Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường BloombergNEF (BNEF), trong năm 2022, tổng vốn đầu tư toàn cầu vào quá trình chuyển dịch năng lượng đã tăng 31% so với năm 2021, với tổng trị giá 1.100 tỷ USD – một con số rất gần với mức đầu tư dành riêng cho nhiên liệu hóa thạch.
Các tác giả của báo cáo viết: “Lần đầu
tiên trong lịch sử, các khoản đầu tư vào quá trình chuyển dịch năng
lượng chuẩn bị vượt qua mức đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, với số tiền
ước tính là 1.100 tỷ USD chỉ trong năm 2022. Trong lúc đó, vào năm
2022, thế giới vẫn ghi nhận sự gia tăng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch,
vì những lo ngại về an ninh năng lượng đã khiến nhiều quốc gia phải
phát triển thêm những dự án nhiên liệu hóa thạch”.
Tuy
nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết, mức đầu tư bình quân vào mảng chuyển
dịch năng lượng phải “cao gấp ba lần mức đó, duy trì từ nay cho đến hết
thập kỷ này” thì mới đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Theo tính toán của BloombergNEF, thế giới cần chi 4,55 nghìn tỷ USD/năm
vào hoạt động chuyển dịch năng lượng và đầu tư vào mạng lưới, kéo dài từ
nay cho đến năm 2030. Tuy nhiên, con số cần thiết sẽ còn tăng hơn nữa.
Vào những năm 2040, thế giới phải chi 7.870 tỷ USD/năm, cao gần gấp sáu
lần so với năm 2022.
Những khoản
đầu tư được xét đến trong báo cáo của BloombergNEF là một loạt hoạt động
chuyển dịch sang carbon thấp như: Năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng lưu
trữ và nạp điện, cơ sở sản xuất hydro và điện hạt nhân, dự án thu hồi
và lưu trữ carbon, máy bơm nhiệt và phương tiện không phát thải carbon.
Báo cáo cũng chỉ ra: “Tuy năng lượng tái tạo vẫn là ngành công nghiệp
lớn nhất (đạt giá trị 495 tỷ USD, tăng 17% so với giai đoạn cùng kỳ năm
ngoái), ngành phương tiện di chuyển bằng điện đang phát triển nhanh hơn
nhiều, với giá trị đạt 466 tỷ USD (+54%)”.
Cũng
theo BloombergNEF, Trung Quốc là “nhà đóng góp hàng đầu”, chiếm gần một
nửa tổng vốn đầu tư toàn cầu vào quá trình chuyển dịch năng lượng (546
tỷ USD), vượt xa nhà đầu tư lớn thứ hai là Mỹ (141 tỷ USD). Nhà đầu tư
lớn thứ ba kiêm nhà đầu tư hàng đầu của châu Âu - nước Đức, đã giải ngân
55 tỷ USD; theo sau là Pháp (29 tỷ USD) và Vương quốc Anh (28 tỷ USD).
Ngọc Duyên
Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/bao-cao-dau-tu-chuyen-dich-nang-luong-nam-2022-677345.html