Quy hoạch điện VIII: Chính phủ yêu cầu rà soát điện mặt trời, khí LNG

Bộ Công Thương được yêu cầu rà soát, đánh giá về sự phù hợp quy hoạch phát triển các nguồn điện, quy mô công suất nguồn điện quy hoạch so với định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiếp tục rà soát Quy hoạch điện VIII

Đây là chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi làm việc với Bộ Công Thương về hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo yêu cầu tại Văn bản số 2925/VPCP-CN ngày 11/5/2022.

Trong đó, Bộ Công Thương được yêu cầu rà soát, đánh giá về sự phù hợp quy hoạch phát triển các nguồn điện, quy mô công suất nguồn điện quy hoạch so với định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trên cơ sở nội dung Đề án Quy hoạch điện VIII hoàn thiện tại Tờ trình số 2279/TTr-BCT và báo cáo các nội dung theo yêu cầu tại Văn bản 2925/VPCP-CN nêu trên, Bộ Công Thương đề xuất các nội dung xin ý kiến Thường trực Chính phủ thông qua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/5/2022.

Thông báo của Phó Thủ tướng nêu rõ, báo cáo của Bộ Công Thương tại buổi làm việc đã cơ bản làm rõ được số liệu về công suất điện mặt trời chưa vận hành nêu tại Tờ trình số 2279/TTr-BCT ngày 29/4/2022. Tuy nhiên, theo yêu cầu nêu tại Văn bản 2925/VPCP-CN ngày 11/5/2022, đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục làm rõ thêm về số liệu các dự án điện mặt trời đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành, đã được giao đất, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng; trên cơ sở đó có đánh giá tác động cụ thể và đề xuất các giải pháp.


Bộ Công Thương được yêu cầu rà soát, đánh giá về sự phù hợp quy hoạch phát triển các nguồn điện, quy mô công suất nguồn điện quy hoạch. (Ảnh minh họa
)

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần làm rõ thêm tính khả thi, hiệu quả trong việc phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng (thủy điện tích năng, pin lưu trữ…) đối với nguồn điện mặt trời trong các thời kỳ quy hoạch, đặc biệt là tới năm 2030; lưu ý số liệu phải cụ thể, chính xác và có trích dẫn nguồn số liệu cụ thể, kinh nghiệm các nước…

Tiếp đó, Bộ Công Thương cũng được yêu cầu phân tích hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của Đề án Quy hoạch điện VIII được hoàn thiện theo Tờ trình số 2279/TTr-BCT so với nội dung tại Tờ trình 1682/TTr-BCT ngày 26/3/2021. Trong đó phân tích kỹ các nội dung đạt được đến năm 2030 về giảm quy mô công suất nguồn điện quy hoạch (từ trên 180.000 MW xuống còn 146.000 MW), cơ cấu nguồn điện và số liệu phân bổ nguồn điện giữa các vùng miền hợp lý hơn, giảm đường dây truyền tải điện, giảm chi phí đầu tư nguồn và lưới điện truyền tải…

Đối với vấn đề điện khí LNG, lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương làm rõ số liệu quy hoạch điện khí LNG đã giảm so với phương án trình tháng 3/2021 như thế nào? Đồng thời, phân tích kỹ về tính khả thi, hiệu quả của Quy hoạch phát triển nguồn điện khí LNG đến năm 2030 đối với kịch bản cao điều hành (dự kiến quy mô công suất là 23.900 MW), trong đó cần báo cáo rõ về khó khăn, vướng mắc cụ thể trong triển khai một số dự án nguồn điện khí LNG thời gian qua, giải pháp thời gian tới; đánh giá hiệu quả của nguồn điện khí LNG gắn với phân tích về giá khí, giá điện khí LNG, so sánh với giá điện từ một số nguồn điện khác.

Bên cạnh đó, cần đánh giá về an ninh năng lượng khi phát triển điện khí LNG theo kịch bản cao điều hành trong bối cảnh có thể xảy ra những vấn đề địa chính trí, địa kinh tế trên thế giới dẫn tới khả năng thiếu hụt nguồn khí hoặc giá khí LNG tăng rất cao…

Trước đó, văn bản số 2925/VPCP-CN thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng Chính phủ về đề nghị Bộ Công Thương làm rõ một số nội dung và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 14/5/2022.Theo đó, Bộ Công Thương được đề nghị rà soát, báo cáo rõ tình trạng triển khai các Dự án điện mặt trời trong phần công suất điện mặt trời chưa vận hành được đề cập tại Tờ trình số 2279/TTr-BCT ngày 29/4/2022 về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch điện VIII.

Cụ thể là, báo cáo rõ quy mô công suất đã được đầu tư xây dựng song chưa đưa vào vận hành, quy mô công suất đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và phần quy mô công suất chưa được quyết định chủ trương đầu tư.

Đánh giá về sự phù hợp và tác động của việc giãn tiến độ quy hoạch điện mặt trời ra giai đoạn sau năm 2030, trong đó bổ sung phân tích về xu hướng phát triển công nghệ điện mặt trời, hệ thống lưu trữ năng lượng… Ngoài ra, đề nghị nghị làm rõ tính khả thi, hiệu quả, an ninh năng lượng khi thực hiện phát triển các nguồn điện khí sử dụng LNG nhập khẩu đến năm 2030 theo kịch bản phụ tải cao phục vụ điều hành (dự kiến quy mô công suất là 23.900 MW)

Điện mặt trời, điện gió nhiều, tại sao Việt Nam vẫn có nguy cơ thiếu điện?


Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, đến cuối năm 2020 có 175 dự án điện mặt trời với tổng công suất đặt 14.891 MW đã được bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Trong đó, 58 dự án do Thủ tướng quyết định bổ sung, tổng công suất đặt gần 10.700 MW; Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch 117 dự án, tổng công suất trên 4.220 MW.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) gần 20.700MW đến cuối năm 2021, chiếm gần 30% tổng công suất đặt nguồn điện. 4 tháng đầu năm, loại năng lượng này được huy động gần 13,2 tỷ kWh, chiếm 15,4% lượng điện sản xuất toàn hệ thống. 70% số này là nguồn từ điện mặt trời và 30% từ điện gió.

Mặc dù tỷ trọng công suất và huy động điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã cao hơn nhiều trước đây; điện gió, mặt trời chiếm gần 1/3 công suất, phát hơn 15% sản lượng điện, nhưng Việt Nam vẫn có nguy cơ thiếu điện, nhất là vào cao điểm nắng nóng.

Nhận định về những thách thức của ngành năng lượng phải đối mặt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn cho rằng, du lịch và dịch vụ đang phục hồi, chuỗi sản xuất công nghiệp cũng sẽ phục hồi, do đó cần đưa ra kịch bản tăng trưởng điện năng 8 - 12% vào cuối năm 2022, khi tất cả dịch vụ, sản xuất hoạt động hoàn toàn bình thường. Trong khi đó, chuỗi dự án năng lượng tái tạo đa phần tập trung ở miền Trung, trong khi nền tảng truyền tải chưa đáp ứng được nhu cầu đủ từ miền Trung ra miền Bắc.

Đáng lo ngại, việc sản xuất than, dầu khí nội địa khó khăn, chi phí đắt đỏ, thị trường quốc tế giá cao, DN có nhiều lựa chọn nên thường chọn xuất khẩu. Do đó, nếu không có vai trò nhà nước ở đây sẽ không thể kiểm soát được chi phí sản xuất điện. “Việc thiếu nguồn năng lượng sơ cấp hy vọng sẽ được giải quyết trong ngắn hạn, khi EVN và Bộ Công Thương phối hợp giải quyết, nhưng về dài hạn, nguy cơ thiếu là khá lớn” - ông Hà Đăng Sơn dự báo.

Liên quan đến vấn đề này, theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, tính đến hết quý I/2022, năng lượng điện đã tăng trưởng 7,3%, gần gấp đôi so với năm 2020 nhưng do biến động thời tiết nên tăng trưởng tháng 4/2022 thấp (6,3%) so với quý I/2022.

Mặc dù công suất sản xuất năng lượng tái tạo của Việt Nam đứng đầu ASEAN, nhưng khi thời tiết biến động đã bị ảnh hưởng. Có nhiều ngày mặt trời hay gió không phát huy được. Chẳng hạn như ngày 19/3, thời điểm này toàn quốc không có gió, chỉ có 15 MW được phát trên hệ thống điện. Đây là những tính chất đặc biệt và bất định của năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió. Tuy nhiên, cần khẳng định thời gian qua, năng lượng tái tạo vẫn đóng vai trò chủ chốt trong đảm bảo nguồn cung điện trong nước.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là việc giá nhiên liệu đang tăng, giá xăng dầu cũng biến động, giá khí cũng tăng, nên chi phí đầu vào đang là vấn đề rất thách thức của EVN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, phương thức vận hành hệ thống điện đã và đang chuyển đổi mạnh nên nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt càng ngày càng cao khiến công suất tiêu thụ điện lập kỷ lục mới. Hay nói cách khác, thành phần sinh hoạt đang quyết định giờ cao điểm tiêu thụ điện năng.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm vẫn là giải pháp bền vững

Từ góc độ quản lý nhà nước, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu tiết kiệm năng lượng đề ra trong Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, phải triển khai mạnh mẽ các giáp pháp từ trung ương đến địa phương. Trong đó có việc đẩy mạnh thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Cùng với đó là giải pháp tài chính để hỗ trợ các dự án đầu tư công nghệ, thay thế dây chuyền thiết bị công nghệ, hiệu quả năng lượng cao. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua tuyên truyền, nâng cao năng lực, trình độ thông qua hoạt động đào tạo cho các đơn vị sử dụng năng lượng,... thúc đẩy mô hình phát triển thị trường năng lượng.

Lan Anh

https://kinhtemoitruong.vn/quy-hoach-dien-viii-chinh-phu-yeu-cau-ra-soat-dien-mat-troi-khi-lng-67270.html