Azerbaijan đã đạt được những thành tựu gì trong lĩnh vực năng lượng?

 Azerbaijan sắp kỷ niệm 30 năm ký kết “Hợp đồng Thế kỷ”, một sự kiện đóng vai trò quan trọng trong lịch sử nước này. Hợp đồng Thế kỷ có thể được gọi là một cột mốc quan trọng đối với Azerbaijan đã độc lập.

Hình minh họa

Giống như các nước Cộng hòa Xô viết khác, sau khi Liên Xô tan rã, Azerbaijan trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử khi chuyển sang thời đại mới, thời kinh tế thị trường tự do.

Giai đoạn này còn khó khăn hơn nhiều ở Azerbaijan vì nước này gặp phải sự xung đột với Armenia trong những năm đầu độc lập. Kết quả là, 20% lãnh thổ có tầm quan trọng chiến lược của Azerbaijan, đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi, đã bị chiếm đóng. Khoảng 1 triệu người hoặc cứ 7 người Azerbaijan thì có 1 người trở thành dân tị nạn hoặc buộc phải di cư (IDP). Vào thời điểm đó, Azerbaijan có số lượng người tị nạn hoặc IDP bình quân đầu người lớn nhất thế giới.

Những vấn đề nêu trên đã dẫn đến sự hỗn loạn trong chính phủ nước này. Cụ thể, lạm phát tăng vọt và GDP giảm từ 9 tỷ USD xuống còn 0,4 tỷ USD. Azerbaijan trở thành quốc gia nghèo nhất ở Nam Caucasus với GDP bình quân đầu người là 60 USD vào năm 1992. So sánh, GDP bình quân đầu người ở Armenia trong cùng năm đó cao gấp 6 lần so với Azerbaijan.

Tuy nhiên, vào năm 1993 khi ông Heydar Aliyev lên nắm quyền, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Một chương mới đã được mở ra trong lịch sử của Azerbaijan độc lập. Dưới sự lãnh đạo của ông Aliyev, các cuộc cải cách kinh tế quy mô lớn đã được tiến hành, hiến pháp dân chủ mới được thông qua và chế độ kiểm duyệt được bãi bỏ. Tất cả những điều này đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Azerbaijan, và tất nhiên, lĩnh vực năng lượng chiếm phần lớn.

Năm 1994, Caspian Oil and Gas Exhibition lần đầu tiên được tổ chức và sau vài tháng, Hợp đồng Thế kỷ đã được ký kết. Theo sau hợp đồng này, các công ty dầu mỏ quốc tế lớn nhất đã đầu tư vào Azerbaijan. Ngoài ra, Baku còn củng cố vị thế của mình bằng việc vận hành các đường ống dẫn dầu và khí. Kết quả là GDP của Azerbaijan đã tăng 179 lần trong 30 năm qua, được coi là một trong những thành tựu lớn nhất thế giới. Ngoài ra, tỷ lệ nghèo đói giảm từ 50% xuống còn 5% và nợ nước ngoài giảm từ 100% xuống chỉ còn 7,7%.

Sau các hợp đồng dầu mỏ, Azerbaijan đã ký các hợp đồng khí đốt. Việc đưa vào vận hành mỏ Shah Deniz không chỉ chấm dứt tình trạng thiếu khí đốt trong nước mà còn đưa Azerbaijan từ một quốc gia nhập khẩu khí đốt trở thành một quốc gia xuất khẩu khí đốt. Dự kiến xuất khẩu khí đốt của Azerbaijan sẽ vượt 24 tỷ mét khối trong năm nay. Ngày nay, Azerbaijan được coi là một trong những nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy của châu Âu, vì 6 trong số 8 quốc gia mà Azerbaijan xuất khẩu khí đốt là các nước EU. Ngoài ra, xuất khẩu khí đốt chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của Azerbaijan.

Và đây là kết quả - sau các dự án dầu khí lớn, Azerbaijan đang triển khai dự án năng lượng lớn thứ ba - năng lượng tái tạo. Nước này có tiềm năng sản xuất năng lượng xanh 200 GW. Azerbaijan dự định hiện thực hóa một số tiềm năng này cho mục đích đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Khi Azerbaijan chuẩn bị tổ chức Hội nghị về biến đổi khí hậu COP29 của Liên hợp quốc tại Baku vào tháng 11/2024, nước này đã cam kết tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong công suất phát điện đã lắp đặt lên ít nhất 30% vào năm 2030 và khai thác tiềm năng năng lượng xanh thông qua đầu tư tư nhân vào các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Trong những năm gần đây, chính phủ nước này đã tiến hành cải cách, xây dựng chiến lược và thực thi pháp luật để thu hút nguồn tài chính từ khu vực tư nhân cho năng lượng xanh.

Azerbaijan đã khánh thành một nhà máy điện mặt trời 230 megawatt vào tháng 10/2023 và hiện đang có công suất1 gigawatt. Ngoài ra, còn có hai dự án nữa đang được triển khai. Với việc hoàn thành các dự án này, tiềm năng năng lượng tái tạo của Azerbaijan sẽ đạt 2 gigawatt.

Ngoài ra, Azerbaijan có tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn ở các vùng lãnh thổ như Garabagh và Đông Zangazur. Trong vòng 4 năm, nước này đã đưa vào vận hành các nhà máy thủy điện với tổng công suất 270 MW và trong những năm tiếp theo, con số này dự kiến sẽ đạt 500 MW.

Tất cả các dự án nêu trên sẽ cho phép Azerbaijan xuất khẩu điện được tạo ra từ các nguồn tái tạo ra thị trường toàn cầu. Ngoài ra, năng lượng tái tạo sẽ giúp tiết kiệm khí tự nhiên đang được sử dụng trong sản xuất điện và xuất khẩu khí tự nhiên được tiết kiệm.

Azerbaijan đã chứng tỏ là đối tác tin cậy của thế giới bằng các dự án dầu khí đã thực hiện. Không còn nghi ngờ gì nữa, nước này cũng sẽ triển khai thành công các dự án năng lượng tái tạo. Với việc hoàn thành các dự án năng lượng tái tạo, Azerbaijan sẽ là nhà cung cấp năng lượng quan trọng của thế giới và do đó sẽ đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Nh.Thạch

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/azerbaijan-da-dat-duoc-nhung-thanh-tuu-gi-trong-linh-vuc-nang-luong-712996.html