An ninh năng lượng cần hoá giải từ “bài toán” lưới điện truyền tải

Sau khi Văn phòng Chính phủ có công văn gửi các địa phương yêu cầu báo cáo tổng hợp các đề xuất bổ sung nguồn điện và lưới điện chưa được phê duyệt, hàng loạt địa phương đã đề xuất bổ sung nguồn điện vào quy hoạch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hầu hết các địa phương chỉ đề xuất bổ sung nguồn mà chưa quan tâm đến yếu tố truyền tải. Do đó, giải “bài toán” truyền tải mới là giải pháp cấp thiết hiện nay.

Đề xuất bổ sung gấp 3 lần quy hoạch

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện đã có hơn 50 địa phương gửi đề xuất bổ sung nguồn điện gió và khí vào Quy hoạch điện VIII. Cụ thể như Thái Bình đề xuất 3 dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi với tổng công suất 8.700 MW, cùng dự án Trung tâm Điện - Khí LNG Thái Bình, tổng công suất khoảng 4.500 MW. Hải Phòng đề xuất bổ sung 3.900 MW điện gió ngoài khơi. Quảng Ninh cũng đề xuất đưa khoảng 5.000 MW điện gió vào quy hoạch.

Một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum cũng đề xuất tiếp tục bổ sung các dự án điện mặt trời, điện gió. Tới nay, Đắk Lắk đã đề xuất đưa vào Quy hoạch điện VIII với số lượng 30 dự án điện mặt trời công suất khoảng 12.000 MW và 60 dự án điện gió với quy mô công suất hơn 11.000 MW.

Ở khu vực duyên hải miền Trung như Bình Thuận, Ninh Thuận đều đề xuất bổ sung hàng chục nghìn MW điện gió ngoài khơi. Theo đó, Ninh Thuận đề nghị đưa vào quy hoạch khoảng 42.595 MW, trong đó điện gió ngoài khơi 21.000 MW.

Tại miền Nam, UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa có văn bản hỏa tốc đề xuất bổ sung nguồn và lưới điện, trong đó có cả dự án điện khí, điện mặt trời và điện gió. Cụ thể, tỉnh đề xuất 4 dự án điện khí LNG với tổng công suất 10.700 MW, 24 dự án điện gió với tổng công suất hơn 12.000 MW, trong đó có 6 dự án điện gió ngoài khơi…

Đặc biệt, tổng công suất nguồn điện mới được các địa phương đề nghị đầu tư trong giai đoạn tới đã lên tới con số hơn 471.000 MW. Với con số này đã vượt xa so với nhu cầu và có khả năng cao gấp 3 lần kế hoạch dự kiến. Do đó, sẽ có rất nhiều đề xuất không thể trở thành hiện thực.

Các chuyên gia cho rằng, trước nhu cầu cấp thiết của quá trình chuyển dịch năng lượng theo xu hướng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang có nhu cầu điện rất lớn để phục vụ mục tiêu công nghiệp hoá, song song với đó là ràng buộc về yêu cầu giảm nhiệt điện than, trung hoà CO2 như cam kết của Chính phủ tại COP26, thì việc tập trung khai thác nguồn năng lượng sạch và dồi dào, đặc biệt là tại các tỉnh có tiềm năng về điện gió là tất yếu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là, hiện hầu hết các địa phương chỉ đang tập trung đề xuất bổ sung nguồn mà chưa quan tâm đến truyền tải. Thực tế, các tỉnh có tiềm năng năng lượng tái tạo tập trung chủ yếu ở miền Trung và miền Nam, trong khi nhu cầu phụ tải ở miền Bắc lại rất lớn. Do đó, việc quy hoạch nguồn điện với quy mô công suất lớn nhưng chỉ có thể truyền tải nội vùng sẽ không khả thi về mặt kinh tế và không thuyết phục. Như vậy, việc phát triển nguồn điện cần thiết phải được xem xét cùng với phương án truyền tải xa.

Tạo điều kiện thu hút tư nhân tham gia đầu tư

Theo tinh thần Nghị quyết 55, Bộ Chính trị định hướng chủ trương thực hiện xã hội hoá hoạt động truyền tải, cho phép kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện. Đây là định hướng mang tính đột phá, là cơ sở để cả nền kinh tế, bao gồm Nhà nước và tư nhân, cùng nhau khai thác tối đa nguồn tài nguyên năng lượng gió, giải quyết bài toán thừa nguồn nhưng thiếu phụ tải như hiện nay.

Đặc biệt, tại Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chính phủ cũng đã đề xuất sửa Luật Điện lực để cho phép mọi thành phần kinh tế được tham gia đầu tư dự án truyền tải điện. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nếu mở cho mọi thành phần kinh tế, tức gồm cả nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư vào đường dây, trạm truyền tải, gồm cả các loại hệ thống truyền tải điện quan trọng, xương sống như trạm, đường dây 500 kV vào trục Bắc - Nam, cần phân định rõ loại đường dây truyền tải điện nào nhà đầu tư tư nhân được làm, loại nào Nhà nước có quy hoạch, giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm.

Theo đó, các đại biểu cho rằng, cần quy định rõ trong luật sửa đổi đường dây trên 500 kV không phân cấp cho tư nhân làm. Còn với đường dây truyền tải dưới 500 kV, mọi thành phần có thể tham gia, nhưng vẫn có những dự án quan trọng Nhà nước làm theo quy hoạch.

Đồng tình với gợi ý của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Dự thảo luật sẽ nêu cụ thể loại công trình lưới điện truyền tải nhà đầu tư tư nhân được rót vốn. Các dự án lưới điện huyết mạch, quan trọng như đường dây cao áp 500 kV và siêu cao áp 800 kV sẽ do Nhà nước đầu tư. Còn đường dây truyền tải dưới 500 kV (như đường dây 100 kV, 220 kV) thì cho phép tư nhân tham gia.

Việc cho phép tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện sẽ giúp Nhà nước kiểm soát, không có biến động lớn vào giá bán điện, an ninh hệ thống điện. Người dân cũng không phát sinh thêm chi phí. Còn doanh nghiệp nhà nước sẽ được giảm bớt gánh nặng đầu tư lưới điện truyền tải, ước tính số tiền tiết kiệm đầu tư mỗi năm khoảng 11.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Thực tế cho thấy, để tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện là một trong những giải pháp giảm tải lưới điện hiện nay. Tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió...) ngày càng lớn trong tổng công suất nguồn, nhưng lại tập trung chủ yếu ở một số vùng phụ tải thấp.

Nhiều chuyên gia năng lượng đã chỉ ra, để thực hiện giải pháp này, các nhà đầu tư tư nhân có thể thực hiện đầu tư nhà máy điện kết hợp công trình truyền tải bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Điển hình như Tập đoàn Trung Nam với dự án 450MW Trung Nam Thuận Nam cùng hệ thống trạm biến áp, truyền tải 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư tại Ninh Thuận. Dự án đã đi vào hoạt động được 1 năm và đã góp phần quan trọng khi giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và duyên hải Nam Trung bộ, cũng như sẽ đóng góp nguồn thu rất lớn cho ngân sách địa phương.

Theo đó, các chuyên gia nhấn mạnh, tùy theo nguồn công suất được quy hoạch, các địa phương sẽ nhanh chóng tự cân đối thu chi mà không cần hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Như vậy, việc đề xuất bổ sung quy hoạch nguồn điện gió quy mô lớn sẽ có nhiều yếu tố khả thi để được xem xét và chấp thuận.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, các nhà hoạch định chính sách cần phải đánh giá lại toàn bộ các nguồn cung trước mắt và lâu dài, xác định cơ cấu nguồn hợp lý, sử dụng chính sách giá mua điện để kích thích hoặc hạn chế đầu tư loại nguồn điện. Chỉ có cơ chế giá hấp dẫn sẽ thực sự thu hút được các nhà đầu tư.

Vào cuối năm 2020, TBA 500kV và đường dây 500kV Phước Nam Vĩnh Tân - tổ trạm đầu tiên thực hiện thí điểm theo cơ chế cho tư nhân đường dây truyền tải đã đưa vào vận hành ổn định trong 1 năm và đạt hiệu quả truyền tải hơn 2 tỷ kWh/năm, đóng góp vào việc giải tỏa công suất cho tỉnh Ninh Thuận và đưa Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng quốc gia, cũng như góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, hiện nay dự án 450MW Trung Nam Thuận Nam vẫn đang bị cắt giảm công suất, có thời điểm phải cắt giảm hơn 80%, gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư.

Bùi Huyền

https://congthuong.vn/an-ninh-nang-luong-can-hoa-giai-tu-bai-toan-luoi-dien-truyen-tai-168993.html