủ các quy định về bảo vệ tài nguyên khoảng sản, bảo đảm hoạt động đầu tư không ảnh hưởng đến dự trữ khoảng sản titan.
Tính đến tháng 1/2021, UBND tỉnh Bình Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án điện gió trên địa bàn. Trong số này, ghi nhận 2 dự án được Thủ tướng có văn bản cho phép đầu tư trong khu vực dự trữ titan.
Trường hợp đầu tiên là dự án điện gió Hòa Thắng 1.2 (công suất 100 MW, vốn đầu tư 4.736 tỉ đồng, đặt tại xã Hòa Thắng, thị trấn Chợ Lầu) do Công ty cổ phần Năng lượng Hòa Thắng (trực thuộc Vietracimex) làm chủ đầu tư. Dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 4/2017, điều chỉnh chủ trương vào tháng 1/2019.
Tương tự, dự án điện gió Thái Hòa (Hòa Thắng 4) có công suất 90 MW, tổng mức đầu tư 3.879 tỉ đồng, do Công ty cổ phần Năng lượng Pacific – Bình Thuận làm chủ đầu tư. Dự án được quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 4/2017, điều chỉnh chủ trương vào tháng 6/2019.
Qua kiến nghị của Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong yêu cầu các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn để Chủ đầu tư các dự án điện gió hoàn thành các thủ tục đầu tư, sớm đưa vào vận hành các dự án. 
Đồng thời, ông Lê Tuấn Phong giao Sở KH&ĐT phối hợp với Sở TN&MT rà soát lại quyết định chủ trương đầu tư của các dự án, hướng dẫn các Chủ đầu tư điều chỉnh thủ tục liên quan theo quy định của Nghị định 51. 
Đối với các nhóm dự án khác chồng lấn với khu vực dự trữ khoáng sản titan, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở TN&MT tiếp tục xin ý kiến Bộ TN&MT để có hướng dẫn cụ thể trong triển khai thực hiện.

Thanh Tùng

https://kinhtemoitruong.vn/binh-thuan-nhieu-du-an-dien-gio-gap-kho-vi-vuong-mo-titan-59775.html