Lộ trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân với giá cả phải chăng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An trong phát biểu gần đây nhấn mạnh cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, và tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển, ngành năng lượng phải đáp ứng các yêu cầu, bao gồm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong trung và dài hạn để đáp ứng các mục tiêu phát triển; xác định được cơ cấu năng lượng tối ưu và bền vững của đất nước.
Cùng với đó, thu hút mạnh mẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng; tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn, xanh hơn và các nguồn năng lượng tái tạo; cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm cường độ sử dụng năng lượng và sử dụng điện của nền kinh tế.
Không chỉ vậy, cần tạo điều kiện để các đối tượng trong xã hội, mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích từ các chính sách phát triển năng lượng bền vững với chi phí hợp lý.
Đặc biệt, cần quan tâm thích đáng đến nhóm đối tượng xã hội dễ bị tổn thương, đến người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách, ông An nhấn mạnh tại Hội thảo “Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh” mới đây.
Thời gian qua, Bộ Công thương đã nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển ngành năng lượng phù hợp với xu thế chung của toàn cầu, và cam kết của Việt Nam tại COP26.
Một trong những văn bản quan trọng là dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Dự thảo được điều chỉnh, cập nhật theo hướng giảm dần phụ thuộc nhiệt điện than, và dành sự ưu tiên cao cho phát triển năng lượng tái tạo với cơ cấu và sự phân bố hợp lý, ông An cho biết.
Hiện nay, dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong thời gian tới. Theo đó, quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng đang được Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh và quyết tâm thực hiện theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển.
Những cơ chế hợp tác đa phương và song phương rất có ý nghĩa đối với sự phát triển ngành năng lượng và nền kinh tế quốc gia của Việt Nam, đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh.
Chia sẻ đồng quan điểm về xu hướng xanh, tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược.
Việt Nam – một quốc gia đang phát triển, với nguồn lực còn hạn chế - đang có những bước đi thực sự trong chuyển đổi cơ cấu năng lượng, để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bên cạnh việc chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, việc sử dụng năng lượng hiệu quả là cực kỳ quan trọng trong chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững.
Theo đó, cần có các biện pháp chủ động hơn nữa trong sử dụng năng lượng hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, và cần tăng cường năng lực tốt hơn cho địa phương về vấn đề này, bà Ngọc nhận định.
Cùng với đó, quá trình chuyển dịch năng lượng xanh, bền vững của Việt Nam cần nhận được sự đồng hành và hỗ trợ thỏa đáng từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển và công ty / tập đoàn lớn của thế giới.
Đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng lưu ý rằng lộ trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân với giá cả phải chăng, đồng thời giảm thiểu tác động đến các nhóm / đối tượng trong xã hội.
Chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững muốn thành công cần có quyết tâm chính trị lớn; sự phối hợp đồng bộ, toàn diện từ tất cả các bên liên quan; sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, bà Ngọc nhấn mạnh.
Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030 hướng tới khát vọng phát triển nhanh, bền vững, hàng loạt chiến lược, chính sách trên các ngành, lĩnh vực đã được cập nhật, sửa đổi và ban hành trong thời gian gần đây.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; và gần đây là Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030.
Kế hoạch hành động hướng tới 4 mục tiêu quan trọng của Chiến lược tăng trưởng xanh, bao gồm giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Đối với việc chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững, chiến lược nhấn mạnh định hướng nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước và chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Cùng với đó, đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia.
https://theleader.vn/nhung-yeu-to-khong-the-bo-qua-trong-chuyen-dich-nang-luong-1661006937704.htm