Có những dự án điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư, được EVN xác nhận vận hành thương mại, phát điện đã lâu nhưng hiện không nhận được thanh toán vì còn... chờ chính sách.
Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam
Việc một số dự án/phần dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận đã phát điện lên lưới trước thời điểm 1/1/2021, nhưng vẫn không có cơ chế giá điện để thanh toán, ký hợp đồng hay sự chậm trễ trong đưa chính sách mới cho các dự án năng lượng tái tạo tái tạo hiện nay đang là điểm trừ cho môi trường đầu tư của Việt Nam với lĩnh vực này.
Không có giá nên dừng huy động
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã nhận được trả lời của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo liên quan đến việc “cho phép dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của các nhà máy điện mặt trời Trung Nam, Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3”.
Theo đó, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo “đề nghị EVN thực hiện theo Hợp đồng mua bán điện đã ký và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành”.
Trên cơ sở chỉ đạo này, EVN nhận thấy việc tiếp tục huy động phần công suất chưa có cơ chế giá của các nhà máy điện mặt trời Trung Nam, Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 chưa đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý.
Do vậy, ngày 23/11/2021, EVN đã có cuộc họp với các nhà đầu tư những dự án này để thông báo sẽ dừng khai thác phần chưa có cơ chế giá của các nhà máy điện mặt trời Trung Nam, Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 cho tới khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá điện cho phần công suất nằm ngoài 2.000 MW tại tỉnh Ninh Thuận. Thời gian như EVN thông báo là từ ngày 1/1/2022.
Theo thống kê của EVN, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam tại xã Phước Minh, Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận có công suất 450 MW đưa vào vận hành ngày 1/10/2020. Tuy nhiên, phần công suất vượt trên 2.000 MW của Nhà máy điện này 172,12 MW.
Còn với Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 có phần công suất đã vận hành thương mại sau Nhà máy điện mặt trời Trung Nam và trước ngày 1/1/2021 lần lượt là 37,8 MW và 6,3 MW.
Chuyện 3 nhà máy trên có 216,22 MW điện mặt trời vận hành trước ngày 1/1/2021, nhưng lại không có giá mua điện đã kéo dài cả năm qua mà chưa có lối thoát lại một lần nữa cho thấy độ vênh giữa chính sách và thực tế triển khai phát triển năng lượng mặt trời ở tỉnh Ninh Thuận.
Không dưng mà được đầu tư
Bộ Công thương khi báo cáo về vấn đề này cũng cho hay, các dự án/phần dự án này không đáp ứng điều kiện của Quyết định 13 là phải có chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019.
Vì thế các bên cũng hiểu rõ quy định là các dự án/phần dự án này nếu đưa vào vận hành trong năm 2020 cũng chưa xác định được giá bán điện.
Dẫu vậy trên bối cảnh cụ thể, các dự án này hiện đều đã hoàn thành đầu tư, được EVN xác nhận vận hành thương mại, phát điện đã lâu và đã phát một sản lượng điện đáng kể lên hệ thống nhưng hiện không được thanh toán nên Bộ Công thương cũng cho rằng, nếu không có cơ chế giá điện để các chủ đầu tư sớm ký hợp đồng bán điện với EVN thì các nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn trong đảm bảo dòng tiền và trả nợ ngân hàng, đồng thời không có cơ sở thực hiện nghĩa vụ thuế với địa phương.
Đồng thời, EVN không có cơ sở thanh toán và hạch toán sản lượng điện mà các nhà máy này đã phát lên lưới.
Để phù hợp với chủ trương của Chính phủ là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh đại dịch, Bộ Công thương cũng đã kiến nghị Chính phủ đồng ý về cơ chế để xác định giá bán điện cho các dự án này.
Cụ thể, với các dự án đã được duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2020, đã hoàn tất đầu tư trong năm 2020, phát điện trước ngày 1/1/2021 thì được hưởng cơ chế giá như Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, nghĩa là có thể xem xét áp dụng mức giá điện tương đương 7,09 Uscent/kWh.
Cũng có điểm cần lưu ý là các nhà máy điện mặt trời này dù được địa phương cấp chủ trương đầu tư sau ngày 23/11/2019 nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ của Chính phủ khi được bổ sung vào quy hoạch điện.
Đơn cử, tại công văn 70/TTg-CN, ngày 9/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với việc bổ sung dự án nhà máy điện mặt trời quy mô công suất 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh (quy hoạch điện VII điều chỉnh).
Dự án điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam được triển khai kết hợp đầu tư trạm biến áp 500 kV và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, đưa vào vận hành đồng bộ trong năm 2020 để truyền tải, giải tỏa hết công suất nhà máy điện mặt trời này và các nhà máy điện năng lượng tái tạo khác trong khu vực vào hệ thống điện quốc gia.
Tiếp đó Ninh Thuận đã tiến hành đấu thầu để chọn nhà đầu tư phát triển dự án này và Trungnam Group đã trở thành người thắng cuộc và được tỉnh Ninh Thuận cấp quyết định chủ trương đầu tư tại văn bản 79/QĐ-UBND ngày 3/4/2020, trước thời điểm Quyết định 13/QĐ-TTg được ban hành, chính thức hoá kết luận “các dự án điện mặt trời được tiếp tục hưởng giá FIT phải có chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và hoàn thành trong năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ được nêu trong văn bản 402/VPCP-TB ngày 22/11/2019.
Nhà đầu tư mong chờ
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group cho hay, với sự nỗ lực dốc sức của nhà đầu tư, dự án Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia đã hoàn thành trong khoảng 4 tháng xây dựng và về đích vào ngày 1/10/2020.
Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối do tư nhân đầu tư này cũng có ý nghĩa quan trọng trong hiện thực hoá được chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để tư nhân tham gia phát triển năng lượng theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thông qua việc tự bố trí kinh phí để đầu tư và thực hiện vận hành hệ thống hạ tầng truyền tải 500 kV nói trên, Trungnam Group đã dùng nguồn vốn của doanh nghiệp, góp phần tiết kiệm cho nhà nước nhiều khoản kinh phí.
Cụ thể là khoảng 2.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng truyền tải và cỡ 20 tỷ đồng/năm để vận hành, bảo dưỡng các công trình này.
Cũng kể từ khi đi vào vận hành từ đầu tháng 11/2020 tới nay, trạm biến áp 500 kV và đường dây 500 kV Phước Nam - Vĩnh Tân đã góp phần truyền tải 2 tỷ kWh.
Trong số các dự án điện đấu nối vào đường dây này, nhà máy điện mặt trời 450 MW của Trungnam Group chiếm tỷ trọng 8% trong quy mô truyền tải. Phần còn lại là truyền tải hộ các nhà máy điện khác trong khu vực và nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong (1.200 MW) trong tương lai.
Điều này mang lại lợi ích thiết thực, đặc biệt chia sẻ gánh nặng và giảm áp lực cho EVN trong huy động công suất và giải quyết tình trạng quá tải lưới điện tại khu vực Ninh Thuận.
Tuy vậy tại thời điểm COD, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam 450 MW chỉ có 277,88 MW nằm trong phạm vi 2.000 MW công suất điện mặt trời tích luỹ nằm trong phạm vi được hưởng giá điện là 9,35 Uscent/kWh.
“Theo phương án tài chính của dự án, Trungnam Group sẽ hoàn trả các khoản vay từ tổ chức tín dụng để đầu tư dự án bằng nguồn doanh thu duy nhất là bán điện của Nhà máy 450 MW. Việc dừng khai thác toàn phần công suất 172,12 MW chưa xác định được giá của Nhà máy theo thông báo của EVN sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư với các tổ chức tài trợ vốn, gia tăng áp lực trong chi trả nợ vay, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Tiến cho hay.
Trước thực tế dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam đầu tư có kèm theo quy định ràng buộc về đường truyền tải và trạm biến áp 500 kV, tốn kém hơn so với các nhà máy điện mặt trời khác và có đóng góp lợi ích cao hơn cho ngành điện nhưng lại không được khai tác công suất phát đầy đủ dù vẫn hoàn thành trong năm 2020, Trungnam Group đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương cho phép được khai thác toàn bộ công suất của dự án.
Phần chưa có giá tiếp tục được ghi nhận sản lượng và thực thanh toán sau khi Chính phủ ban hành cơ chế bán điện.
Việc thực tế 1 năm qua các cơ quan hữu trách vẫn chưa có lời giải cuối cùng cho phần công suất đã đầu tư nhưng vượt ngoài 2.000 MW điện mặt trời tại Ninh Thuận dù có khá nhiều cuộc họp hay việc chính sách mới cho năng lượng tái tạo vẫn chưa rõ ràng dù các chính sách cũ đã hết hạn cả năm rồi lại một lần nữa cho thấy sự thờ ơ của cơ quan quản lý nhà nước trong khơi dòng vốn đầu tư tư nhân cho phát triển kinh tế xã hội.
Thực tế này nếu tiếp tục kéo dài sẽ dẫn tới suy giảm niềm tin và chán nản từ phía doanh nghiệp, ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi kinh tế như hiện nay.
https://baodautu.vn/nha-dau-tu-dien-mat-troi-cho-chinh-sach-d157763.html