Tiềm năng phát triển kinh tế biển
Việt Nam là một quốc gia có lợi thế về giao thông đường biển, khi gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực. Vùng biển Việt Nam nằm tại khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao và là cầu nối giữa nhiều cường quốc kinh tế và chính trị trên thế giới.
Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển ngành hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics, nhất là khi có tới 114 cửa sông, 52 vịnh nước sâu ven bờ miền Trung (vũng, vịnh, đầm phá chiếm 60% chiều dài đường bờ biển), hơn 100 vị trí có thể xây dựng các cảng biển lớn. Mặt khác, vị trí thuận tiện cho giao thông và các vũng, vịnh kín có độ sâu lớn, không gian rộng lớn ở ven biển và trên bờ biển rất thuận lợi làm cảng biển và phát triển các khu kinh tế ven biển.
Bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng vào TOP Bãi biển đẹp nhất hành tinh. (Ảnh: Tophomestay.vn)
Vùng biển Việt Nam có khoảng 35 loại khoáng sản với trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý, khoáng sản lỏng. Một số mỏ cát vật liệu xây dựng dưới đáy biển ở Quảng Ninh và Hải Phòng với trữ lượng trên 100 tỷ tấn và một dãy cát thạch anh ngầm dưới đáy biển Quảng Ninh (gần 9 tỷ tấn). Bên cạnh đó, tiềm năng tài nguyên nước biển cũng rất lớn, với các dạng năng lượng biển, như: băng cháy, năng lượng thủy triều, năng lượng sóng, năng lượng hạt nhân nước nặng từ nước biển.
Nguồn lợi hải sản vùng biển nước ta có độ phong phú cao. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn có nhiều đặc sản khác có giá trị kinh tế, như: tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển… Chỉ tính riêng cá biển, có hơn 2.000 loài khác nhau đã được phát hiện, trong đó khoảng 100 loài có giá trị kinh tế; có 15 bãi cá lớn, phân bố chủ yếu ở vùng ven bờ. Trữ lượng cá ở vùng biển nước ta khoảng 5 triệu tấn/năm, lượng cá có thể đánh bắt hằng năm khoảng 2,3 triệu tấn...
Kinh tế biển xanh luôn là mục tiêu phát triển của Việt Nam
Nhận thức được nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cũng như tầm quan trọng của kinh tế biển đối với sự phát triển của đất nước, Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định: Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Có thể thấy, các ngành kinh tế sử dụng nhiều tài nguyên được giảm mức độ ưu tiên và được thay thế bằng các ngành sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên hơn, như du lịch, hàng hải...
Khu vực nuôi trồng thủy sản trên Vịnh Lan Hạ. (Ảnh: Zing.vn)
Chiến lược đặc biệt lưu ý đến ngành năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, như công nghiệp điện gió, điện mặt trời trên biển, điện sóng biển, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển (dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển)... Đây là những ngành sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên hoặc sử dụng tài nguyên tái tạo. Các ngành kinh tế biển mới có giá trị hàm lượng khoa học, kỹ thuật cao hướng tới tăng trưởng bền vững. Đây là điểm đột phá của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế biển xanh.
Đối với năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, Chiến lược đặt ra yêu cầu: Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác phù hợp với Quy hoạch điện VIII. Phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ một số công nghệ, thiết kế, chế tạo và sản xuất thiết bị; ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển, như dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển…
Phát triển kinh tế biển xanh là một lựa chọn đúng để phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, đòi hỏi các hoạt động phát triển của các ngành kinh tế biển cần chuyển từ nền kinh tế khai thác và gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế biển xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên trong chuỗi kết nối hữu cơ, từ trong đất liền ra đến biển, giảm các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển ngay từ trong đất liền.
“Cần quyết liệt hơn vì sự phát triển bền vững của kinh tế đại dương”
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị quốc tế về “Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không có các hành động kiên quyết và mạnh mẽ kịp thời để bảo vệ đại dương tốt hơn, nhiều vùng đảo và vùng ven biển cùng các hệ sinh thái tự nhiên trên hành tinh sẽ biến mất vào năm 2100 do mực nước biển dâng. Đây là thách thức vô cùng lớn đối với nhiều quốc gia, dân tộc”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. (Ảnh: Báo Chính phủ)
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, phát triển kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu là mệnh lệnh của tất cả chúng ta, thể hiện mối quan tâm chung của nhân loại và chỉ có thể đạt được trên cơ sở hợp tác, đoàn kết toàn cầu, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đề nghị, tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để thể hiện trách nhiệm của mình vì sự phát triển bền vững kinh tế đại dương. Đây không chỉ là trách nhiệm đối với sự sinh tồn của cộng đồng dân cư của mỗi quốc gia, mà còn là trách nhiệm đối với sự tồn vong của hệ sinh thái biển, của thiên nhiên, nơi nắm giữ chìa khóa dẫn tới sự thịnh vượng của nhân loại trên Trái đất.
Thứ hai, ô nhiễm biển, rác thải nhựa đại dương là vấn đề cấp bách toàn cầu. Do vậy, cần thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, chia sẻ dữ liệu, cung cấp cơ sở khoa học về rác thải nhựa đại dương từ phạm vi quốc gia, khu vực và toàn thế giới; khắc phục bằng được những thách thức trong nỗ lực giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ở quy mô toàn cầu trong giai đoạn tới.
Thứ ba, quản lý bền vững tài nguyên và các hoạt động trên biển như nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, vận tải biển, du lịch biển, ven biển, phát triển năng lượng dựa vào đại dương phải dựa trên cơ sở công nghệ kỹ thuật biển xanh, tiên tiến và hiện đại, nhất là sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau của cộng đồng quốc tế. Các quốc gia phát triển cần có trách nhiệm hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm quản lý và chuyển giao công nghệ. Các quốc gia đang phát triển cần phấn đấu sớm nắm vững khoa học kỹ thuật biển xanh và tiếp cận quản lý để chúng ta cùng nhau tiến ra biển với một tâm thế bình đẳng, cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu của biển và đại dương.
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm sản lượng đánh bắt thủy sản xuống mức sản lượng bền vững tối đa (khoảng 2,7 triệu tấn/năm; thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các hoạt động sản xuất dầu khí; tăng cường bảo vệ môi trường; tăng cường tham gia vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo trên biển mới nổi; phấn đấu đến năm 2030 mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo biển đạt 10.000MW lắp đặt, bao gồm khoảng 4.500MW gió gần bờ(chủ yếu là đồng bằng sông Cửu Long) và 5.500MW gió ngoài khơi (chủ yếu là khu vực Nam Trung Bộ)….
Hà Lan
https://kinhtemoitruong.vn/phat-trien-kinh-te-bien-ben-vung-gan-voi-bao-ve-moi-truong-67802.html