Đẩy nhanh Đề án 1 tỷ cây xanh

Thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6 là mùa trồng rừng vụ Xuân Hè của hầu hết các tỉnh trong cả nước. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, các địa phương cần tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng rừng, đẩy nhanh triển khai Đề án trồng 1 tỷ cây xanh trong thời gian tới.

Trong quý I/2021, cả nước đã trồng 31.498 ha rừng, tăng 116% so với cùng kỳ năm 2020, tập trung ở một số tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chuẩn bị được trên 340,5 triệu cây giống các loại phục vụ cho Kế hoạch trồng rừng năm 2021, tăng 152% so với cùng kỳ năm 2020.

Một số loài cây trồng lâm nghiệp chủ yếu trong vụ Xuân Hè như: cây mọc nhanh gồm các loài keo, bạch đàn, mỡ, bồ đề, xoan, tông dù, tếch…; cây bản địa như lát hoa, sa mộc, vối thuốc, lim xanh, re gừng, thông nhựa…; cây lâm sản ngoài gỗ: sơn tra, quế, hồi, trẩu, trám, mây nếp, luồng; cây trồng ven biển như bần, trang, sú, đước, mắm, cóc, tràm, phi lao… Để đảm bảo cây có tỷ lệ sống cao nhất, Tổng cục Lâm nghiệp khuyến cáo cần trồng rừng vào những ngày râm mát, có mưa ẩm; không trồng vào những ngày nắng nóng, hạn hán kéo dài hoặc mưa lũ lớn; trồng rừng ngập mặn vào thời điểm ít có gió mạnh, sóng biển thấp và thủy triều rút.


Các địa phương cần tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh Đề án trồng 1 tỷ cây xanh trong thời gian tới. Ảnh: MH

Về lượng mưa, khu vực Bắc Bộ có tổng lượng mưa từ tháng 4 - 5 phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN), khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đều cao hơn TBNN từ 10 - 20%. Sang tháng 6, tổng lượng mưa sẽ xấp xỉ so với TBNN. Mùa mưa có khả năng đến sớm trên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ khoảng nửa cuối tháng 4 sang nửa đầu tháng 5/2021, tạo điều kiện tăng khả năng sống cho rừng trồng.

Dự báo diễn biến mực nước trên các sông trong các tháng 4, 5, 6 không khả quan. Nguồn nước trên các lưu vực sông Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 20 - 30%. Phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên xấp xỉ và thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 15 - 40%. Ngay trong tháng 4, nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, sau đó mở rộng ra các tỉnh khác ở Trung Bộ. Khu vực Nam Bộ, từ nay đến cuối tháng 4, tại Đồng bằng sông Cửu Long khả năng xuất hiện thêm 3 - 4 đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long. Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường còn nhiều biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Do vậy, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị các địa phương căn cứ Kế hoạch phát triển rừng được giao năm 2021 và dự báo khí tượng thủy văn, mùa vụ trồng rừng để chủ động chuẩn bị cây giống đủ số lượng, bảo đảm chất lượng tốt; kiểm soát nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định; khảo sát, chuẩn bị hiện trường, thiết kế trồng rừng bảo đảm kỹ thuật. Bên cạnh đó, chú ý phòng trừ một số loài sâu bệnh hại trên cây lâm nghiệp chủ yếu như: bệnh lở cổ rễ, sâu ăn lá, bệnh khô lá, đốm lá, sâu cánh cứng, virus thối rễ, sâu đo, sâu đục thân, rệp sáp, sâu ăn lá, bệnh thán thư…

Các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên có thể triển khai công tác trồng rừng ngay từ tháng 4. Với vùng Nam Bộ cần chú ý theo dõi hạn hán, xâm nhập mặn để lựa chọn thời điểm xuống giống phù hợp, trong đó, 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng được khuyến cáo nên trồng tập trung trong tháng 6 để né thời tiết bất lợi.

Để tiếp tục triển khai Đề án 1 tỷ cây xanh, việc lựa chọn loài cây, giống cây trồng cần phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và loại rừng. Cụ thể, đối với trồng rừng tập trung chỉ trồng các loài cây bản địa có phân bố trong hệ sinh thái của rừng đặc dụng đó. Đối với trồng rừng phòng hộ, nên trồng các loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt.

Đối với trồng rừng sản xuất tập trung trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn ở những nơi có điều kiện thích hợp. Đối với trồng cây phân tán, chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái gây trồng, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể. Trong đó, ưu tiên trồng cây bản địa và các loài cây thân gỗ, cây đa mục đích.

Theo báo TNMT

Link gốc: https://baotainguyenmoitruong.vn/day-nhanh-de-an-1-ty-cay-xanh-323027.html