Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 25/10 - 31/10

Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 25/10 - 31/10

Thêm 14 nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại


Dự án phong điện Phương Mai 1 là một trong 7 dự án đầu tiên thuộc nhóm 106 nhà máy điện gió đăng ký thử nghiệm đã đạt được công nhận COD.

Thông tin được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cập nhật đến ngày 29/10/2021. Theo đó, số lượng các nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại (COD) đã tăng thêm 14 nhà máy, tức từ 28 nhà máy tăng lên con số 42.

Theo EVN, đã có 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận COD. Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của 106 nhà máy điện gió này là 5655,5 MW.

Với tinh thần hỗ trợ tối đa các Chủ đầu tư nhà máy điện gió, mặc dù ngày 30 và 31/10 là các ngày nghỉ cuối tuần nhưng các đơn vị liên quan của EVN vẫn nỗ lực tối đa và tích cực phối hợp với các nhà máy điện gió đã đăng ký thử nghiệm và đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD).

Nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu chính thức vận hành thương mại


Toàn cảnh 9 turbine của Nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu (giai đoạn 1).

Ngày 30/10/2021, Nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu giai đoạn 1 (công suất 40,5 MW), do Công ty CP Điện gió Kosy Bạc Liêu (thành viên của Tập đoàn Kosy) làm chủ đầu tư, chính thức được công nhận vận hành thương mại (COD).

Dự án Nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư trên 1.600 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 10/2020. Sau khi đi vào vận hành, Nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình mỗi năm khoảng 116,7 triệu kWh, góp phần vào việc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp vào ngân sách địa phương, giải quyết việc làm kỹ thuật cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và khu vực.

Khảo sát, nghiên cứu thực hiện cụm dự án điện gió tại Hà Tĩnh


Dự án có công suất dự kiến 200MW, khu vực biển xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) với tổng mức đầu tư 8.687 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

UBND tỉnh Hà Tĩnh mới đây đã có Văn bản số 6811/UBND-KT2, đồng ý cho Công ty CP Tập đoàn Đức Thắng nghiên cứu, khảo sát thực hiện cụm dự án nhà máy điện gió trên đất liền và ngoài khơi huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh với diện tích nghiên cứu, khảo sát khoảng 2.698 ha đất liền và khoảng 4.416 ha trên mặt biển. Thời gian khảo sát là 18 tháng gồm cả thời gian đo gió.

Trước đó, vào tháng 7/2021, Công ty CP Tập đoàn Đức Thắng đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh đầu tư dự án cụm nhà máy điện gió Kỳ Anh có công suất 148,5MW tại huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh có tổng kinh phí 5.206 tỷ đồng. Diện tích nghiên cứu khảo sát dự án là 3.937 ha, dự kiến xây dựng 33 tuabin gió. Sản lượng điện sản xuất khoảng 481.229MWh/năm, doanh thu dự kiến 949 tỷ đồng/năm.

Dự án điện gió trên biển có công suất dự kiến 200MW được đầu tư xây dựng tại khu vực biển xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh với tổng mức đầu tư 8.687 tỷ đồng. Diện tích nghiên cứu khảo sát dự án khoảng 4.416 ha, xây dựng 40 tuabin gió trên biển với sản lượng điện sản xuất 563.054MWh/năm, doanh thu dự kiến 1.280 tỷ đồng/năm.

Trà Vinh khánh thành Nhà máy điện gió V1-2


Lễ khánh thành Dự án điện gió V1-2

UBND tỉnh Trà Vinh vừa tổ chức khánh thành Dự án Nhà máy Điện gió V1-2 tại ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, do CTCP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam làm chủ đầu tư.

Công trình được khởi công vào tháng 8/2020; thi công các hạng mục từ tháng 3/2021, đến nay đã hoàn thành đưa vào hoạt động trên điện tích sử dụng khoảng 209 ha mặt đất, mặt nước, tổng công suất 48 MWp, gồm 12 turbine gió, sản lượng điện đạt 168 triệu kilowatt/năm. Tổng mức đầu tư của dự án trên 2.232 tỷ đồng.

Dự án Nhà máy điện gió V1-2 vận hành hàng năm sẽ đóng góp vào ngân sách của địa phương khoảng 45-50 tỷ đồng và tạo ra công ăn việc làm mới cho nhân dân địa phương nơi dự án được triển khai.

Chuyển đổi năng lượng, giảm thiểu biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long


Hội thảo khởi động dự án “Chuyển đổi năng lượng và giảm thiểu biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: AAV).

Tổ chức Action Aid quốc tại Việt Nam (AAV) mới đây đã phối hợp cùng UBND, Ban quản lý dự án huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Chuyển đổi năng lượng và giảm thiểu biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long”.

Đây là dự án do tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV) phối hợp với Tổ chức Bánh mỳ thế giới (BfdW) triển khai, nhằm tăng cường năng lực cho người dân đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng cộng đồng an toàn, thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế bền vững.

Dự án được triển khai từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2023 trên địa bàn 4 xã An Phúc, Long Điền, Long Điền Đông, Long Điền Tây của huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Dự án được hoàn thành sẽ là cơ sở để triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu nói riêng và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung.

USAID hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo


USAID hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy các dự án điện gió. (Ảnh minh họa)

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày 28/10, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố khoản ngân sách 860.000 Đô la để tài trợ cho 3 dự án mới về năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Cụ thể, khoản ngân sách mới được công bố của USAID sẽ hỗ trợ các nhà máy điện gió trên bờ (công suất 350MW) tại Gia Lai của Công ty CP TSV và Asia Renewables; hỗ trợ thử nghiệm công nghệ điện sóng biển ngoài lưới của Công ty INGINE Pacific trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi; và cuối cùng là dành cho các nhà máy điện gió ngoài khơi của Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) tại Cà Mau (công suất 300MW) và Trà Vinh (công suất 200MW).

Ngân sách tài trợ sẽ được cung cấp thông qua dự án INVEST - một sáng kiến toàn cầu của USAID với mục tiêu giúp giảm thiểu rào cản đối với các nhà đầu tư, qua đó tạo thuận lợi cho huy động và điều tiết dòng vốn tư nhân vào những lĩnh vực có tác động cao.

Thông qua dự án INVEST, USAID mong muốn thúc đẩy gia tăng đầu tư quốc tế vào Việt Nam, nâng cao năng lực cho khu vực công và tư nhân để hợp tác cùng nhau nhằm cung cấp nguồn tài chính cho những ưu tiên phát triển của Việt Nam, trong đó giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang các hệ thống năng lượng sạch.

Đan Mạch tài trợ 10 triệu USD giúp Việt Nam xanh hóa ngành năng lượng


Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An ký kết hiệp định khởi động Chương trình DEPP III

Ngày 28/10, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã ký kết một hiệp định mới, khởi động Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình DEPP III).

Đây là giai đoạn 3 của chương trình hợp tác dài hạn giữa hai Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng được thiết lập vào năm 2013. Chương trình sẽ do Cục Năng lượng Đan Mạch và Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp thực hiện với nguồn vốn tài trợ không hoàn lại là 60,3 triệu DKK (tương đương 10 triệu USD) dưới dạng hỗ trợ kỹ thuật của Đan Mạch.

Trong Chương trình DEPP III, các đối tác Đan Mạch và Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực quy hoạch năng lượng, tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện và tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp. Phát triển điện gió ngoài khơi sẽ tiếp tục là một lĩnh vực trọng tâm trong Chương trình này.

Cơ hội hợp tác năng lượng giữa Việt Nam - Na Uy


Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen.

Ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tiếp và làm việc với Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen. Hai phía trao đổi nhiều nội dung liên quan đến tình hình phát triển năng lượng trên thế giới, tại Na Uy cũng như tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen đã trao tặng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ấn phẩm Báo cáo Nghiên cứu về Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Báo cáo do Equinor - Tập đoàn lớn nhất của Na Uy trong phát triển điện gió ngoài khơi - xây dựng; đồng thời nhấn mạnh các công ty Na Uy sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng vì lợi ích chung và sự phát triển bền vững.

Trao đổi với Đại sứ Grete Lochen, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương sẵn sàng trao đổi, hỗ trợ và hợp tác với các doanh nghiệp của Na Uy cũng như Tập đoàn Equinor trong lĩnh vực phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; đồng thời bày tỏ kỳ vọng, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của phía Na Uy trong việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.


Lâm Anh (tổng hợp)

https://petrovietnam.petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-trong-nuoc-tu-ngay-2510-3110-631195.html