Hoạt động bảo vệ môi trường của phụ nữ Đà Nẵng
Ô nhiễm môi trường trở thành mối lo của mỗi gia đình, mỗi con người và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương- Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại chương trình
Ở nhiều nước trên thế giới, việc phân loại và xử lý chất thải triệt để đã biến rác thành nguồn tài nguyên quan trọng. Ví dụ như Nhật Bản chỉ có 1% rác là thải ra môi trường, Singapore đã biến rác thành năng lượng sạch… Tại Việt Nam, câu chuyện xử lý chất thải vẫn là vấn đề nan giải ở nhiều địa phương. Rác chủ yếu xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt thủ công, vừa không tận dụng được nguồn tài nguyên quan trọng này, vừa tiêu tốn mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. Theo thống kê, hiện nay, lượng rác thải tại Việt Nam mỗi ngày lên tới khoảng 50.000 tấn, cả nước hiện nay còn tồn tại khoảng 900 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt không hợp vệ sinh mà đa phần tập trung ở khu vực nông thôn. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước và thiếu nước sạch vẫn chưa được cải thiện.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương- Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Mặc dù ở nước ta, sản xuất nông nghiệp vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn nhưng chúng ta vẫn chưa tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp để quay vòng vào sản xuất. Vẫn còn tới 35-70% phụ phẩm bị đốt bỏ gây ô nhiễm không khí. Lượng phụ phẩm nông nghiệp được dùng làm thức ăn cho gia súc chỉ chiếm dưới 29%, để ủ phân có 5%, sử dụng cho trồng trọt chiếm 4%; còn làm củi, trồng nấm, độn chuồng chiếm 7%...
Tham dự là các lãnh đạo và cán bộ chuyên trách Hội LHPN cấp tỉnh, huyện tại các điểm cầu thuộc 63 tỉnh, thành
Trong những năm qua, nhận thức được vai trò và trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, các cấp Hội đã có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực nhằm bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững: tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; phát hành tài liệu, xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường; tổ chức mit tinh, các sự kiện truyền thông, giao lưu, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, biểu dương các tập thể, cá nhân phụ nữ làm tốt công tác bảo vệ môi trường…
Đặc biệt, cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" do Hội phát động với các tiêu chí hướng tới cấp hộ gia đình và trực tiếp góp phần thực hiện góp phần tiêu chí về môi trường đã được Ban Chỉ đạo Trung ương đưa vào nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2016 tạo cơ chế tốt để phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội trong xây dựng nông thôn mới.
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Hội LHPN Việt Nam tham gia triển khai thực hiện một số nội dung, trong đó có bảo vệ môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới. Cụ thể tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho hội viên, phụ nữ và người dân trong việc thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải (phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, chất thải nhựa...) theo nguyên lý tuần hoàn; tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở Việt Nam; xây dựng cộng đồng dân cư không rác thải nhựa; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam; tăng tỷ lệ trồng hoa, cây xanh phân tán gắn với triển khai Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025; tập trung phát triển các mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; khu dân cư kiểu mẫu...
An Khê/ phunuvietnam.vn
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/tap-huan-ve-bao-ve-moi-truong-cho-can-bo-chuyen-trach-hoi-lhpn-63-tinh-thanh-20221114091417379.htm