Nhằm đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0, GIZ phối hợp cùng Bộ Công Thương đang thực hiện nhiều dự án nâng cấp và chuyển dịch đảm bảo an ninh năng lượng và năng lượng sạch của Việt Nam.
Chương trình hỗ trợ năng lượng (ESP) với sự hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã góp phần thực hiện chiến lược giảm phát thải khí nhà kính và chiến lược phát triển xanh của Việt Nam.
ESP thông qua việc đẩy mạnh khung chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân, và nâng cao năng lực chuyên môn cũng như năng lực quản lý của các tổ chức và các bên liên quan.
Chuyển đổi nhận thức đóng vai trò tiên quyết
Chia sẻ từ quá trình thực hiện chương trình tại Buổi gặp gỡ báo chí về ESP, ngày 30/6, ông Nguyễn Anh Dũng, cán bộ Cao cấp GIZ khẳng định chuyển dịch năng lượng bền vững là xu thế của thế giới và cần có lộ trình thực thi.
Các nước thế giới đã thực hiện chuyển dịch năng lượng từ 10 - 15 năm trước. Gắn với biến đổi khí hậu, sản xuất năng lượng tạo ra một lượng phát thải đáng kể, đồng thời đây cũng là câu chuyện của an ninh năng lượng nhất là những nước đang phát triển.
“Khi thiết kế lộ trình chuyển dịch năng lượng bền vững của Việt Nam, GIZ hướng đến hiện thực hóa chuyển dịch năng lượng theo hướng tổng hòa các chính sách gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Hiện nay, giá năng lượng tái tạo đã rẻ và có sự cạnh tranh hơn nhiều so với trước. Các quốc gia đang phát triển cần tìm ra những con đường đi riêng cho mình”.
Ông Nguyễn Anh Dũng, cán bộ Cao cấp GIZ
“Ngành than là ngành đóng góp GDP nhất định và sử dụng nhiều lao động, cần tính đến đào tạo lao động chuyển đổi sang các ngành nghề khác. Như vậy quá trình chuyển dịch năng lượng cần chuyển đổi từ nhận thức của cộng đồng, chính sách và lao động rồi mới đến chuyển dịch vật lý. Khi đã chuyển dịch được nhận thức thì khả năng tăng tỷ lệ nội địa hóa cũng sẽ tăng theo”, ông Dũng giải thích thêm.
Nhấn mạnh luật năng lượng tái tạo là trọng tâm chính trong hỗ trợ xây dựng chính sách, đại diện GIZ cho biết, Chương trình ESP sẽ hoàn thiện khung pháp lý và chính sách nhằm khắc phục các rào cản đối với đầu tư trong nước và quốc tế vào thị trường Việt Nam, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi đối tượng tham gia chuỗi giá trị, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo theo hướng chú trọng vào chất lượng, và tạo sự cạnh tranh cho lĩnh vực năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Nêu lên những yêu cầu đặt ra cho bài toàn chuyển dịch năng lượng, ông Dũng chỉ ra, thuế carbon sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nhất là với thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt là cam kết của các ông lớn bảo hiểm trên thế giới về tái bảo hiểm khi hơn 47% công ty bảo hiểm sẽ không cấp tái bảo hiểm cho nhiệt điện than. Khi không có bảo hiểm sẽ không có nguồn vốn buộc các công ty phải thay đổi nguồn năng lượng.
Ngoài ra, ông Dũng cũng cho biết, Trung Quốc ngừng cấp vốn cho nhiệt điện than mà nhiệt điện than Việt Nam lại dựa vào Trung Quốc khá nhiều. Sự thay đổi này cũng tác động đến quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam. “Một yếu tố không thể thiếu là cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính ở COP26 trở thành động lực và quyết tâm thúc đẩy Việt Nam nhanh chóng chuyển dịch năng lượng”, cán bộ cao cấp của GIZ nhấn mạnh.
Câu chuyện tiếp cận nguồn vốn vẫn là một thách thức
Làm rõ hơn những điều kiện để chương trình ESP được triển khai hiệu quả, bà Vũ Chi Mai, Quản lý Dự án Năng lượng sạch, Giá cả phù hợp và Bền vững cho các quốc gia Đông Nam Á chia sẻ, năm 2020, những đầu tư tài chính từ khu vực tư nhân vào năng lượng tái tạo ở Việt Nam tăng lên mức đột phá. Câu chuyện tiếp theo sẽ là việc tiếp cận nguồn vốn, nếu không tiếp cận được nguồn vốn tốt sẽ là một thách thức lớn.
“Trước giờ Việt Nam chủ yếu tập trung ổn định năng lượng than, yêu cầu đặt ra là cần đảm bảo nguyên liệu đầu vào như thế nào để có sự ổn định. Chúng ta quen với việc dùng năng lượng dự trữ nhưng tính chất của dự trữ là sẽ hết khi sử dụng cạn kiệt nhưng khi dịch chuyển sang năng lượng tái tạo thì hình thành được vòng tuần hoàn”.
Bà Vũ Chi Mai, cán bộ cấp cao của GIZ
“Tuy nhiên, điện mặt trời phát triển sôi động thời gian qua đi kèm với yêu cầu điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp. Ngoài ra, vấn đề nâng cao năng lượng rất quan trọng để tăng cường kết nối chuyển giao công nghệ, kết nối đơn vị nghiên cứu của Việt Nam với các bên nước ngoài để có cơ hội tốt hơn tìm hiểu về năng lượng tái tạo”, bà Mai cho biết thêm.
Đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 20% vào năm 2045
Lưới điện thông minh là hệ thống điện lưới có phương thức trao đổi hai chiều, cho phép trao đổi điện và thông tin theo cả hai hướng giữa các công ty điện lực và người tiêu dùng. Sáng kiến này cho phép tích hợp trên quy mô lớn các dạng năng lượng tái tạo trở nên hiệu quả, đáng tin cậy, an toàn và bền vững.
Là một trong những dự án của Chương trình ESP đã ghi dấu ấn trên con đường chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, Lưới điện thông minh đang được triển khai xây dựng ở Việt Nam nhằm phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng thông minh, hoàn chỉnh, sánh ngang với các quốc gia tiên tiến ở ASEAN.
Chia sẻ rõ hơn về dự án, ông Dương Mạnh Cường, cán bộ cao cấp Dự án Lưới điện thông minh cho biết, Lưới điện thông minh hỗ trợ năng lượng tái tạo tập trung vào 3 lĩnh vực: Pháp lý, năng lực và công nghệ.
Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị nêu rõ yêu cầu phát triển Lưới điện thông minh để đảm bảo độ tin cậy và an ninh của nguồn cung năng lượng quốc gia và giúp đạt được các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 15% vào năm 2030 và 20% vào năm 2045.
"Từ sau 2022, lưới điện thông minh của Việt Nam dự kiến sẽ ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) để mang lại hiệu quả năng lượng, giúp Việt Nam tiến tới các mục tiêu trên", ông Cường thông tin.
Một số dự án đã và đang được triển khai trong Chương trình ESP
1. Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (4E): 2015 - 2023
2. Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (SGREEE): 2017 - 2021
3. Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam (BEM): 2019-2023
4. Điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp (CIRTS): 2021 - 2025
5. Hệ thống sản xuất tích hợp nuôi trồng thủy sản và năng lượng mặt trời cho hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên (SHRIMPS): 2017 - 2023
6. Năng lượng sạch, giá cả hợp lý và an ninh năng lượng cho khu vực Đông Nam Á (CASE): 2020-2024
7. Chương trình Phát triển Dự án (PDP): 2011 - 2023
8. Hỗ trợ Mở rộng quy mô Điện gió tại Việt Nam (DKTI WIND): 2014 – 2018.
PHƯƠNG THẢO
https://mekongasean.vn/giz-ho-tro-viet-nam-tang-noi-dia-hoa-trong-chuyen-dich-nang-luong-post8073.html