Chuyện được - mất giữa điện gió trên bờ và du lịch ở Bình Thuận

Như chúng ta đều biết, trong ngành kinh tế học, “chi phí cơ hội” là một trong những bài toán quan trọng số 1. Do đó, đối với tỉnh Bình Thuận, ý kiến của giới khoa học cho rằng: Việc đánh đổi du lịch để lấy điện gió trên bờ (trong khi điện gió ngoài khơi có thể phát triển) là một cách giải bài toán “chi phí cơ hội” sai. 

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận - TS. Dương Văn An đã nhiều lần nhấn mạnh: Bình Thuận hiện xem du lịch, năng lượng và nông nghiệp công nghệ cao là 3 trụ cột kinh tế. Trong đó, với ngành năng lượng, trong những năm tiếp theo sẽ ưu tiên phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và nhiệt điện chạy khí (LNG). Đối với du lịch, Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mũi Né đã được Chính phủ phê duyệt vào năm 2020, theo đó, Bình Thuận sẽ tiếp tục phát triển theo hướng lấy Khu du lịch Quốc gia Mũi Né là trung tâm, trên cơ sở phát huy thế mạnh về biển và cảnh quan thiên nhiên để xây dựng các dự án du lịch đẳng cấp, với các loại hình nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao biển… xây dựng Mũi Né thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia và khu vực.

Hiện tại, xung quanh Khu du lịch Quốc gia Mũi Né có 4 dự án điện gió đã được quy hoạch. Gần đây, Bình Thuận đề nghị Bộ Công Thương bổ sung vào Quy hoạch điện VIII thêm 3 dự án điện gió nữa. Các dự án này đều nằm ở khu vực xã Hòa Thắng, Hồng Phong, thuộc Khu du lịch Quốc gia Mũi Né. Như vậy, trong số các dự án đã được quy hoạch và các dự án được đề nghị bổ sung vào Quy hoạch điện VIII có những dự án chồng lấn lên Quy hoạch “Khu du lịch Quốc gia Mũi Né” với diện tích chồng lấn lên tới 1374ha.

Cụ thể, diện tích chồng lấn của các dự án như sau: Điện gió Hoà Thắng 4 - 856 ha; Điện gió Hoà Thắng 1.1 - 104 ha; Điện gió Hoà Thắng 1.2 - 150 ha; Điện gió Phan Rí Thành - 264 ha. Chưa kể dự án Hòa Thắng 2.2 cũng nằm liền với ranh giới của Quy hoạch “Khu du lịch Quốc gia Mũi Né”.

Như vậy, đang tồn tại sự xung đột về không gian qui hoạch. Bản chất của mọi quy hoạch là sự sắp xếp về không gian và thời gian. Vì vậy, trong quy hoạch, sự xung đột về không gian như vậy có thể sẽ làm vô hiệu hóa Quy hoạch Khu du lich Quốc gia Mũi Né cũng như Quy hoạch Điện VIII, vì điện gió và du lịch đều có nhu cầu sử dụng đất (không gian) rất lớn.

Trước đây, việc chồng lấn trong các qui hoạch cũng đã từng xảy ra ở Bình Thuận giữa quy hoạch phát triển titan và quy hoạch du lịch. Việc chồng lấn đó đã dẫn đến những khó khăn, vướng mắc không nhỏ cho địa phương và cho cả các doanh nghiệp đang đầu tư vào Bình Thuận. Vì vậy, trên tinh thần tháo gỡ, gần đây, Chính phủ đã phải ban hành Nghị định số 51/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 về “Quản lý dự trữ khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia”.

Các xung đột đáng tiếc nêu trên trong các qui hoạch đòi hỏi phải được xử lý dựa trên các tiệm cận một cách khoa học.

Trước hết, so sánh trực tiếp giữa du lịch và điện gió:

Về không gian qui hoạch, điện gió có thể phát triển cả ở trên bờ và ở ngoài khơi, càng xa càng tốt. Nhưng du lịch chỉ có thể ở trên bờ và ven bờ. Trên thế giới, các nước thường phát triển điện gió ở những vùng cao và/hoặc ở ngoài khơi xa là những nơi có tốc độ gió lớn. Ở Bình Thuận, tốc độ gió bình quân trong năm trên bờ ven biển chỉ khoảng <7m/s (ở độ cao >120m), thấp hơn nhiều so với ngoài khơi. Trong khi (về lý thuyết), công suất phát điện của tua bin gió tỷ lệ thuận với tốc độ gió theo “hàm bậc 3”. Nếu tốc độ gió ngoài khơi lớn hơn trong bờ 2 lần, thì công suất phát điện của tua bin gió ngoài khơi lớn hơn 8 lần so với trong bờ. Thêm nữa, tốc độ gió trên bờ thấp sẽ hạn chế việc lựa chọn tua bin công suất lớn. Ứng với tốc độ gió <7m/s, công suất tối ưu của tua bin không lớn hơn 3,5 MW. Tính trên công suất đặt, các dự án có tua bin công suất nhỏ sẽ có diện tích chiếm đất lớn.

Về mặt kỹ thuật, các cột tua bin điện gió được xây dựng phải đủ “thoáng” (mật độ không được lớn, không được gần nhau, và dòng chuyển động của gió không bị cản). Điều kiện này ở ngoài khơi tốt hơn nhiều so với ở trên bờ.

Về mặt kinh tế, các dự án du lịch nên được ưu tiên phát triển trên bờ, dọc theo bờ biển. Ở Bình Thuận (cũng như ở nhiều nơi khác), bờ biển là “mặt tiền” để “hái” ra tiền thông qua các dự án du lịch. Để đóng góp cho ngân sách, trên cùng một diện tích đất “mặt tiền” ven biển, các dự án du lịch chắc chắn sẽ mang lại “tiền tươi, thóc thật” nhiều hơn rất nhiều so với các dự án điện gió.

Về tính lan tỏa, dự án điện gió cũng như dự án du lịch đều có tính lan tỏa - kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực kinh doanh khác. Nhưng, điện gió thì lan tỏa xa hơn (và lan tỏa nhiều hơn ở nước ngoài), còn du lịch có tính lan tỏa thiết thực tại chỗ.

Về tạo việc làm, các dự án điện gió tạo ra rất ít việc làm, đòi hỏi chuyên môn cao. Ngược lại, các dự án du lịch sẽ tạo ra nhiều việc làm đơn giản, và người địa phương tham gia được nhiều hơn.

Về lâu dài, các dự án điện gió ngoài khơi còn có ưu thế rất lớn mà các dự án điện gió trên bờ (đặc biệt là ở Bình Thuận) không thể có được. Đó là tham gia (cung cấp điện tại chỗ) cho các dự án sản xuất Hydrogen - một nguồn năng lượng sạch trong tương lai rất gần của loài người. Dự báo, sau 10 năm nữa, việc sản xuất nhiên liệu Hydrogen ở ngoài khơi Việt Nam có thể sẽ phát triển mạnh. Khi đó, không nhất thiết phải đưa điện từ ngoài khơi vào bờ.

Cuối cùng, việc các doanh nghiệp trong nước đầu tư điện gió ngoài khơi còn góp phần quan trọng vào việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Thứ hai, so sánh giữa các qui hoạch:

Ở Bình Thuận, khu vực Hòa Thắng, Hồng Phong được Chính phủ quy hoạch nằm trong “Khu du lịch quốc gia Mũi Né”. Ở đây sẽ có các dự án du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí v.v... được đầu tư. Nếu các dự án điện gió xuất hiện ở đây với các cột tua bin “đập vào mắt” và với hệ thống đường dây tải điện “ngang dọc”, chắc khách du lịch sẽ khó chấp nhận đây là “Khu du lịch Quốc gia” và sẽ chẳng có nhà đầu tư nào dám đầu tư về du lịch ngay trong lòng các trang trại gió như vậy cả. Trong khi đó, từ tháng 4/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó (nay là Chủ tịch nước) đã có ý kiến chỉ đạo tập trung nguồn lực vào phát triển du lịch xanh ở khu vực này. Vì, hiện ở khu vực này còn có nhiều cánh rừng thuộc căn cứ kháng chiến Lê Hồng Phong đang được bảo vệ rất tốt, rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Việc phát triển du lịch xanh sẽ góp phần gìn giữ, tái tạo lại rừng, đáp ứng được nguyện vọng của người dân vùng căn cứ cách mạng và của đội ngũ cán bộ cách mạng lão thành, những thế hệ đã sống, chiến đấu tại đây từ những ngày đầu cuộc kháng chiến cho đến khi đất nước thống nhất.

Thứ ba, về môi trường:

Về mặt khoa học, điện gió (cũng như thủy điện, điện mặt trời và điện sinh khối) đều có nguồn gốc từ mặt trời nên được coi là “tái tạo”, nhưng về mặt môi trường, tất cả các nguồn năng lượng tái tạo này đều chưa hoàn toàn “sạch”.

Gần đây, khi đề cập tới điện mặt trời và điện gió, người ta cũng ít nhắc đến “sạch”, chỉ nhắc đến “tái tạo” vì thực chất chúng cũng chưa hoàn toàn “sạch”. Trong nền trời xanh, các cột tua bin gió ở Tuy Phong có màu trắng, hay trên đồng cát vàng ở Bắc Bình, các tấm PV có mầu xanh lơ, nhìn có vẻ “sạch”. Nhưng trước khi đến với Bình Thuận, các tua bin gió và các tấm PV này đã để lại rất nhiều chất thải nguy hại tại nơi làm ra chúng. Điều nguy hại hơn, chúng cũng sẽ để lại không ít chất thải rắn ở nơi sử dụng.

Với tốc độ phát triển điện mặt trời và điện gió như hiện nay, sau 20 năm nữa Bình Thuận chắc chắn sẽ trở thành bãi rác thải của các tấm PV và các cánh tua bin gió đã qua sử dụng. Việc xử lý những chất thải rắn này đòi hỏi chi phí rất cao, và vượt quá khả năng của một tỉnh như Bình Thuận. Đặc biệt, các phế thải của cánh tua bin gió đã qua sử dụng hiện các nước phát triển cũng chưa thể xử lý được.

Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Stendford (California, Mỹ), sau 9 năm các trạm điện gió sẽ làm cho nhiệt độ trong vùng tăng lên 0,72 độ C. Về mặt khoa học, gió là một luồng không khí di chuyển với một tốc độ nhất định nhờ chênh lệch về áp suất của khí quyển do mặt trời tạo ra. Khi di chuyển, động năng của gió sẽ có ảnh hưởng đến nhiệt năng của không khí, tốc độ gió càng lớn, nhiệt độ của không khí càng giảm.

Về mặt kỹ thuật, các tua bin gió thực hiện chức năng biến động năng của gió thành điện năng. Sau khi đi qua các cánh tua bin, động năng của gió giảm đi - tức là tốc độ gió giảm đi. Vì vậy, nhiệt độ của không khí trong vùng sau tua bin sẽ tăng lên. Không phải ngẫu nhiên, ở các nước trên thế giới, các dự án điện gió thường được xây dựng xa các khu dân cư, ở những vùng hẻo lánh.

Thứ tư, về bài toán kinh tế vĩ mô:

Ngoài các dự án đã được quy hoạch, việc bổ sung thêm 3 dự án điện gió trên bờ vào Quy hoạch điện VIII ở khu vực Bình Thuận đương nhiên sẽ làm mất đi các dự án du lịch. Trong ngành kinh tế học, “chi phí cơ hội” là một trong những bài toán quan trọng số 1. Đối với Bình Thuận, việc đánh đổi du lịch để lấy điện gió trên bờ (trong khi điện gió ngoài khơi có thể phát triển) là một cách giải bài toán “chi phí cơ hội” sai.

Hy vọng, Quy hoạch Điện VIII sẽ giúp Bình Thuận giải đúng bài toán này./.

TS. NGUYỄN THÀNH SƠN

http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nhan-dinh-phan-bien-kien-nghi/phan-bien-kien-nghi/chuyen-duoc-mat-giua-dien-gio-tren-bo-va-du-lich-o-binh-thuan.html