Phát triển kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu

Định hướng phát triển theo mô hình kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững là nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021-2030 đảm bảo phù hợp và liên kết chặt chẽ với các vùng kinh tế trọng điểm.

Phát triển kinh tế xanh

Ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nhấn mạnh, công tác lập quy hoạch tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 phải đảm bảo phù hợp và liên kết chặt chẽ với quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL, các vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời phù hợp định hướng phát triển theo mô hình kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững.

Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu sẽ là vùng phát triển nông nghiệp lúa chuyên canh, nông nghiệp đô thị và đánh bắt nuôi trồng thủy sản tập trung. Nơi này cũng sẽ là vùng bảo vệ rừng ngập mặn và sự đa dạng sinh học; vùng phát triển du lịch sinh thái biển, du lịch văn hóa lịch sử đặc trưng của vùng sông nước ĐBSCL.

Ngành nông nghiệp hiện đóng vai trò chủ đạo trong kinh tế của địa phương với trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất. Năm 2019, diện tích canh tác lúa đạt 98.333 ha, diện tích gieo trồng 189.154 ha, tổng sản lượng lúa ước đạt 1.143.234 tấn. Bạc Liêu tiếp tục tổ chức thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên từng sản phẩm, nhất là phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, kết hợp chăn nuôi theo hướng trang trại, hiệu quả, vùng sản xuất giống lúa, vùng rau an toàn, chất lương cao, đảm bảo ổn định trồng trọt và chăn nuôi. Phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp tăng 4,5% trở lên. Đặc biệt, với lợi thế có đường bờ biển dài, thuận lợi cho phát triển nghề nuôi trồng thủy sản xuất khẩu (tôm sú, thẻ) tạo nguồn lực kinh tế - xã hội dồi dào cho địa phương.

Với chủ trương hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được áp dụng như: Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi thâm canh tôm sú và tôm thẻ chân trắng bền vững theo hướng VietGAP và “Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển bền vững mô hình tôm - lúa ở ĐBSCL”. Bạc Liêu đang triển khai xây dựng Đề án “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”, đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. 

Đột phá phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch

Là tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu có bờ biển dài 56 km với bãi bồi rộng và tương đối bằng phẳng. Vùng ven biển Bạc Liêu có gió mạnh và khá ổn định, tốc độ gió bình quân là 7 m/s. Đây cũng là tỉnh hầu như quanh năm có nắng, tổng số giờ nắng trong năm khoảng 2.200-2.700 giờ, cường độ bức xạ đạt trên 4,8 kWh/m2/ngày, lại rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, sóng thần, động đất. Đây là những lợi thế rất lớn để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.

Bạc Liêu xác định năng lượng tái tạo cùng điện khí là một trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và quyết tâm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như của cả nước. Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn liền tăng trưởng xanh, bền vững, Bạc Liêu xem năng lượng sạch là một trong các lĩnh vực cần ưu tiên phát triển hàng đầu, đồng thời tạo nhiều điều kiện để “xanh hóa” con đường phát triển của tỉnh.

Có thể nói Bạc Liêu là tỉnh đi đầu của vùng ĐBSCL về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nói không với nhiệt điện gây ảnh hưởng môi trường sinh thái. Theo Quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2030 tại Quyết định số 1403/QĐ-BCT ngày 11/4/2016, thì tổng công suất tiềm năng về điện gió của tỉnh lên đến 3.500 MW. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, với quy mô công suất 99,2 MW, gồm 62 trụ turbine, công suất mỗi trụ 1,6 MW, tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỉ đồng, đã phát điện lên lưới Quốc gia gần 800 triệu kWh và đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 3 (công suất 142 MW); các Nhà máy điện gió Đông Hải 1, Đông Hải 2 và Hòa Bình 1 (công suất 50 MW/Nhà máy); đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện; cùng với 17 dự án điện gió khác, với tổng công suất gần 3.000 MW đang trình bổ sung quy hoạch. Bạc Liêu đã đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, chọn năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển hàng đầu.


Nhà máy điện gió Bạc Liêu. 

Đặc biệt, Bạc Liêu đã thu hút được Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu với quy mô công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD, đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung toàn bộ công suất 3.200 MW vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia.

Để theo kịp xu hướng phát triển chung của thế giới và trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa vào năm 2020, việc lựa chọn và hướng tới xây dựng mô hình phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam là cần thiết. Với lợi thế rất lớn về phát triển điện gió, điện mặt trời, Bạc Liêu có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế xanh.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo dự báo của các nhà khoa học, Bạc Liêu là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Dự đoán từ nay đến năm 2050, khi mực nước biển tăng từ 22 - 30 cm thì toàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 180.110 ha bị ngập (chiếm 69,43% tổng diện tích tự nhiên). Kéo theo đó là tình trạng xâm nhập mặn sẽ tác động tiêu cực đến phát triển sản xuất và cuộc sống của người dân.

Bạc Liêu chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. 

Là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, tuy nhiên, tỉnh đã nhạy bén, chủ động biến những thách thức của BĐKH thành những cơ hội để giảm thiểu và thích ứng dựa trên nguyên tắc giải quyết hài hòa, tính hiệu quả, phù hợp với diễn biến của thiên nhiên được đặt lên hàng đầu.

Để ứng phó với BĐKH, Bạc Liêu cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho nhân dân về ứng phó với BĐKH bằng nhiều hình thức đa dạng như treo băng-rôn, dán áp-phích, tuyên truyền trên báo, đài.

Cùng với công tác này là tiến hành lập kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu trữ, trung chuyển chất thải nguy hại trên địa bàn; tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí thông qua chương trình quan trắc môi trường tỉnh hàng năm; quản lý chặt chẽ mọi nguồn chất thải, nhất là chất thải nguy hại trong sản xuất - kinh doanh.

Song song đó, cần xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, chủ động sống chung với hạn mặn; chủ động từ khâu sản xuất giống, thâm canh, chế biến, bảo quản và phân phối các sản phẩm nông - lâm - thủy sản, tạo chuỗi giá trị khép kín. Chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đa dạng, quy mô lớn, hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ, sáng tạo ra nhiều mô hình mới đặc sắc trong nền nông nghiệp thích ứng với BĐKH. Khuyến khích và hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất sản phẩm sinh thái và phát triển các loại hình tái chế, tái chế chất thải; đẩy mạnh phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn.

Cùng với giải pháp hóa giải để thích nghi, cần phải căn cứ vào kịch bản đưa ra do BĐKH, nhất là kịch bản nước biển dâng để có những tính toán đầy đủ và phương án quy hoạch phù hợp đối với hoạt động sản xuất của các ngành, lĩnh vực, phân bố dân cư và chuyển đổi phát triển kinh tế theo cơ cấu ngành và cơ cấu lãnh thổ phù hợp. Trong quy hoạch và xây dựng chính sách, cần lồng ghép yếu tố BĐKH, khai thác tài nguyên nước để có biện pháp chủ động ứng phó phù hợp với những ảnh hưởng của BĐKH đối với từng ngành, lĩnh vực và từng vùng phù hợp với thực tiễn đang và sẽ diễn ra.

Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là xu thế phát triển chung của thế giới. Đối với tỉnh Bạc Liêu đã xác định phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là một trong bốn trụ cột phát triển của tỉnh. Trong thời gian tới, Bạc Liêu sẽ làm hết sức mình để trụ cột này phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của tỉnh, kết hợp với nguồn ngoại lực từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư để xây dựng Bạc Liêu phát triển bền vững, sớm trở thành "viên ngọc xanh trên bờ biển phía Nam đất nước" như kết luận chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ đối với Bạc Liêu.

Theo Thanh Thúy KTMT