Tại
Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc
về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ,
trong đó có tuyên bố giảm lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030. Để
đạt được cam kết giảm phát thải khí mê-tan, Việt Nam cần có các chính
sách khuyến khích phát triển khí sinh học và cần sự đầu tư đáng kể từ cả
nhà nước và khối tư nhân vào các nhà máy khí sinh học để xử lý chất
thải hữu cơ từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và rác thải
của các đô thị.
Toàn cảnh hội thảo “Phát triển khí sinh học Việt Nam góp phần thực hiện COP26 - tiềm năng và thách thức”
Đây là các chủ đề được trình bày và thảo
luận tại hội thảo quốc tế “Phát triển khí sinh học Việt Nam góp phần
thực hiện COP26 - tiềm năng và thách thức” diễn ra vào ngày 18 - 19/10
tại Hà Nội. Hội thảo nhằm giới thiệu các công nghệ khí sinh học quy mô
vừa và lớn trên thế giới và Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế trong sử dụng
khí sinh học phát nhiệt và điện, cũng như thảo luận để xác định những
rào cản và cơ hội, đưa ra khuyến nghị giải pháp thúc đẩy phát triển khí
sinh học quy mô vừa và lớn.
Hội thảo do Cục Điện lực và Năng lượng tái
tạo (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ phối hợp tổ
chức. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án Bảo vệ khí hậu thông qua phát
triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam (BEM), do Bộ
Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ thông qua Quỹ Sáng
kiến khí hậu quốc tế (IKI).
Ông Nathan Moore, Giám đốc dự án BEM cho
biết: “Bằng việc phát triển khí sinh học để phát điện, Việt Nam sẽ giảm
phát thải khí mê-tan và CO2, đồng thời bổ sung nguồn điện sạch cho lưới
điện. Với hội thảo này, chúng tôi hy vọng có thể đóng góp vào việc khai
thác tốt hơn tiềm năng khí sinh học ở Việt Nam và giới thiệu các cơ chế
hỗ trợ thích hợp. Như vậy, hội thảo sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam thực
hiện các cam kết COP26 và giúp quốc gia phát triển tương lai năng lượng
xanh bền vững”.
Triển lãm một số giải pháp về khí sinh học trong khuôn khổ hội thảo
Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái
tạo và Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện nghiên cứu chính
sách, các sở ban ngành liên quan của các tỉnh, Tổng cục môi trường cũng
như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các tổ chức tài chính đã tham
gia sự kiện. Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu tham dự và đây là sự kiện
quốc tế đầu tiên về khí sinh học của dự án BEM.
Tại hội thảo, đại diện Bộ Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn chia sẻ chiến lược phát triển chăn nuôi, các quy
định và thực trạng xử lý chất thải của Việt Nam. Trong khi đó, đại diện
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra vai trò của ứng dụng khí sinh học
đóng góp vào cam kết COP26 và các giải pháp để thực hiện mục tiêu đề
ra.
Đại diện của Tổ chức Phát triển Hà Lan
(SNV) cũng giới thiệu về mô hình Năng lượng sinh học cho các trang trại
chăn nuôi tại Việt Nam (BECA) – một mô hình kinh doanh bền vững, sử dụng
khí sinh học phát điện.
Sau đó, lãnh đạo của một số Bộ, ngành liên
quan và các chuyên gia đã có phần tọa đàm thảo luận về tiềm năng khí
sinh học của Việt Nam góp phần thực hiện cam kết COP26 và giải pháp thúc
đẩy đầu tư. Bên cạnh đó, các chuyên gia quốc tế đã giới thiệu những
kinh nghiệm ứng dụng công nghệ khí sinh học phát điện ở quy mô lớn.
Hầm biogas tại một tỉnh ở miền Bắc
Tại hội thảo, các thí sinh có thành tích
cao nhất trong cuộc thi “Sáng kiến nghiên cứu khoa học - giải pháp khí
sinh học” đã được nhận giải thưởng. Cuộc thi do dự án BEM thuộc Chương
trình Hỗ trợ hăng lượng GIZ và khoa Điện, trường Điện - Điện tử, Đại học
Bách Khoa Hà Nội đồng tổ chức, nhằm tạo diễn đàn cho sinh viên và học
sinh trên cả nước chia sẻ các sáng kiến sử dụng khí sinh học.
Cẩm Hạnh (Ảnh: GIZ)
Nguồn: https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Phat-trien-khi-sinh-hoc-tai-Viet-Nam-gop-phan-thuc-hien-cam-ket-COP26-6-8-18409