Các nhà khoa học tại Đại học Leeds (Vương quốc Anh) mới đây đã công bố kết quả nghiên cứu về tiềm năng năng lượng địa nhiệt trên tạp chí Nature Communications.
Theo đó, những ngọn núi lửa sâu dưới đáy đại dương phun trào lượng năng lượng đủ để cung cấp cho toàn bộ nước Mỹ. Các nhà khoa học đã sử dụng các phương tiện điều khiển từ xa để thu thập dữ liệu về hoạt động núi lửa dưới biển sâu ở khu vực đông bắc Thái Bình Dương.
Kết quả chỉ ra rằng, hoạt động phun trào dung nham sản sinh ra hydrothermal megaplums, mang theo nhiều năng lượng. Việc giải phóng năng lượng cực lớn trong các vụ phun trào núi lửa dưới đáy đại dương tạo ra một lượng nước siêu nóng khổng lồ.
Các tập đoàn dầu khí trên thế giới đang quan tâm hơn đến lĩnh vực năng lượng địa nhiệt ở các châu lục. Ví dụ, tập đoàn dầu khí Chevron gầy đây thông báo sẽ đầu tư vào phát triển và vận hành các nguồn địa nhiệt tại Mỹ và một số nước khác. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, năng lượng địa nhiệt là nguồn tài nguyên rất lớn nhưng hầu như không được sử dụng.
Việc khai thác năng lượng địa nhiệt có thể tăng 26 lần tại Mỹ và các nhà máy địa nhiệt có thể chiếm tỷ lệ 8,5% trong cơ cấu năng lượng của Mỹ. Tuy nhiên, việc khai thác năng lượng địa nhiệt gần núi lửa tiềm ẩn rủi ro lớn. Trong năm 2018, dung nham từ núi lửa Kilauea (Hawaii, Mỹ) đã khiến nhà máy điện địa nhiệt Puna Geothermal Venture có công suất lắp đặt 38 MW phải tạm ngừng hoạt động.
Viễn Đông Petrotimes
https://petrotimes.vn/nang-luong-moi-nang-luong-dia-nhiet-609399.html