Theo báo cáo của Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), một số khó khăn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh làm giảm doanh thu đơn vị.
Báo cáo của Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho thấy, thời gian qua, toàn đơn vị đã quản lý vận hành an toàn hệ thống lưới và nguồn điện, đảm bảo cung cấp điện liên tục và ổn định phục vụ nhân dân trên địa bàn và các hoạt động chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội.
Công suất cực đại 6T/2022 đạt 3.418,6 MW (ngày 21/6/2022), tăng 1,27% so với cùng kỳ năm 2021 (3.375,8 MW). Điện thương phẩm đạt 10.346,54 triệu kWh, tăng 3,59% so với cùng kỳ 2021 (9.987,52 triệu kWh) và tăng 10,37% so với cùng kỳ năm 2020 (9.374,75 triệu kWh), đạt 48,37% kế hoạch giao (21.390 triệu kWh).
Tuy nhiên theo đại diện Tổng Công ty Điện lực miền Trung, trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng lớn bởi điện mặt trời mái nhà. Cụ thể, điện thương phẩm chiếm tỷ trọng thấp so với quy mô lưới điện trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ảnh hưởng đến chi phí phân phối điện và năng suất lao động. Giá bán điện bình quân có sự biến động do phụ thuộc nhiều vào nhóm tỷ trọng phụ tải thương mại - du lịch. Đồng thời, nhiều khách hàng đã đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà để sử dụng điện, nên làm giảm điện mua từ Tổng Công ty Điện lực miền Trung, giảm giá điện bậc cao/giờ cao điểm, làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu thương phẩm và giá bán điện bình quân của Tổng Công ty Điện lực miền Trung.
EVNCPC: Gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh
Một số khó khăn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh làm giảm doanh thu đơn vị.Nguyên nhân là các hệ thống điện mặt trời mái nhà tập trung ở một số tỉnh có nhiều lợi thế như Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, hàng tháng công ty điện lực phải trả chi phí mua điện rất lớn, có đơn vị gần xấp xỉ doanh thu bán điện, nên việc cân đối chi phí, dòng tiền đang gặp nhiều khó khăn.Các yếu tố thương phẩm, giá bán điện và sản lượng mua điện mặt trời mái nhà nêu trên ảnh hưởng rất lớn đến cân đối tài chính của toàn công ty Điện lực Miền Trung.
Một số khó khăn khác được nêu ra như, khan hiếm linh kiện điện tử do COVID-19 dẫn đến việc chậm trễ cung ứng công tơ điện tử, đo xa của Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (EMEC), ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công tơ điện tử và đo xa. Việc tiếp nhận lưới điện được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước chưa được cấp có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể, ảnh hưởng đến tiến trình tiếp nhận lưới điện mà Tổng Công ty Điện lực miền Trung đang mượn tạm để bán điện cho khách hàng, ảnh hưởng đến công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng.
Các Hợp tác xã kinh doanh điện năng tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đắk Nông có nhu cầu bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý. Việc tiếp nhận các lưới điện này không những đáp ứng đầy đủ các quy định theo Thông tư số 32/2013/TTLT-BCT-BTC ngày 04/12/2013 của liên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hướng dẫn giao nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện hạ áp nông thôn mà còn thuận lợi cho các công ty điện lực trong công tác quản lý vận hành, tăng số lượng khách hàng bán lẻ, và tăng doanh thu cho EVNCPC nhưng thời hạn tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn đã kết thúc ngày 31/12/2020 (theo văn bản số 5926/EVN-KD ngày 18/12/2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
Do vậy, Tổng Công ty Điện lực miền Trung chưa có cơ sở để tiếp nhận lưới điện này. Một số lưới điện hạ áp nông thôn được đầu tư sau ngày 12/02/2009, không thuộc đối tượng bàn giao theo Thông tư số 32/2013/TTLT-BCT-BTC ngày 04/12/2013 nên Tổng Công ty Điện lực miền Trung chưa có cơ sở để tiếp nhận và hoàn trả vốn đối với lưới điện này.
EVNCPC
https://congthuong.vn/evncpc-gap-nhieu-kho-khan-trong-linh-vuc-san-xuat-kinh-doanh-216565.html