Thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu
Vào những ngày nắng nóng, vật liệu này có thể phát ra tới 92% lượng
nhiệt hồng ngoại mà nó chứa, giúp làm mát bên trong tòa nhà. Tuy nhiên,
vào những ngày lạnh hơn, vật liệu này chỉ phát ra 7% hồng ngoại, giúp
giữ ấm cho tòa nhà.
Giáo sư Po-Chun Hsu, người đứng đầu nghiên cứu được công bố trên tạp
chí Nature Sustainability, cho biết: “Về cơ bản, chúng tôi đã tìm ra một
cách sử dụng năng lượng thấp để đối xử với một tòa nhà như một con
người; bạn thêm một lớp khi bạn lạnh và cởi một lớp khi bạn nóng. Loại
vật liệu thông minh này cho phép chúng tôi duy trì nhiệt độ trong một
tòa nhà mà không cần tiêu tốn nhiều năng lượng”.
Theo một số ước tính, các tòa nhà chiếm 30% mức tiêu thụ năng lượng
toàn cầu và thải ra 10% tổng lượng khí nhà kính toàn cầu. Khoảng một nửa
năng lượng này là do sưởi ấm và làm mát không gian bên trong. Hsu bình
luận: “Trong một thời gian dài, hầu hết chúng ta đều coi việc kiểm soát
nhiệt độ trong nhà là điều hiển nhiên mà không nghĩ đến việc nó cần bao
nhiêu năng lượng. Nếu muốn có một tương lai ít carbon, tôi nghĩ chúng ta
phải xem xét nhiều cách khác nhau để kiểm soát nhiệt độ tòa nhà theo
cách tiết kiệm năng lượng hơn”.
Nhóm nhà nghiên cứu trước đây đã phát triển các vật liệu làm mát bức
xạ giúp giữ mát cho tòa nhà bằng cách tăng cường khả năng phát ra tia
hồng ngoại, loại nhiệt vô hình tỏa ra từ con người và đồ vật. Ngoài ra,
cũng tồn tại những vật liệu ngăn cản sự phát tia hồng ngoại ở vùng khí
hậu lạnh.
Chenxi Sui, sinh viên tốt nghiệp PME và tác giả đầu tiên của bản thảo
mới, cho biết: “Một cách đơn giản để nghĩ về nó là nếu bạn có một tòa
nhà hoàn toàn màu đen đối diện với mặt trời, nó sẽ dễ nóng lên hơn các
tòa nhà khác”.
Loại sưởi ấm thụ động đó có thể là điều tốt trong mùa đông, nhưng
không phải trong mùa hè. Khi sự nóng lên toàn cầu gây ra các hiện tượng
thời tiết cực đoan ngày càng thường xuyên và thời tiết thay đổi, các tòa
nhà cần phải có khả năng thích ứng - một số vùng khí hậu yêu cầu hệ
thống sưởi quanh năm hoặc điều hòa không khí quanh năm.
Từ kim loại sang chất lỏng và ngược lại
Hsu và đồng nghiệp thiết kế một loại vật liệu xây dựng “điện sắc”
không bắt lửa có chứa một lớp có thể mang 2 hình dạng: đồng rắn giữ lại
hầu hết nhiệt hồng ngoại hoặc dung dịch nước phát ra tia hồng ngoại. Ở
bất kỳ nhiệt độ kích hoạt đã chọn nào, thiết bị sử dụng một lượng điện
nhỏ để tạo ra sự dịch chuyển hóa học giữa các trạng thái bằng cách lắng
đọng đồng vào một màng mỏng hoặc tước đồng đó ra.
Trong bài báo mới, nhóm nhà nghiên cứu trình bày chi tiết cách thiết
bị có thể chuyển đổi nhanh chóng và đảo ngược giữa trạng thái kim loại
và chất lỏng. Họ chỉ ra khả năng chuyển đổi giữa 2 cấu hình vẫn hiệu quả
ngay cả sau 1.800 chu kỳ.
Sau đó, nhóm tạo ra các mô hình về cách vật liệu của họ giúp cắt giảm
chi phí năng lượng trong các tòa nhà điển hình ở 15 thành phố khác nhau
của Mỹ. Họ báo cáo, trong một tòa nhà thương mại trung bình, lượng điện
được sử dụng để tạo ra các thay đổi điện sắc trong vật liệu sẽ ít hơn
0,2% tổng lượng điện sử dụng của tòa nhà, nhưng có thể tiết kiệm 8,4%
mức tiêu thụ năng lượng hàng năm của tòa nhà.
Hsu nói: “Một khi bạn chuyển đổi giữa các trạng thái, bạn không cần
phải sử dụng thêm bất kỳ năng lượng nào để duy trì trạng thái đó. Vì
vậy, đối với tòa nhà mà bạn không cần phải chuyển đổi giữa các trạng
thái này thường xuyên, nó thực sự sử dụng một lượng điện rất không đáng
kể”.
Mở rộng quy mô
Cho đến nay, nhóm của Hsu mới chỉ tạo ra những mảnh vật liệu có đường
kính khoảng 6cm. Tuy nhiên, họ tưởng tượng nhiều mảng vật liệu như vậy
có thể được lắp ráp giống như ván lợp thành những tấm lớn hơn. Họ cho
rằng vật liệu này cũng có thể được điều chỉnh để sử dụng các màu tùy
chỉnh khác nhau - pha nước trong suốt và gần như bất kỳ màu nào có thể
được đặt phía sau nó mà không ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ tia hồng
ngoại của nó.
Nhóm nhà nghiên cứu hiện đang nghiên cứu các cách chế tạo vật liệu
khác nhau. Họ cũng có kế hoạch thăm dò các trạng thái trung gian của vật
liệu có thể hữu ích như thế nào. Hsu cho biết: “Chúng tôi đã chứng minh
rằng kiểm soát bức xạ có thể đóng một vai trò trong việc kiểm soát
nhiều loại nhiệt độ tòa nhà trong các mùa khác nhau. Chúng tôi đang tiếp
tục làm việc với các kỹ sư và lĩnh vực xây dựng để xem làm thế nào điều
này có thể đóng góp cho một tương lai bền vững hơn”.
Nguồn:https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/vat-lieu-cam-bien-nhiet-tiet-kiem-nang-luong-i684033/