Tăng cường các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó BĐKH

Dự án “Sáng kiến hành động khí hậu minh bạch tại Việt Nam” nhằm bước đầu hỗ trợ cho Việt Nam xây dựng công cụ đánh giá những nỗ lực của các ngành/lĩnh vực trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ứng phó với BĐKH.

Dự án “Sáng kiến hành động khí hậu minh bạch tại Việt Nam” nhằm bước đầu hỗ trợ cho Việt Nam xây dựng công cụ đánh giá những nỗ lực của các ngành/lĩnh vực trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vừa qua, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo “Sáng kiến hành động khí hậu minh bạch (ICAT) tại Việt Nam”. Sáng kiến hướng tới xây dựng phương pháp đánh giá những nỗ lực của các ngành/lĩnh vực trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thực tế, khi nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam tiến dần đến vị thế là nước có thu nhập cao, Việt Nam cũng cần phải giảm cường độ carbon. Việt Nam đã tăng lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người lên gấp 4 lần trong thế kỷ này lượng khí thải và đang duy trì tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Ô nhiễm liên quan đến khí thải này ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm năng suất; tình trạng cạn kiệt tài nguyên và các tác động của biến đổi khí hậu đã làm tổn hại đến thương mại và đầu tư.

Ước tính từ nay đến năm 2040, nhu cầu đầu tư thêm vào các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam có thể lên đến khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương khoảng 368 tỷ USD. 


Việt Nam đã tăng lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người lên gấp 4 lần trong thế kỷ này lượng khí thải và đang duy trì tốc độ nhanh nhất trên thế giới. 

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Dự án “Sáng kiến hành động khí hậu minh bạch tại Việt Nam” nhằm bước đầu hỗ trợ cho Việt Nam xây dựng Hệ thống Công khai minh bạch (MRV) quốc gia theo Khung tăng cường minh bạch (ETF) của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Được biết, Dự án do Cục Biến đổi khí hậu phối hợp cùng Liên Hiệp hội Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Đại học Kỹ thuật Đan Mạch, Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên Hợp Quốc (UNOPS) thực hiện. Dự án đã thí điểm nghiên cứu, tập trung vào lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp, thông qua chương trình tập huấn nâng cao năng lực về hệ thống MRV minh bạch.

Bên cạnh đó, cung cấp các phương pháp và công cụ để đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu giảm nhẹ khí nhà kính trong quá trình thực hiện Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hướng tới đáp ứng việc trao đổi những kết quả giảm nhẹ trên thị trường quốc tế.

Dự án được khởi động từ cuối năm 2019 và đến nay đã hoàn thành các mục tiêu. Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị tham gia dự án đã chia sẻ kết quả về đánh giá nhu cầu và khoảng trống trong hệ thống MRV lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp ở Việt Nam; đánh giá tác động của các hành động/chính sách ưu tiên về năng lượng mặt trời và năng lượng gió (đối với lĩnh vực năng lượng) và hệ thống canh tác lúa thâm canh, tưới khô ướt xen kẽ (đối với lĩnh vực nông nghiệp); nghiên cứu tính toán về tiềm năng trao đổi kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc tế thí điểm đối với lĩnh vực năng lượng pin mặt trời.

Theo ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng BIến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương), các hướng dẫn của ICAT có thể cung cấp phương pháp luận để đánh giá tác động của chính sách phát triển năng lượng tái tạo trên nhiều khía cạnh  kinh tế, tài chính. Qua đó, chỉ ra các rào cản cũng như tiềm năng đóng góp của năng lượng tái tạo đối với mục tiêu phát triển bền vững. Các đánh giá về mặt chính sách cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho các nhà hoạch định về các tác động của chính sách và hành động trong quá trình xây dựng chiến lược dài hạn.

Theo TS Karen Olsen, đại diện UNEP, kết quả nghiên cứu đã cho thấy, để đạt mục tiêu cân bằng phát thải (Net Zero) vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26, Việt Nam cần phải có sự nỗ lực và kết hợp của nhiều ngành/lĩnh vực. Phương pháp ICAT có triển vọng phù hợp cho việc đánh giá các chính sách/hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Việt Nam, đảm bảo đạt được yêu cầu của Thỏa thuận Paris.

Đây là những phương pháp mới phục vụ xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến minh bạch trong giảm phát thải, không chỉ tại Việt Nam mà có thể phổ biến trên phạm vi quốc tế. Trong giai đoạn 2022-2025, ICAT sẽ tăng cường hợp tác giữa các Bộ, ngành, hợp tác với mạng lưới khu vực về tính minh bạch trong hành động khí hậu; triển khai thêm các công cụ và phương pháp ICAT và tăng cường trao đổi thông tin giữa các Bên liên quan.

Việt Nam có thể đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 với chi phí thấp nhất khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo là nguồn thay thế chính cho nhiên liệu hóa thạch. Hệ thống điện cần đáp ứng 70% nhu cầu năng lượng vào năm 2050. Các nguồn năng lượng tái tạo chính là điện mặt trời (75%) và điện gió (21%).

Ngoài ra, theo Chiến lược quốc gia về Ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2050 vừa được phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Cụ thể, tổng phát thải carbon trong các lĩnh vực phát thải chủ yếu là năng lượng, nông nghiệp, chất thải, các quá trình công nghiệp chỉ còn khoảng 185 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ) – cân bằng với lượng hấp thụ carbon đạt được từ lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất.

Sắp tới, các quy định hướng dẫn về giảm phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính, hệ thống “đo đạc, báo cáo, thẩm định” hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thể chế hóa mô hình phát triển carbon thấp, kinh tế tuần hoàn; áp dụng hiệu quả các công cụ định giá carbon, cơ chế phối hợp liên vùng, liên ngành trong ứng phó với biến đổi khí hậu… sẽ dần được hoàn thiện. Bên cạnh đó, từng bước ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư giảm phát thải trong các lĩnh vực, chính sách thương mại và thúc đẩy phát triển bền vững; nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực và tránh gây hại cho môi trường…

Lan Anh