EVN cho biết sẽ dừng khai thác khoảng 250MW điện của ba nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận do phần công suất này chưa có cơ chế giá.
Trungnam Group nhận định, việc dừng khai thác hoàn toàn phần công suất chưa xác định giá của dự án sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư đối với các tổ chức tài trợ vốn, gia tăng áp lực việc trả nợ vay, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ba nhà máy điện mặt trời chịu tác động bởi quyết định của EVN gồm Trung Nam Thuận Nam (tổng công suất 450MW), Thiên Tân 1.2 (84,5MW) và Thiên Tân 1.3 (41,3MW).
Trung Nam Thuận Nam có khoảng 172MW nằm ngoài phạm vi 2.000MW công suất điện mặt trời tích lũy trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (phần công suất hơn 277MW đã vận hành thương mại COD vào ngày 1/10/2020).
Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 cũng có một phần công suất (lần lượt là 37,8MW và 6,3MW đã được COD trước 1/1/2021).
Tuy nhiên, theo EVN, hiện nay chưa có cơ chế giá và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phần công suất đã COD của các nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3 và phần công suất nằm ngoài 2000MW của nhà máy Trung Nam Thuận Nam.
Trước đó, vào tháng 9 - 10/2021, EVN đã có văn bản kiến nghị Bộ Công thương và Thủ tướng cho phép dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của các nhà máy điện mặt trời Trung Nam, Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 cho đến khi có uyết định của Thủ tướng về cơ chế giá điện cho phần công suất nằm ngoài 2.000MW tại tỉnh Ninh Thuận.
Chỉ đạo của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo ngày 15/10 nêu rõ: “Theo nội dung tại văn bản số 5441/EVN-TTĐ nêu trên, EVN đã ký hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư các dự án điện mặt trời. Đề nghị EVN thực hiện theo hợp đồng mua bán điện đã ký và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành”.
EVN nhận thấy việc tiếp tục huy động phần công suất chưa có cơ chế giá của các nhà máy điện mặt trời Trung Nam, Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 chưa đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý.
Ngày 23/11/2021, tại cuộc họp với Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời Trung Nam) và Công ty CP Công nghiệp năng lượng Ninh Thuận (chủ đầu tư Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3), EVN thông báo sẽ dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của các nhà máy nêu trên cho đến khi có quyết định của Thủ tướng về cơ chế giá điện cho phần công suất nằm ngoài 2.000MW tại tỉnh Ninh Thuận.
Thông báo của EVN được đưa ra trong bối cảnh nhà đầu tư và đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã lần lượt lên tiếng kiến nghị trước đó.
Cụ thể, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đã có công văn báo cáo Thủ tướng và Bộ Công thương về việc kiến nghị tháo gỡ khó khăn và ưu tiên khai thác toàn bộ công suất nhà máy điện mặt trời 450MW Trung Nam-Thuận Nam kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối.
Theo Trungnam Group, đây là dự án nhà máy điện năng lượng tái tạo kết hợp hệ thống truyền tải quốc gia với cấp điện áp 500kV đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, xây dựng tại Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ truyền tải, giải tỏa công suất cho bản thân nhà máy và các nhà máy năng lượng tái tạo khác trong khu vực 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Sau hơn 1 năm được EVN công nhận COD và hoạt động đến nay đã đem lại hiệu quả thiết thực, vừa đóng góp nguồn phát cho hệ thống điện quốc gia, vừa góp phần chia sẻ đáng kể gánh nặng, giảm áp lực cho EVN trong huy động công suất và giải quyết tình trạng quá tải lưới điện tại khu vực tỉnh Ninh Thuận.
Đây là dự án đầu tư có điều kiện: Theo văn bản 70/TTg-CN ngày 9/1/2021 của Thủ tướng về việc đồng ý bổ sung quy hoạch dự án; văn bản 517-BCT-ĐL ngày 21/1/2020 của Bộ Công thương về hướng dẫn phạm vi đầu tư dự án nhà máy ĐMT tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam và đầu tư kết hợp với hạ tầng lưới điện truyền tải, Trungnam Group đã đáp ứng đủ các điều kiện theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Công thương và UBND tỉnh Ninh Thuận.
Chủ đầu tư đã tự đầu tư kinh phí hoàn thành toàn bộ công trình hệ thống hạ tầng truyền tải điện quốc gia với quy mô gồm: Trạm biến áp 500kV Thuận Nam công suất 3x900 MW (giai đoạn 2020 lắp trước 2 máy); đường dây 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân dài 13,2km; mở rộng 2 ngăn lộ tại Trạm 500kV Vĩnh Tân; xây dựng đường dây 220kV dài 2km; đồng ý cho các dự án năng lượng tái tạo khác trong khu vực tham gia đấu nối, giải tỏa công suất…
Tại thời điểm COD, dự án của Trungnam Group có hơn 277MW trong số 450MW nằm trong phạm vi 2.000MW công suất điện mặt trời tích lũy trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, phần công suất hơn 172MW còn lại chưa được xác định cơ chế giá.
Tuy nhiên, theo phương án tài chính của dự án, Trungnam Group sẽ hoàn trả các khoản vay từ tổ chức tín dụng để đầu tư bằng doanh thu bán điện từ nhà máy điện mặt trời 450MW (là nguồn thu duy nhất).
Dù thời gian qua của dự án đạt hiệu suất cao với sản lượng điện phát lên lưới lớn nhưng doanh thu không bảo đảm trang trải cho nguồn thanh toán khoản vay do chưa xác định giá bán điện cho phần công suất ngoài quy mô tích lũy 2.000MW. Do đó, việc EVN thông báo dừng khai thác hoàn toàn phần công suất chưa xác định giá của dự án sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư đối với các tổ chức tài trợ vốn, gia tăng áp lực việc trả nợ vay, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Căn cứ Quyết định 13/2020 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, mặc dù phần công suất hơn 172MW của dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư sau ngày 23/11/2019, nhưng đã hoàn tất đầu tư xây dựng và COD trước 31/12/2020. Với những điều kiện bắt buộc trong chủ trương đầu tư và lợi ích mang lại của dự án cho thấy, việc chưa được xác định giá điện, không được khai thác công suất phát của nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam như các dự án điện mặt trời khác trong nhóm quyết định chủ trương đầu tư trước 23/11/2019 là thiếu công bằng và bất hợp lý.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group cho biết doanh nghiệp đang đối mặt với những khó khăn rất lớn trong việc thu xếp tài chính để trả nợ vay ngân hàng cũng như bố trí nguồn kinh phí để vận hành, duy trì hoạt động của hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam. Do đó, để đảm bảo lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, Tập đoàn kiến nghị Thủ tướng và Bộ Công thương có ý kiến chỉ đạo EVN ưu tiên khai thác toàn bộ công suất của dự án. Đối với phần công suất hơn 172MW chưa xác định giá, tiếp tục huy động, ghi nhận sản lượng, việc thanh toán phần sản lượng điện đã huy động cần được thực hiện sau khi có cơ chế giá bán điện được Thủ tướng ban hành.
Kiến nghị Thủ tướng xem xét và ban hành quyết định sửa đổi Quyết định 13, bổ sung cơ chế giá bán điện 7.09 Uscent/kWh đối với phần công suất nhà máy điện mặt trời ngoài phạm vi 2.000MW tích lũy trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhưng đã COD trước ngày 31/12/2020, đồng thời cho phép hồi tố để thực hiện thanh toán phần công suất đã được huy động và ghi nhận sản lượng.
Những nội dung trên, cũng đã được đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Ninh Thuận gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện mặt trời chưa xác định giá mua điện, ưu tiên khai thác toàn bộ công suất nhà máy điện mặt trời 450MW kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 200kV vào 14/12 vừa qua.
Tới ngày 30/12, theo nguồn tin từ Trungnam Group, vẫn chưa có động thái chỉ đạo mới từ EVN cũng như các cơ quan chức năng liên quan về vấn đề dừng khai thác phần công suất điện mặt trời nêu trên.
https://theleader.vn/3-nha-may-dien-mat-troi-quy-mo-lon-sap-bi-dung-mot-phan-cong-suat-1640881141872.htm