Tái chế pin mặt trời: Cơ hội lớn cho nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Theo TS Nguyễn Văn Hội, hiện nay rác thải từ pin mặt trời không phải là vấn đề đáng lo ngại. Với công nghệ hiện đại, hiệu suất tái chế có thể lên đến hơn 90%, giúp tận thu hoàn toàn lại rác thải này.

1 MWp thải ra gần 70 tấn phế thải

Theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, điện năng sản xuất từ điện mặt trời sẽ đạt khoảng 35,4 tỉ kWh vào năm 2030 và tăng lên 210 tỉ kWh vào năm 2050. Như vậy, để có được sản lượng điện mặt trời nêu trên thì công suất lắp đặt điện mặt trời đến năm 2030 là khoảng 29.000 MWp và tăng lên 170.000 MWp vào năm 2050.

Theo số liệu từ Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), trung bình một nguồn điện mặt trời công suất 1 MWp sẽ thải ra gần 70 tấn phế thải sau khoảng 20 - 25 năm kể từ ngày nguồn bắt đầu phát điện. Như vậy, theo dự báo, lượng phế thải từ các tấm pin mặt trời này có thể lên đến hàng triệu tấn.

TS Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, nếu so sánh với các nước dẫn đầu về điện mặt trời trên thế giới thì khối lượng chất thải tấm pin mặt trời tại Việt Nam khá nhỏ. Còn nếu so sánh với nhiệt điện than thì chất thải tấm pin mặt trời bằng khoảng 11% lượng tro xỉ nhiệt điện than ở Việt Nam hiện nay (khoảng 17 triệu tấn).

“Cho đến nay, Việt Nam chưa có cơ chế, chính sách cụ thể nào về chất thải pin mặt trời. Tuy nhiên, chất thải từ tấm pin mặt trời chưa chứng minh được là độc hại đến môi trường. Các nước dẫn đầu về năng lượng mặt trời hầu như vẫn chưa có cơ chế, chính sách về tái chế trừ một số nước thuộc châu Âu. Việc chậm ban hành các chính sách của các nước trên thế giới có thể do vấn đề rác thải từ tấm pin mặt trời chưa cấp bách”, TS Hội thông tin.

Phát biểu tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về tái chế pin năng lượng mặt trời, áp dụng đối với Việt Nam” được tổ chức mới đây, TS Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho rằng, với tốc độ phát triển điện mặt trời ngày càng nhanh thì lượng pin năng lượng thải ra sẽ ngày một lớn, thực tiễn đặt ra vấn đề cần nghiên cứu, phát triển các công nghệ thu gom, xử lý và tái chế cũng như ban hành các cơ chế chính sách phù hợp đối với pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam nhằm giảm gánh chịu những hậu quả từ ô nhiễm môi trường.

Ở khu vực châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước đi trước Việt Nam về phát triển năng lượng mặt trời. Ở Hàn Quốc, năm 2017 Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng đã thành lập một cơ sở tái chế chất thải mô đun PV ở phía bắc tỉnh Chung cheong.

Ở Mỹ và Malaysia đã thành lập các nhà máy First Solar sử dụng phương pháp tái chế với tỷ lệ thu hồi 95% cho Cd và 90% đối với thủy tinh.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khẳng định tấm thu năng lượng mặt trời có tỉ lệ tái chế rất cao. Trong đó, vật liệu thu hồi có giá trị lớn nhất là Bạc (Ag), tuy trọng lượng không nhiều nhưng tỷ lệ trong giá thành là trên 50%. Vì vậy, cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể đưa ra những chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế tấm thu năng lượng mặt trời ở Việt Nam.  

Trên thực tế, các nhà máy điện mặt trời là các nhà máy điện sạch vì nhiên liệu là nguồn năng lượng mặt trời, vận hành không phát thải bất kỳ khí hay bụi nào, không có tiếng ồn,… Một lượng nhỏ nước thải chỉ là nước lau rửa định kỳ bụi bám trên bề mặt các tấm pin mặt trời, là bụi vốn có trong không khí. Và các nhà máy điện mặt trời chỉ “thải” ra các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng sau khi các nhà máy ngừng hoạt động.

Tái chế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn

Theo TS Nguyễn Văn Hội, điện mặt trời là xu hướng tất yếu của ngành năng lượng Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có công nghệ xử lý hiệu quả các tấm pin năng lượng mặt trời, với phương thức tương tự như thiết bị điện, điện tử hiện nay. Do vậy, rác thải từ pin mặt trời không phải là vấn đề đáng lo ngại. Với công nghệ hiện đại, hiệu suất tái chế có thể lên đến hơn 90%, giúp tận thu hoàn toàn lại rác thải này.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phần lớn các vật liệu cấu thành tấm pin là không độc hại và hơn nữa có thể xử lý, tái chế và thu hồi trên 85% khối lượng của chúng để sử dụng lại cho sản xuất tấm pin mặt trời mới, vừa không tạo ra phế thải gây ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng rất lớn và quý báu.

Chia sẻ về kinh nghiệm xử lý, tái chế tấm pin năng lượng mặt trời của các nước trên thế giới, ông Đào Trần Nhân, đại diện Hiệp hội Thông tin tư vấn Kinh tế Thương mại cho biết tại Thụy Sỹ, Chính phủ nước này nêu bật vai trò của nhà đầu tư và công ty chuyên xử lý môi trường trong việc tái chế pin năng lượng mặt trời. Đối với các tấm pin mặt trời đã hết tuổi thọ, nước này sẽ tận dụng những vật tư, linh kiện còn giá trị sử dụng và tiêu hủy những vật tư không còn giá trị sử dụng. Dùng các tấm pin điện mặt trời làm nguồn nguyên liệu chế tạo pin xe điện như ô tô, xe máy… pin mặt trời hết hạn sử dụng.

Từ thực tiễn trên, các chuyên gia đều nhận định, đối với Việt Nam, khối lượng chất thải từ tấm pin mặt trời tuy khá nhỏ so với các nước dẫn đầu, tuy nhiên để đảm bảo phát triển bền vững, Nhà nước cần sớm nghiên cứu để có chính sách cơ chế phù hợp liên quan tới thu nhận và xử lý rác thải từ pin mặt trời. Ở góc độ kinh tế tuần hoàn thì đây có thể trở thành cơ hội cho Việt Nam phát triển công nghiệp tái chế pin mặt trời trong tương lai.

Ông Trần Đình Sính, Cố vấn kỹ thuật của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho hay, thành phần vật liệu tái chế tấm pin mặt trời đối với nhóm Silic, phần lớn là kính (76%), sau đó đến nhựa (khoảng 10%), nhôm (8%)... Về công nghệ tái chế, loại Silic được tháo ra, 95% phần kính và 100% kim loại được tái sử dụng. Phần còn lại được xử lý nhiệt và qua một quá trình xử lý, khoảng 80% module và 85% Silicon được tái sử dụng.

Điện mặt trời nếu xử lý tốt sẽ không đáng lo ngại. Tất cả các tấm pin đều có thể tái chế, tận dụng gần như toàn bộ, từ silicon, pin, kính... Quan trọng là trách nhiệm, kinh phí dự trữ để tái chế, không để hình thành bãi thải khổng lồ, tạo gánh nặng cho xã hội.

Lan Anh

https://kinhtemoitruong.vn/tai-che-pin-mat-troi-co-hoi-lon-cho-nen-kinh-te-tuan-hoan-o-viet-nam-56145.html