G7 cân nhắc cấm chuyển dầu Nga; Đức chi khủng cho năng lượng tái tạo; Điện sản xuất từ pin mặt trời tại Bỉ lập kỷ lục… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 3/8/2022.
Đường ống dẫn khí Nord Stream 1 vào bờ ở Lubmin, Đức. Ảnh: RTL
G7 cân nhắc cấm chuyển dầu Nga
Theo tuyên bố sau hội nghị ngoại trưởng các nước G7 (bao gồm Anh, Canada, Đức, Pháp, Italy, Nhật Bản và Mỹ) ngày 2/8, nhóm đang xem xét các lựa chọn để "ngăn Nga thu lợi từ chiến dịch quân sự đặc biệt và hạn chế khả năng phát động chiến tranh" của quốc gia này.
Trong số các lựa chọn có "lệnh cấm toàn diện với toàn bộ dịch vụ cho phép vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga trên toàn cầu, trừ khi dầu được mua với giá bằng hoặc thấp hơn mức được nhất trí sau khi tham vấn cùng các đối tác quốc tế".
Các ngoại trưởng G7 cáo buộc Nga sử dụng năng lượng làm "công cụ cưỡng bức địa chính trị". Họ cũng tuyên bố sẽ phối hợp cùng nhau để giảm nhu cầu năng lượng Nga, cũng như bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương nhất trước tác động của gián đoạn nguồn cung và giá cả tăng cao.
Đức chi khủng cho năng lượng tái tạo
Ngày 2/8, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua kế hoạch hỗ trợ gần 3 tỷ euro của chính phủ Đức cho các chương trình sưởi ấm theo khu vực từ nhiệt thải và năng lượng tái tạo, nhằm đạt được các mục tiêu về khí thải.
Theo đó, Berlin sẽ chi 2,98 tỷ euro để thúc đẩy việc phát triển năng lượng xanh thông qua các khoản tài trợ của chính phủ đến năm 2028 cho các hệ thống sưởi mới theo khu vực, sử dụng ít nhất 75% là năng lượng tái tạo và nhiệt thải hoặc cho các dự án khử carbon.
EC cho biết, kế hoạch trên tuân thủ các quy định của EU về các khoản tài trợ của nhà nước ở mức cần thiết và phù hợp, bởi nếu không, các chương trình sưởi ấm mới theo khu vực có thể sử dụng các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm hoặc các khoản đầu tư như vậy sẽ không được triển khai do mức đầu tư lớn và doanh thu thấp. Kế hoạch dự kiến sẽ đáp ứng đến 40% chi phí đầu tư cho các dự án.
Turbine của Nord Stream 1 vẫn đang ở Đức
Kênh truyền hình NTV của Đức ngày 2/8 cho hay turbine phục vụ hoạt động đầy đủ công suất của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) vẫn đang ở Đức.
Kênh này cho biết, ngày 3/8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ đến thăm địa điểm sản xuất của Siemens Energy ở thành phố Mulheim an der Ruhr, nơi ông Scholz dự kiến sẽ kiểm tra turbine của Dòng chảy phương Bắc 1, trước khi turbine này vận chuyển đến Nga.
Từ ngày 27/7, đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 chỉ hoạt động với 20% công suất tối đa do 2 turbine đã ngừng hoạt động. Một chiếc do Siemens Energy ở Canada sản xuất, đã được gửi đến Montreal để bảo dưỡng, tuy nhiên, do các lệnh trừng phạt của Ottawa nhằm vào Moskva nên nhà sản xuất ban đầu từ chối trả lại thiết bị sau khi đã sửa chữa cho Đức, nhưng sau yêu lần yêu cầu từ phía Berlin, công ty này đã đồng ý trả lại.
Điện sản xuất từ pin mặt trời tại Bỉ lập kỷ lục
Theo dữ liệu từ Cơ quan quản lý lưới điện của Bỉ (Elia), tỷ lệ năng lượng mặt trời, năng lượng gió đóng góp vào hệ thống điện nước này tiếp tục tăng cao vào năm 2022. Tháng 7/2022, năng lượng mặt trời chiếm 15% tổng lượng điện năng. Theo thống kê từ Elia, hệ thống pin mặt trời đã tạo ra 935 GWh - một kỷ lục mới tại Bỉ.
Cũng theo đánh giá của Elia, 2022 được coi là năm đỉnh cao về sản xuất điện từ năng lượng mặt trời, và chính sự kết hợp giữa thời tiết tốt và công suất lắp đặt tăng (hơn 20% so với năm 2021) đã đưa tới kỷ lục này.
Bên cạnh đó, hơn 5.000 MW turbine gió và 6.000 MW pin mặt trời hiện đã được lắp đặt ở Bỉ. Theo Elia, việc này giúp bổ sung nhau, vì khi vào mùa đông sẽ có nhiều năng lượng gió và ít năng lượng mặt trời hơn.
Australia có nguy cơ thiếu hụt khí đốt vào năm 2023
Ngày 1/8, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia(ACCC) công bố một báo cáo mới nhất, liên quan tới lĩnh vực khí đốt, trong đó cảnh báo về tình trạng thiếu hụt khí đốt trong nước sẽ tăng lên đáng kể vào năm tới, giữa bối cảnh các công ty khai thác lớn đang hướng doanh thu sang các thị trường nước ngoài.
Báo cáo nhấn mạnh dự báo về tình trạng thiếu hụt khí đốt sẽ xảy ra bắt đầu từ năm 2023, đẩy giá năng lượng trong nước tăng vọt. Tình trạng đó sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế, buộc một số doanh nghiệp phải đóng cửa và đe dọa việc làm của người lao động.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngân khố Australia Jim Chalmers lên tiếng kêu gọi các nhà xuất khẩu năng lượng cần chú trọng hơn đến thị trường trong nước, đảm bảo có đủ khí đốt cho người tiêu dùng nội địa. Ông Chalmers cảnh báo nếu các công ty không tự nguyện điều tiết lại nguồn cung Chính phủ sẽ can thiệp vào thị trường.
https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-382022-661815.html