Phát triển kinh tế biển xanh - Định hướng cần thiết để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

Biển và hải đảo là không gian phát triển nhiều hoạt động kinh tế - xã hội quan trọng. Để bảo đảm biển và đại dương có khả năng cung cấp các nguồn tài nguyên tái tạo cùng với các dịch vụ môi trường và hệ sinh thái nhằm thỏa mãn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, không ngừng cải thiện cuộc sống của con người, cần một cách tiếp cận mới, bền vững là phát triển kinh tế biển xanh.

Nhà máy Điện gió Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) - nguồn cung cấp năng lượng sạch và góp phần bảo vệ môi trường_Ảnh: TTXVN

Đến nay vẫn chưa có định nghĩa thống nhất về kinh tế biển xanh. Theo Ngân hàng thế giới (WB), kinh tế biển xanh là nền kinh tế sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế, cải thiện sinh kế và việc làm, cũng như “sức khỏe” hệ sinh thái biển. Theo Tổ chức Đối tác quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA), kinh tế biển xanh là mô hình kinh tế sử dụng hạ tầng và công nghệ xanh, các cơ chế tài chính sáng tạo và sắp xếp thể chế chủ động để đạt được hai mục tiêu bảo vệ biển, vùng bờ biển và tăng cường khả năng của chúng trong việc đóng góp vào phát triển bền vững, bao gồm cải thiện phúc lợi của con người, giảm các rủi ro môi trường và thiếu hụt sinh thái.
Kinh tế biển xanh thực chất là nền kinh tế xanh áp dụng cho biển và hải đảo. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng, có một sự khác biệt trong cách tiếp cận và thứ tự ưu tiên giữa kinh tế xanh và kinh tế biển xanh. Trong nền kinh tế xanh trên đất liền, mặc dù công tác bảo tồn cần được ưu tiên, nhưng việc bảo tồn mang một sắc thái khác. Ví dụ, bảo tồn các loài động vật hoang dã chủ yếu để bảo tồn nguồn gen và tạo dựng một môi trường trong sạch, an toàn cho con người; nhưng dưới biển, ngoài mục đích bảo tồn nguồn gen, việc bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản lại có ý nghĩa bảo tồn cả sinh kế, thu nhập và an ninh lương thực của người dân. Do vậy, cách tiếp cận quản lý tổng hợp toàn bộ hệ sinh thái, bao gồm cả các lưu vực sông và các vùng biển liên quan, với sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành, các bên liên quan khác, như doanh nghiệp và người dân cần được áp dụng ở biển và hải đảo.

Kinh tế biển xanh bao gồm tất cả các ngành kinh tế biển truyền thống nhưng với cách tiếp cận mới, bền vững, như đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, phát triển vùng bờ biển (xây dựng các đô thị, các khu dân cư tập trung, các khu chức năng, nghỉ dưỡng, các đặc khu kinh tế và các hoạt động phát triển khác), năng lượng tái tạo, cảng biển và vận tải thủy, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản đáy biển (đặc biệt là dầu, khí), công nghiệp ven biển, công nghệ sinh học biển, du lịch biển và vùng bờ biển, nghiên cứu và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin về kinh tế - xã hội, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.


Du khách tham quan và chèo thuyền kayak trên vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh_Nguồn: Sách ảnh Quảng Ninh 30 năm đổi mới cùng đất nước 

Cơ hội và thách thức trong phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9-2-2007, của Hội nghị Trung ương 4 khóa X, “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, kinh tế biển và vùng bờ biển của Việt Nam có những thay đổi vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu. Tất cả các ngành kinh tế biển đều có những bước tăng trưởng, đóng góp ngày càng tăng vào bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Đạt được những thành tựu đó là do:

Thứ nhất, nhận thức về tầm quan trọng của biển và hải đảo, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và phát triển bền vững kinh tế biển ngày càng được nâng cao trong các cấp lãnh đạo và nhân dân.

Thứ hai, Việt Nam đã có cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo, có nhiều lực lượng tham gia quản lý biển. Đội ngũ cán bộ quản lý biển từ Trung ương tới địa phương có năng lực quản lý tổng hợp biển và hải đảo ngày càng nâng cao; có khả năng triển khai một cách hiệu quả công tác quản lý tổng hợp về biển và hải đảo, hỗ trợ phát triển kinh tế biển xanh.

Thứ ba, phương thức quản lý tổng hợp biển và hải đảo được thể chế hóa bằng luật và các văn bản dưới luật, mặc dù còn những hạn chế nhưng đang được triển khai thực hiện một cách đồng bộ trên toàn bộ 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển của nước ta. Cơ chế quản lý tài nguyên và môi trường, quản lý kinh tế ngày càng minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tham gia vào quá trình quản lý và phát triển kinh tế biển.

Thứ tư, Việt Nam là thành viên của nhiều chương trình, tổ chức quốc tế về quản lý tài nguyên môi trường và phát triển kinh tế biển; được hỗ trợ phát triển kinh tế biển xanh.

Kinh tế biển Việt Nam mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức cho phát triển kinh tế biển xanh của nước ta:

Một là, do chậm quy hoạch không gian biển nên việc bố trí các không gian bảo vệ, bảo tồn và không gian phát triển chưa rõ ràng. Vì vậy, tài nguyên, không gian biển và hải đảo đang bị xâm phạm và sử dụng thiếu hiệu quả.

Hai là, hiểu biết về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên, môi trường còn yếu kém làm suy giảm hiệu lực của các quy định pháp luật, dẫn đến suy thoái tài nguyên trên diện rộng. Một phần nguyên nhân là do năng lực quản lý và phát triển kinh tế biển xanh còn hạn chế; hệ thống giám sát thực thi pháp luật chưa đủ mạnh; chưa lôi cuốn được người dân tham gia vào việc giám sát thực thi các quy định pháp luật và chính sách về bảo vệ, bảo tồn tài nguyên, môi trường biển.

Ba là, diện tích bảo tồn biển ít, tiến độ triển khai công tác bảo tồn biển chậm và việc quản lý các khu bảo tồn biển nói chung chưa hiệu quả, dẫn tới việc người dân vào đánh bắt trái phép ngay trong phạm vi khu bảo tồn biển.

Bốn là, hệ sinh thái và sinh cảnh biển quan trọng, như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển bị suy thoái nghiêm trọng, thậm chí bị tàn phá. Các hoạt động đánh, bắt thủy sản bằng các hình thức hủy diệt, như dùng lưới mắt nhỏ, giã cào, đèn cao áp, thuốc nổ, xyanua… vẫn còn khá phổ biến, dẫn tới đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường diễn ra trên diện rộng.

Năm là, chưa có mô hình thật sự phù hợp quản lý tổng hợp biển và hải đảo. Các kiến thức về quản lý tổng hợp biển và hải đảo của Việt Nam chủ yếu học tập từ nước ngoài; do vậy, khi áp dụng vào điều kiện Việt Nam để xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật còn có những bất cập. Hệ quả của điều này là chưa xây dựng được cơ chế và chưa thu hút được tất cả các bên liên quan, đặc biệt là người dân tham gia vào quá trình quản lý biển. Sự phối hợp từ Trung ương đến các địa phương, giữa các chủ thể quản lý, phát triển biển vẫn chưa nhịp nhàng.

Giải pháp phát triển kinh tế biển xanh của Việt Nam

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật và mô hình quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Để bảo đảm phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững, phù hợp với tiềm năng phát triển kinh tế biển của Việt Nam cần áp dụng phương thức quản lý mới, phương thức quản lý tổng hợp biển và hải đảo theo cách tiếp cận hệ sinh thái hướng tới phát triển một nền kinh tế biển xanh hài hòa lợi ích kinh tế từ các hoạt động kinh tế ngành, khai thác, sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn, bảo vệ tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển. Để đạt được mục tiêu này cần: 1- Sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển, vùng biển và hải đảo và các văn bản dưới luật có liên quan phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam và quốc tế về phát triển kinh tế biển xanh bền vững; 2- Xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Quy hoạch không gian biển, trong đó, phân tích kỹ các chức năng của từng vùng biển và hải đảo để bảo đảm khai thác hiệu quả, có lợi nhất một số chức năng quan trọng trong giới hạn không làm ảnh hưởng tới các chức năng khác và dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, suy thoái, ô nhiễm môi trường, phá hủy các hệ sinh thái biển; 3- Nghiên cứu, xây dựng các mô hình quản lý tổng hợp biển và hải đảo, đặc biệt là quản lý tổng hợp vùng bờ. Trong các mô hình này, phải bảo đảm sự điều phối, phối hợp chặt chẽ của tất cả các cấp theo ngành dọc, các cơ quan chức năng cùng cấp và sự tham gia tích cực, chủ động của người dân để bảo đảm các quy định pháp luật về quản lý tài nguyên môi trường biển và vùng bờ biển được thực hiện hiệu quả; 4- Thực hiện đúng các quy định về “quản lý thích ứng”, trong đó bảo đảm các chính sách, mô hình quản lý luôn được đánh giá, điều chỉnh sau mỗi chu trình quản lý để bảo đảm sát thực và hiệu quả.

Thứ hai, xây dựng và đưa vào áp dụng trên diện rộng các mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn khai thác và sử dụng bền vững các hệ sinh thái biển.

Thực tế cho thấy, khi có sự tham gia quản lý của cộng đồng sẽ bảo đảm khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên và môi trường biển. Mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững các hệ sinh thái biển đã được áp dụng thành công ở một số địa phương, ví dụ như rừng dừa nước ven sông Hoài ở Hội An, khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm… Các mô hình này cần được nghiên cứu, nhân rộng. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế để người dân được tạo điều kiện tham gia và trực tiếp hưởng lợi từ quá trình quản lý.

Việt Nam đã thành công trong việc áp dụng mô hình cộng đồng xóa đói, giảm nghèo thông qua việc giám sát cộng đồng đối với nguồn vốn vay xóa đói, giảm nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Mô hình xóa đói, giảm nghèo dựa vào cộng đồng của Việt Nam có thể được nghiên cứu, áp dụng để xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững các hệ sinh thái biển.

Thứ ba, bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn lợi cá biển bằng nghề cá bền vững.

Các nghiên cứu cho thấy, đánh bắt quá mức bằng các hình thức hủy diệt là nguyên nhân chính gây suy giảm nguồn lợi cá biển Việt Nam. Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện một cách hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật về phát triển nghề cá bền vững, chống đánh bắt hủy diệt, đánh bắt trái phép. Cần triển khai thực hiện việc cấm biển tại các khu vực phù hợp theo thời gian và xây dựng kế hoạch chuyển đổi, bảo đảm sinh kế cho ngư dân.


 Người dân thu hoạch tôm hùm xuất khẩu ở vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên_Ảnh: TTXVN

Thứ tư, nghiên cứu phát triển một nền kinh tế biển xanh của Việt Nam.

Để phát triển một nền kinh tế biển xanh cần đáp ứng được các vấn đề sau:

Một là, bảo đảm quản lý, xử lý tốt các nguồn thải từ bờ, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm từ các nguồn thải nguy hại, như kim loại nặng, rác thải nhựa và áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến nhằm giảm thiểu phát thải, giảm ô nhiễm môi trường.

Hai là, xây dựng giải pháp giảm thiểu khí nhà kính, giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Ba là, bảo đảm quyền sử dụng công cộng tại các bãi biển và các khu vực biển quan trọng để bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển và sự liên tục của các hệ sinh thái từ dưới biển lên bờ. Thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo về việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

Bốn là, khai thác, sử dụng các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo từ biển.

Năm là, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế tài chính với hệ thống thuế, phí hợp lý liên quan tới sử dụng tài nguyên và không gian biển; xây dựng cơ chế tài chính bảo đảm phát triển bền vững kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Sử dụng các công cụ tài chính để điều chỉnh một cách hiệu quả các hành vi khai thác tài nguyên, bảo vệ, bảo tồn môi trường và các hệ sinh thái biển./.

Theo PGS, TS. VŨ THANH CA/Tạp chí Cộng sản